Xuất khẩu sẽ tăng tốc
Dự báo xuất khẩu năm 2014 sẽ tăng 10 % nhờ việc mở rộng thị trường và tác động từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang đàm phán.
Trải qua một năm 2013 nhiều khó khăn, doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực vượt khó, dự báo năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ đạt 145 tỉ USD tăng trưởng 10%. Các chuyên gia trong ngành đã có những đánh giá và đưa ra nhiều giải pháp để DN có thể tìm thấy cơ hội đổi mới, mở rộng thị phần.
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS):
Giảm gia công, nhập nguyên liệu
Kết thúc năm 2013, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vượt 20 tỉ USD, tăng 18% so với năm 2012. Ngành dệt may đã cố gắng vượt qua khó khăn nhờ biết tăng năng lực cạnh tranh tốt, phát triển thị trường ngách hợp lý. Hiện một số DN dệt may đã xây dựng lộ trình sản xuất theo hướng giảm dần tỉ lệ gia công, giảm nhập nguyên liệu để chuẩn bị cho việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Xu hướng chuyển dịch, giảm sản xuất từ Trung Quốc, dệt may Việt Nam vẫn sẽ là điểm lựa chọn ưu tiên của các nhà nhập khẩu. Đây cũng là một dấu hiệu tích cực cho thị trường dệt may Việt Nam trong năm 2014.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP):
Mở sàn giao dịch thủy sản quốc tế
Năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,5 tỉ USD, trong đó tôm và cá tra chiếm hơn 71% với tổng giá trị 4,6 tỉ USD. Năm 2014, tôm và cá tra dự báo sẽ tiếp tục là mặt hàng chủ lực kéo xuất khẩu thủy sản tăng trưởng. Thị trường xuất khẩu sang Mỹ gặp nhiều thuận lợi khi không còn thuế bán phá giá, chống trợ cấp. Đó chính là những cơ hội mà DN xuất khẩu thủy sản cần nắm bắt để tăng tốc xuất khẩu. Vasep sẽ cùng DN nhanh chóng đưa vào hoạt động sàn giao dịch quốc tế tại Bỉ để phân phối thủy sản tại châu Âu, mà bước đầu tiên là sàn đấu giá cho cá tra. Sàn giao dịch giúp nâng cao vị thế của cá tra, đồng thời tránh tình trạng tranh mua, tranh bán và làm tổn hại thương hiệu cá tra của Việt Nam. Theo đó, các DN Việt Nam sẽ làm việc trực tiếp với người mua ngay trên sàn giao dịch và giảm được chi phí qua những khâu trung gian.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA):
Tăng xuất gạo cao cấp
Năm nay xuất khẩu gạo vừa giảm cả sản lượng lẫn giá trị, do sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước nên năm 2014 muốn xuất khẩu được thì DN phải tìm cách giảm giá thành. Việc sản xuất lúa gạo phải đi vào hướng chất lượng cao mới có thể tiếp tục chen nâng thị phần ở thị trường mà Thái Lan độc quyền trước đây. Giải pháp thu tạm trữ đã có những tác động tích cực trong việc tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa và giữ giá khá ổn định nhưng trong bối cảnh hiện nay không còn phù hợp. Vì vậy, cần đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và tăng giá trị xuất khẩu gạo là cần thiết. DN cùng địa phương, nông dân xây dựng vùng nguyên liệu cho xuất khẩu. Nhà nước nên hỗ trợ đầu vào cho người trồng lúa, như mỗi hecta sản xuất bà con nông dân có thể được hỗ trợ một khoản tiền, giảm các khoản phí ở nông thôn.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS):
Chen chân vào thị trường bán lẻ thế giới
Trong năm 2013, xuất khẩu điều và các sản phẩm chế biến sâu từ điều (dầu vỏ hạt điều, nhân điều rang muối, bánh kẹo điều...) đạt khoảng 1,8 tỉ USD. Trong năm 2014, nếu đẩy mạnh được chế biến sâu và giá điều xuất khẩu tốt hơn năm 2013, giá trị xuất khẩu điều có thể lên hơn 2 tỉ USD. Sắp tới, DN xuất khẩu điều nước ta sẽ cố gắng chen chân vào thị trường bán lẻ thế giới thông qua việc đẩy mạnh sản phẩm chế biến sâu. Năm 2014, ngành điều sẽ tiếp tục nhập khẩu hơn 50% nguyên liệu điều thô từ châu Phi để phục vụ cho chế biến xuất khẩu vì trong nước không đáp ứng đủ.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT):
Đầu tư công nghệ cao cho sản xuất chế biến
Xuất khẩu rau quả cả năm 2013 lên đến 1 tỉ USD, vượt xa con số 827 triệu USD năm 2012. Đến nay, rau quả Việt Nam đã có mặt ở 40 thị trường trên thế giới, trong đó có thể kể đến những thị trường nhập khẩu hàng đầu như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU… Dự báo nhu cầu tiêu thụ rau quả thế giới trong năm 2014 sẽ tăng khoảng 5%. Tín hiệu tích cực trong năm tới là một số loại trái cây, rau thơm của Việt Nam sẽ được mở cửa xuất sang những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU. Cụ thể như ngoài thanh long, chôm chôm thì quả xoài, vải, nhãn đang chuẩn bị được xuất vào Nhật, Mỹ. Để tận dụng tốt cơ hội này, các DN xuất khẩu trái cây của nước ta cần tăng cường đầu tư công nghệ từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến và bảo quản để xuất khẩu đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA):
Cần chính sách tháo gỡ khó khăn
Giá cà phê nhân trong nước đã rơi tự do thấp nhất trong hơn ba năm qua. Dự báo năm 2014, xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục khó khăn khi các nước xuất khẩu đều tăng sản lượng, trong khi sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2013-2014 dự báo giảm 15%. Nhà nước cần hỗ trợ vốn cho người nông dân để họ có thể đầu tư cho việc tái canh những vườn cà phê già cỗi. Ngoài ra, để thúc đẩy xuất khẩu cho mặt hàng cà phê, nhà nước không nên áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, tránh việc gian lận, trốn thuế. Người nông dân và DN cần tiếp tục phương án tạm trữ khi giá lên, nông dân phải tranh thủ bán ra, còn khi giá xuống, nông dân giữ cà phê lại thì thị trường cà phê sẽ ổn định hơn.
Quang Huy
Pháp luật TPHCM
|