Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Không chỉ là tài sản ảo
Tình trạng tăng tài sản ảo của các ngân hàng (NH) thương mại ngày càng rõ rệt, nhưng vấn đề của hệ thống NH Việt Nam không chỉ là tài sản ảo.
* Eximbank đang “thổi phồng” Tổng tài sản?
Trong số 49 giấy phép NH, chỉ mười mấy NH hoạt động, cung ứng phần nào dịch vụ NH cho doanh nghiệp (DN). Số NH còn lại chưa ra khỏi vấn đề tổ chức cho vay, không biết dịch vụ NH là gì.
Thậm chí, có không ít NH là sân sau của một số người. Họ dùng giấy phép NH để huy động vốn trong dân, phục vụ cho những dự án riêng.
Trên thị trường liên NH hiện nay, lãi suất cao trong thời hạn một ngày, một tuần. Lãi suất từ 3 - 6 tháng hay dài hạn chưa có vấn đề gì, lãi suất có kỳ hạn 3 hay 6 tháng cũng không quá cao.
Tuy nhiên, một số NH yếu không đủ năng lực để giải quyết những vấn đề thanh khoản ngắn hạn theo quy định của pháp luật, nên bắt buộc phải đi vay một ngày, một tuần. Mặt khác, các NH này cần vốn để cho vay lại, nhất là cho tự vay, nên vào thị trường liên NH vay của các NH khác về cho vay lại.
Đi vay để cho vay lại thì quá dễ, một tiệm cầm đồ, một tổ chức tín dụng đen cũng có thể làm được, nhưng hoạt động này không phù hợp. Thị trường liên NH là nơi NH lớn cho NH nhỏ thiếu tiền vay để đáp ứng những quy định của NH Nhà nước về tỷ lệ phải tôn trọng trong dự trữ bắt buộc.
Ở các nước, NH không chỉ cho vay để lấy lãi, mà còn phải cùng DN xử lý những vấn đề tài chính, tiền tệ, giúp DN nghiên cứu khả thi các dự án. NH thay DN làm sổ trả tiền lương cho người lao động, mỗi tháng phát ra 200 - 300 ngàn tài khoản. NH cũng giải quyết những vấn đề thanh toán quốc tế. Tất cả những hoạt động này, chúng ta chưa làm được.
NH Việt Nam không có tài sản, vốn tự có chỉ 5 - 10 ngàn tỷ đồng là nhiều, nhưng đó là tài sản của những người có tài khoản gửi vào chứ không phải của NH hay tài sản riêng của mấy ông lãnh đạo NH, nhưng họ “quên” điều đó, vẫn bỏ tiền tỷ xây trụ sở hoành tráng. Tình trạng nợ xấu, nợ khó đòi rất nguy hiểm.
Tính ra, nợ xấu nợ khó đòi bây giờ không phải là 200-300 ngàn tỷ đồng mà có thể là 500 - 600 ngàn tỷ đồng nhưng không được kê khai, bởi nếu kê ra thì phải trích lập dự phòng, mà NH không muốn trích lập dự phòng.
Theo Luật Ngân hàng, nợ quá hạn 90 ngày phải trích lập dự phòng 5%. Nợ quá hạn 180 ngày phải trích lập dự phòng 20%. Nợ quá hạn 360 ngày phải trích lập dự phòng 50%. Những khoản nợ xấu không đòi được phải trích lập 100%. Luật đã có nhưng nhiều NH lại lách luật.
Trong Thông tư số 02/2013, NH Nhà nước buộc các NH thương mại phải kê khai đầy đủ trước ngày 30/6 tất cả số nợ quá hạn, nhưng nhiều NH cũng không thực hiện, thậm chí quay lại vận động NH Nhà nước lui thời hạn qua ngày 30/6/2014.
Thực tế, các NH thương mại không có ý định làm rõ chất lượng nợ cho vay, cho nên, chúng ta không biết nợ xấu, nợ khó đòi đang ở mức nào và cũng không giải quyết được nợ xấu, nợ khó đòi, đưa hết nợ xấu vào Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), mà cũng đưa không nổi. Nhưng nói chung tổng số nợ xấu, nợ khó đòi bây giờ vượt xa số vốn tự có của NH.
Vì vậy, ngoại trừ các NH lớn quốc doanh, những NH nhỏ đang hoạt động trong tình trạng không còn vốn điều lệ, nếu áp dụng tất cả các quy định của pháp luật. Số tiền vốn của NH trên 220 ngàn tỷ đồng tổng số đó không đủ để giải quyết nợ xấu, nợ khó đòi.
Hệ thống NH Việt Nam đang hoạt động với vốn điều lệ âm. NH Nhà nước đã phải báo cáo với Chính phủ là có những NH nợ xấu không phải là 10% mà là 20 - 30 - 40% tổng dư nợ. Vấn đề này sẽ không thể giải quyết, nếu Chính phủ vẫn giữ quyết định không có NH nào được phá sản.
Vấn đề của hệ thống NH còn rất nhiều. Quản lý nhà nước về hoạt động của NH phải xem lại, làm thế nào để hệ thống NH hoạt động một cách quy củ, không thể tiếp tục vô trật tự và bất tuân pháp luật như hiện nay. Quản lý nhà nước về hoạt động NH cần nghiêm túc hơn nữa và cần thanh tra, kiểm tra xem NH đang làm gì, sử dụng tiền của dân gửi ra sao?
Chuyên gia tài chính BÙI KIẾN THÀNH, Hải Vân ghi
doanh nhân sài gòn
|