Có nên luật hóa lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội?
Có nên quy định về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm hay không, là câu hỏi được đặt ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) tại phiên họp sáng 14/1.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Luật Tổ chức Quốc hội lần này được sửa đổi cơ bản toàn diện, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua.
Trình bày tờ trình dự án luật, Trưởng ban soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn: tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2012/QH13 quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (tháng 5/2013), được cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, Hiến pháp mới không quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm. Vậy trong lần sửa đổi này, Luật Tổ chức Quốc hội có nên quy định về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm hay không?
“Chúng tôi vẫn đề nghị nên đưa quy định lấy phiếu tín nhiệm vào Luật Tổ chức Quốc hội, vì kết quả rất tốt”, ông Lý thể hiện quan điểm của ban soạn thảo.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh một trong những nội dung cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm hiện nay đang được sửa đổi, vậy quy định lấy phiếu tín nhiệm có đưa vào luật, hay vẫn để ở nghị quyết?
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa phân tích, dù Hiến pháp không quy định, nhưng lấy phiếu tín nhiệm là quy trình để tiến tới bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định của Hiến pháp nên cũng không trái Hiến pháp. Việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội được cử tri đồng tình cao, nên nếu bỏ thì cần hết sức cân nhắc, ông Khoa nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng, việc lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò, thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nên chờ nghị quyết Trung ương tới sẽ hoàn thiện thêm, chứ không nên bỏ ra khỏi dự thảo luật ngay bây giờ, vì đây là vấn đề được cử tri rất quan tâm.
Cũng ủng hộ đưa quy định lấy phiếu tín nhiệm vào luật, song Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi đề nghị cần áp dụng Nghị quyết 35 thêm một thời gian sau đó tổng kết nghị quyết để quy định mang tính ổn định khi đưa vào luật.
Thực hiện theo nghị quyết vài năm nữa, chưa nên đưa vào luật ngay cũng là quan điểm của Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương.
Bên cạnh lấy phiếu tín nhiệm, một số vấn đề mới cũng được Ban soạn thảo đề nghị bổ sung vào dự án luật như nâng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội thành Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội với các nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.
Nội dung này nhận được sự đồng tình của Chủ tịch Quốc hội và một số vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Riêng với đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng con số này sẽ “phá sản” nếu so với định hướng về quy hoạch nhân sự của các cơ quan của Quốc hội.
Ông Giàu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ quan giúp việc chuyên trách, vì “đại biểu chuyên trách mà không có cơ quan giúp việc chuyên trách thì cũng không ăn thua”. Cũng theo Chủ nhiệm Giàu cũng đề nghị cần nâng số đại biểu chuyên trách của mỗi ủy ban lên trên 50% để đảm bảo được yêu cầu khi quyết định những vấn đề cần bỏ phiếu.
Tỷ lệ đại biểu chuyên trách 40% thì mới đáp ứng được yêu cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng góp ý. 40% thì nhiều, sợ không thực hiện được, khoảng 37% là vừa, chủ nhiệm Đào Trọng Thi phát biểu.
Nguyễn Lê
vneconomy
|