Đầu năm, điểm mặt dự án tỷ USD đình đám
Năm 2013 có thể nói là năm của các dự án tỷ USD, khi tổng cộng có tới 9 dự án được cấp chứng nhận đầu tư mới hoặc tăng vốn. Đầu năm mới 2014, cùng “điểm mặt” lại các dự án này.
Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), 9 tỷ USD
Dự án Lọc dầu Nghi Sơn được cấp chứng nhận đầu tư điều chỉnh vào tháng 3/2013, với 2,8 tỷ USD vốn tăng thêm để nâng tổng vốn đầu tư Dự án lên 9 tỷ USD và trở thành một trong những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng là dự án có số vốn lớn nhất trong số các dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư trong năm 2013 (2,8 tỷ USD).
Sau khi tăng vốn, các bước chuẩn bị triển khai Dự án đã được tích cực thực hiện. Và ngày 23/10/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn nút khởi công Dự án.
Được cấp phép từ tháng 4/ 2008, Lọc hóa dầu Nghi Sơn do Petro Việt Nam nắm giữ 25,1% vốn, hai tập đoàn Idemitsu Kosan của Nhật Bản và Kuwait Petroleum International mỗi bên cùng nắm giữ 35,1%. Phần còn lại, 4,7% thuộc về Mitsui Chemical.
Theo kế hoạch, Dự án sẽ được xây dựng trong vòng 40 tháng và sẽ vận hành thương mại vào năm 2017.
Dự án Nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1 (Bình Thuận), 2,018 tỷ USD
Đây là dự án tỷ USD có số vốn lớn thứ hai vào Việt Nam trong năm qua và là dự án nhiệt điện BOT hiếm hoi của nhà đầu tư nước ngoài được cấp phép trong thời gian gần đây.
Nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1, công suất 1.200 MW, được cấp chứng nhận đầu tư ngày 13/10/2013. Trong dự án này, Công ty Lưới điện Phương Nam (CSG) và Công ty Điện lực quốc tế Trung Quốc (CPIH) chiếm tới 95% vốn, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đảm nhiệm 5% còn lại.
Trước đó, vào tháng 11/2006, Bộ Công thương đã ký biên bản ghi nhớ về phát triển dự án này với tổ hợp các nhà đầu tư và cuối tháng 12/2012, các bên đã tiến hành ký tắt hợp đồng BOT, làm cơ sở để chủ đầu tư hoàn tất hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Sau khi nhận chứng nhận đầu tư, ngày 12/12/2013, các bên đã tổ chức Lễ ký kết bộ Hợp đồng BOT Dự án.
Theo kế hoạch, sẽ cần 12 tháng để hoàn tất thu xếp tài chính cho Dự án.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang đặt mục tiêu hoàn tất việc thu xếp vốn trong khoảng 6 tháng, để có thể bước sang giai đoạn xây dựng kéo dài 4 năm.
Kế hoạch hiện tại được cam kết trong hợp đồng BOT là tháng 4/2019, tổ máy 1 của Dự án Nhiệt điện than Vĩnh Tân 1 sẽ đi vào hoạt động và tới tháng 10/2019 đưa vào vận hành tổ máy 2.
Dự án Tổ hợp Công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT), 2 tỷ USD
Mọi kế hoạch đầu tư ở Thái Nguyên được Samsung giữ bí mật đến phút cuối, cho đến khi, vào tháng 2/2013, Samsung ký hợp đồng thuê đất với chủ đầu tư của Khu công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên).
Dự án nhận giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 19/3/2013 và chỉ 6 ngày sau đó, ngày 25/3/2013 đã chính thức khởi công xây dựng. Trong kế hoạch của Samsung, dự án này sẽ có quy mô tương tự nhà máy ở Bắc Ninh. Với hai nhà máy sản xuất điện thoại di động ở Việt Nam, Samsung đang biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất mới của mình, với tổng công suất khoảng 250 triệu sản phẩm/năm.
Kế hoạch ban đầu, SEVT sẽ đi vào hoạt động, nhưng quá trình thi công nảy sinh những khó khăn, nên tiến độ chậm lại. Tuy nhiên, cuối tháng 11 vừa qua, nhà máy này đã được cất nóc. Theo kế hoạch, tháng 2/2014, Dự án sẽ vận hành thử và đến tháng 3/2014, chính thức vận hành thương mại.
Dự án sản xuất các sản phẩm điện tử của LG ở Hải Phòng, 1,5 tỷ USD
Ngày 10/9/2013, LG đã nhận Giấy chứng nhận đầu tư để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp rắp các sản phẩm điện tử và điện tử công nghệ cao tại KCN Tràng Duệ (KKT Đình Vũ - Cát Hải), Hải Phòng.
Với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, Dự án dự kiến được triển khai thành hai giai đoạn. Giai đoạn I được thực hiện trong vòng 04 năm (9/2013 - 9/2017) với số vốn là 510 triệu USD.
Giai đoạn II được thực hiện trong 06 năm(10/2017 - 9/2023) với số vốn là 990 triệu USD.
Dự kiến, Dự án sẽ khởi công xây dựng vào tháng 3/2014 và đến 9/2015, nhà máy đầu tiên sẽ đi vào hoạt động.
Điều đáng nói ở dự án này, đó là LG sẽ chính thức bước vào cuộc đua sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam, cùng với hai đại gia khác là Samsung và Nokia.
Chưa biết tập đoàn này sẽ chi bao nhiêu cho phần đầu tư sản xuất smartphone và bao giờ thì bắt đầu, nhưng có lẽ quy mô sẽ không lớn, bởi công suất dự kiến của mảng sản xuất này, theo Giấy chứng nhận đầu tư, chỉ là 600.000 sản phẩm/năm.
Dự án Lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên), tăng vốn thêm 1,48 tỷ USD
Cũng là một dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư điều chỉnh trong năm nay, với tổng vốn tăng thêm lên đến 1,48 tỷ USD, nhưng dự án này hiện đang bị bỏ sót trong thống kê về vốn FDI năm 2013 của Cục Đầu tư nước ngoài.
Nếu tính thêm 1,48 tỷ USD này, vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2013 ít nhất là 23 tỷ USD, chứ không phải chỉ là 21,6 tỷ USD như hiện nay.
Lọc dầu Vũng Rô được cấp chứng nhận đầu tư vào cuối tháng 11/2007, với công suất 4 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 1,7 tỷ USD. Dự án do Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô (Tập đoàn Technostar Management Ltd, Anh) làm chủ đầu tư. Sau nhiều lần trì hoãn khởi công, do những khó khăn về giải phóng mặt bằng, đầu năm 2013, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nâng công suất từ 4 triệu tấn/năm lên 8 triệu tấn/năm.
Và ngày 6/10 vừa qua, Lọc dầu Vũng Rô đã chính thức nhận giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, với tổng vốn đầu tư 3,18 tỷ USD.
Dự án được triển khai xây dựng tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, thuộc Khu công nghiệp Hòa Tâm - Khu kinh tế Nam Phú Yên.
Hiện UBND tỉnh Phú Yên vẫn đang tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư sớm triển khai Dự án.
Dự án Samsung Electro-mechanics (Thái Nguyên), 1,23 tỷ USD
Cũng được giữ bí mật đến phút cuối, nhưng dự án này trên thực tế đã bị tiết lộ vào đúng hôm khởi công xây dựng Dự án SEVT. Khi đó, cả Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đều nhắc đến khoản vốn 3,2 tỷ USD mà Samsung đầu tư vào Thái Nguyên.
SEVT chỉ có vốn đăng ký 2 tỷ USD. Như vậy 1,2 tỷ USD sẽ là của một dự án khác. Và tất cả chỉ được tiết lộ khi vào ngày 2/10, Thái Nguyên chính thức trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Samsung Electro - Mechanics Vietnam, một công ty con của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc).
Với tổng vốn đầu tư 1,23 tỷ USD, Dự án chuyên sản xuất vi mạch điện tử và linh kiện cho điện thoại di động của Samsung.
Dự án này cũng nằm trong Tổ hợp Công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT) mà Tập đoàn Samsung đã khởi công xây dựng hồi cuối tháng 3/2013.
Theo kế hoạch, Samsung Electro - Mechanics sẽ triển khai đầu tư dự án trong vòng 4 năm, thời gian thuê đất để sản xuất là 50 năm.
Dự án này là một bước đi cho thấy Samsung không chỉ lắp ráp điện thoại di động ở Việt Nam, mà còn đầu tư chế biến, chế tạo sâu bằng sản xuất các linh, phụ kiện cao cấp.
Động thái này giúp Samsung nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam và cũng sẽ góp phần tăng giá trị gia tăng mà Việt Nam được hưởng trong các dự án công nghệ cao.
Dự án Samsung Electronics Việt Nam (SEV - Bắc Ninh), tăng vốn thêm 1 tỷ USD
Nhận giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008, với tổng vốn đăng ký 670 triệu USD, SEV nhanh chóng đi vào hoạt động 1 năm sau đó và cũng nhanh chóng gặt hái được thành công, trở thành điểm sáng thu hút FDI của Việt Nam.
Tháng 11/2012, SEV đầu tư dự án thứ hai, với tổng vốn đầu tư 830 triệu USD, rồi sáp nhập với dự án thứ nhất, để trở thành Tổ hợp công nghệ cao Samsung Complex, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.
Năm 2012, SEV đạt kim ngạch xuất khẩu 12,6 tỷ USD và có kế hoạch mở rộng đầu tư. Ngày 22/6/2013, thêm một dự án SEV 3 được trao chứng nhận đầu tư, vốn đăng ký 1 tỷ USD.
Dự án này cũng ngay sau đó sáp nhập với Samsung Complex. Và hiện Samsung Complex có tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD.
Toàn bộ phần vốn 1,5 tỷ USD đã được SEV giải ngân hết hồi tháng 9/2013. Những tháng còn lại, thêm khoảng 400 triệu USD của SEV 3 đã được giải ngân. Tổng cộng, Samsung đã giải ngân khoảng 1,9 tỷ USD tại Samsung Complex Bắc Ninh.
Năm nay, mặc dù kế hoạch từ năm ngoái là SEV chỉ xuất khẩu 16,5 tỷ USD. Nhưng con số thực tế có thể lên tới 23,5 tỷ USD.
Giá trị sản xuất công nghiệp cả năm ước khoảng 24 tỷ USD. SEV đứng thứ hai trong danh sách các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2013 của VNR500.
Dự án Bus Industrial Center (Bình Định), 1 tỷ USD
Đây là dự án tỷ USD thuộc diện lặng lẽ nhất trong năm 2013. Dự án này bất ngờ được cấp chứng nhận đầu tư vào trung tuần tháng 4/2013, do Công ty TNHH BUSCENTER MET (Nga) làm chủ đầu tư.
Bất ngờ đến nỗi, ngay sau khi thông tin được baodautu.vn đăng tải, một số bộ, ngành chức năng mới biết đế dự án này.
Bus Industrial Center dự kiến xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ô tô buýt và các dịch vụ hỗ trợ khác tại KCN Nhơn Hòa (Bình Định).
Dự án có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD này cũng đã lên kế hoạch khởi công xây dựng ngay trong năm 2013.
Tuy nhiên, cho đến nay, không nhiều thông tin liên quan đến dự án này.
Dự án Bidgestone (Hải Phòng), 1,22 tỷ USD
Có tổng vốn đầu tư 1,22 tỷ USD, nhưng sở dĩ Bridgestone xếp cuối danh sách các dự án tỷ USD của năm 2013 là vì trên thực tế, khoản vốn tăng thêm được cấp chứng nhận đầu tư điều chỉnh trong năm nay chưa đến 1 tỷ USD.
Đầu năm ngoái, Dự án Bridgestone của nhà đầu tư Nhật Bản là một trong những dự án FDI lớn nhất xông đất Việt Nam, với 574,8 triệu USD.
Và giữa tháng 11/2013, nhà sản xuất lốp xe của Nhật Bản đã nhận Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh để tăng vốn đầu tư từ 574,8 triệu USD lên 1,22 tỷ USD.
Với việc nâng vốn đầu tư lên trên 1,22 tỷ USD, Dự án sẽ được điều chỉnh cả quy mô, tiến độ thực hiện.
Tuy nhiên, giai đoạn I của Dự án, khởi công từ hồi tháng 7/2012, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2014, với công suất dự kiến 24.700 lốp xe/ngày.
Nguyên Đức
đầu tư
|