Nóng bỏng cạnh tranh nhà đài và nhà mạng
Việc các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, mạng viễn thông có thế mạnh hạ tầng tham gia truyền hình cáp hoặc ngược lại là vấn đề tất yếu. Tuy nhiên, trong mối quan hệ xung đột giữa nhà mạng - nhà đài, các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp hợp tác, kết nối để khai thác, phát huy thế mạnh của mỗi loại hình doanh nghiệp, đảm bảo các bên cùng có lợi, tránh lãng phí đầu tư...
Với lợi thế hạ tầng có mạng cáp quang lớn trên toàn quốc, các tập đoàn lớn như Viettel, FPT... đã lần lượt xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông được kinh doanh truyền hình cáp.
|
Với lợi thế hạ tầng có mạng cáp quang lớn trên toàn quốc, các tập đoàn lớn như Viettel, FPT... đã lần lượt xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông được kinh doanh truyền hình cáp. Trong năm 2013, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho các doanh nghiệp Viettel, FPT cung cấp dịch vụ truyền hình cáp công nghệ số và công nghệ tương tự trên toàn quốc, trừ 8 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Tp. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắc Lắc không được cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự.
Trong số các dự báo về triển vọng thị trường viễn thông năm 2014 vừa diễn ra, câu chuyện về truyền hình trả tiền và sự “đổ bộ” của doanh nghiệp viễn thông và lĩnh vực này cũng như sự cạnh tranh nóng bỏng giữa nhà mạng và nhà đài đã được đề cập, phân tích, chia sẻ.
Theo các doanh nghiệp FPT, Viettel, đã quá trình chuẩn bị trong phương án kỹ thuật cũng như việc lựa chọn công nghệ, đàm phán với nhà cung cấp nội dung, đưa thông tin cung cấp tới người dùng. Ông Kiên khẳng định, việc đặt chân vào lĩnh vực truyền hình là vô cùng khó khăn chứ không phải “đổ bộ”.
Ông Hoàng Trung Kiên, Phó tổng giám đốc FPT Telecom cho rằng, đây không phải là một cuộc “đổ bộ” của các doanh nghiệp viễn thông vào lĩnh vực này bởi nếu đổ bộ phải vài chục đơn vị hoặc vài tập đoàn lớn đầu tư hàng tỷ USD cùng tham gia vào lĩnh vực này.
Ông Kiên khẳng định, làm truyền hình “ngốn” rất nhiều tiền. Hiện nay, Bộ đã cấp phép cho Viettel, FPT bước chân vào lĩnh vực truyền hình và sắp tới có thể sẽ có thêm đơn vị được cấp. Một số ý kiến cho rằng, đây mới chỉ được coi là bước thử nghiệm, thí điểm để từ đó mở rộng “sân chơi”, mở rộng lĩnh vực truyền hình để chúng ta có nhiều sự lựa chọn hơn, nâng cao sự cạnh tranh trong lĩnh vực này để khách hàng có cơ hội được lựa chọn những dịch vụ chất lượng và giá cả phù hợp...
Tuy nhiên, việc các nhà mạng có thiết kế đường truyền đến từng hộ gia đình mà không có nội dung thì cũng không có tác dụng. Ở Việt Nam, các nội dung về thể thao, bóng đá là số 1, tiếp đó là giải trí như gameshow,... đều phải có bản quyền. Đối với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sắp bước chân vào thị trường còn rất nhiều khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn các nhà làm OTT, ông Kiên tâm sự.
Thực tế cho thấy, vấn đề nội dung là tay trái của doanh nghiệp viễn thông. Muốn cung cấp được đến người dùng, không phải đơn thuần chỉ kéo cáp đến nhà thuê bao mà phải có nội dung. Trong khi một bên có hạ tầng mạnh, một bên có nội dung mạnh nhưng vấn đề chia sẻ nội dung là không đơn giản, khó có tiếng nói chung trong vấn đề này.
Về sự kết nối giữa nhà mạng truyền hình cáp và nhà đài truyền hình, tại hội nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa diễn ra, đại diện Viettel cho rằng, các nhà đài hiện nay vừa làm nội dung vừa làm hạ tầng mạng nên không có nhu cầu kết nối nội dung với mạng truyền dẫn phát sóng.
Các nhà mạng không được làm nội dung nên cần phải kết nối với các nhà đài làm nội dung để có thể phát các chương trình truyền hình. Vì không kết nối được nên các nhà mạng phải bằng các cách đi làm nội dung, vừa trái nghề, vừa lãng phí các nguồn lực...
Nhìn nhận về thực trạng này cũng như mối quan hệ cạnh tranh và khúc mắc giữa các doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định, lĩnh vực truyền hình cáp, Luật Viễn thông và các văn bản liên quan đều khuyến khích đẩy nhanh việc hội tụ giữa viễn thông và truyền hình theo xu hướng hiện nay trên thế giới.
Không lý do gì một nhà mạng có hạ tầng mạnh như viễn thông lại không được truyền nội dung truyền hình trên đó. Ngược lại, những doanh nghiệp như truyền hình cáp có mạng lưới lớn, thuê bao lớn,... lại không được cung cấp các dịch vụ viễn thông. Việc các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, mạng viễn thông tham gia truyền hình cáp hoặc ngược lại là tất yếu sẽ phát sinh.
Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu hiện nay là liên quan đến nội dung, hiện một số doanh nghiệp có hạ tầng và một số doanh nghiệp lại mạnh về nội dung. Ông Hải cho biết, về định hướng trong quản lý nội dung, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phân loại 1 số kênh truyền hình thiết yếu, mang tính tuyên truyền cao, tính công ích... thì tất cả các nhà mạng có trách nhiệm phải truyền những chương trình này đến người dân miễn phí.
Đối với một số nội dung kênh thiết yếu mà Nhà nước xác định là công ích thì tất cả các nhà mạng có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ phải truyền đến người sử dụng. Các đơn vị có thể có mạng lưới rất tốt nhưng nội dung kém, phải có sự hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung trong nước và nước ngoài. Nhiều nhà cung cấp nước ngoài đã đến Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Ngoài phần công ích Nhà nước có chính sách rõ ràng, phần còn lại trên cơ sở đàm phán thương mại để hai bên cùng có lợi. Nếu có nảy sinh mâu thuẫn thì các cơ quan quản lý cùng vào cuộc để phân tích, tổ chức hiệp thương giữa các bên trên cơ sở chương trình được sản xuất ra thì được truyền đến người tiêu dùng với mọi hình thức.
Về vấn đề kết nối giữa nhà mạng truyền hình cáp và nhà đài truyền hình, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có quy định về kết nối để các nhà mạng có thể phát các chương trình truyền hình của các nhà đài trên cơ sở thương mại, đảm bảo có lãi, và người dùng nông thôn được xem đầy đủ các chương trình truyền hình.
Nhĩ Anh
vneconomy
|