Công nghiệp Việt hiện thực hóa giấc mơ vai chính
Lần đầu tiên, phía Việt Nam đã được tham gia phần việc thiết kế đồ án một dự án điện, một công đoạn mà nhiều năm qua, những người làm công nghiệp đã dày công phấn đấu để đạt được.
Hợp đồng tổng thầu EPC của Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 do Tổng công ty Phát điện 3 là chủ đầu tư có trị giá 1,36 tỷ USD đã được ký kết với tổ hợp nhà thầu là Tập đoàn Công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc), Mitsubishi (Nhật Bản), Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương của Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Nguyễn Tài Anh, người nhiều năm giữ vị trí lãnh đạo tại PECC2 trước khi được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ giữa năm 2013, cho hay, phần thiết kế đồ án trong gói thầu EPC có trị giá khoảng 40 triệu USD và PECC2 sẽ được khoảng 1/2 giá trị này.
Không chỉ có giá trị lớn, Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 cũng đánh dấu việc lần đầu tiên PECC2 bước vào làm dự án nhiệt điện than, sau khi đã tham gia các dự án thủy điện, lưới điện khác.
“Tại Dự án Vĩnh Tân 4, phần việc mà PECC2 làm sẽ được đối tác nước ngoài rà soát và kiểm tra cuối cùng, nhưng hy vọng, ở dự án tiếp theo, PECC2 sẽ làm việc ngang bằng đối tác nước ngoài và dự án tiếp theo nữa thì PECC2 sẽ ở vai chính”, ông Tài Anh nói.
Để được tham gia phần thiết kế đồ án, PECC2 đã mất hơn 10 năm cần mẫn học nghề qua các dịch vụ được cung cấp cho các nhà thầu quốc tế có tên tuổi. Khi đối tác nước ngoài trong tổ hợp nhà thầu làm việc với PECC2 để tìm đối tác, bản thân họ cũng phân vân, vì xét về kinh nghiệm làm nhà máy nhiệt điện than, thì PECC2 không có gì.
“Tuy nhiên, dựa vào phương pháp luận, hệ thống dữ liệu, hệ thống quản lý và các phần mềm mà PECC2 đang có và tích lũy được qua nhiều năm làm việc với các nhà thầu nước ngoài chuyên nghiệp, cũng như các dự án điện khác, PECC2 đã được lựa chọn”, ông Tài Anh nói.
Không chỉ PECC2 tham gia phần thiết kế và giám sát dự án, phần chế tạo cơ khí cho Dự án Vĩnh Tân 4 cũng sẽ được thực hiện ở Việt Nam (Nhà máy Cơ khí Doosan tại Quảng Ngãi), với khoảng 30% giá trị. Việc chiếm lĩnh được nhiều hơn các phần công việc cụ thể trong những gói thầu EPC của các công trình công nghiệp lớn chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam vươn xa hơn trong cuộc cạnh tranh và chủ động được công việc của mình, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà thầu nước ngoài.
Nhưng để giành được nhiều việc hơn, chất lượng lao động là mấu chốt không thể nhắc tới. Tại Nhà máy Doosan ở Quảng Ngãi, những lao động người Quảng Ngãi và các địa phương lân cận được tuyển dụng, qua đào tạo, đã giao được những sản phẩm chế tạo có chất lượng và năng suất không thua kém các nhà máy của Doosan trên thế giới.
“Điều đó chứng tỏ, tay nghề và trình độ của người lao động Việt Nam không thua kém và đây là cơ sở để kỳ vọng rằng, người Việt Nam có thể vươn lên trong cuộc cạnh tranh khốc liệt và có được sản phẩm đạt chất lượng, với chi phí hợp lý trên thương trường”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định.
Nói đến trình độ của người lao động Việt Nam, không thể không nhắc đến dự án tỷ đô Samsung tại Bắc Ninh. Tại đây, bằng tay nghề của mình, công nhân Việt Nam đã giao được các sản phẩm có tỷ lệ hư hỏng thấp hơn tại một số nước mà Samsung đã đầu tư trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu thành phẩm và kim ngạch nhập khẩu linh phụ kiện đầu vào của Samsung Electronis Việt Nam cho thấy, dù công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam chưa phát triển, nhưng với năng suất lao động và chất lượng không thua kém, cơ hội để gia tăng hàm lượng giá trị trong sản phẩm làm ra tại Việt Nam không ít.
Trở lại với PECC2, ông Tài Anh thừa nhận, nếu chọn thu nhập, rất nhiều kỹ sư của PECC2 đã có thể chuyển sang làm việc cho chính các nhà thầu mà PECC2 đang cung cấp dịch vụ, với mức thu nhập gấp đôi. Tuy nhiên, cơ hội để phát triển, để vươn lên làm “chính”, thay vì mãi chỉ đi “phụ”, đã khiến nhiều người chấp nhận ở lại và nỗ lực.
Dẫu vậy, cũng phải thừa nhận rằng, năng suất, chất lượng của lao động Việt Nam làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia không thua kém gì nhiều cơ sở sản xuất tại các nước khác còn là do sự trợ giúp của các máy móc, thiết bị đồng bộ được đầu tư.
Chẳng hạn, Nhà máy Doosan tại Quảng Ngãi có quy mô lên tới 270 triệu USD, tương đương khoảng 5.400 tỷ đồng - một con số mà không một doanh nghiệp cơ khí nào của Việt Nam có khả năng. Hay Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên, với sản phẩm chính là điện thoại đi động, có quy mô đầu tư 2 tỷ USD, cũng là con số mà các doanh nghiệp trong nước đã và đang lao vào sản xuất điện thoại di động không bao giờ dám mơ tới.
Thanh Hương
đầu tư
|