Bất động sản Việt vẫn “hút” nhà đầu tư ngoại
Tác động của suy giảm kinh tế đã khiến thị trường bất động sản chững lại, song không vì thế mà lĩnh vực này lại trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại quốc.
Vốn ngoại vẫn “kết” địa ốc
Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cùng với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang đặt niềm tin vào thị trường bất động sản Việt Nam sau một thời gian dài trầm lắng. Bằng chứng là luỹ kế 11 tháng/2013, vốn FDI vào bất động sản đăng ký cấp mới và tăng thêm là 884,01 triệu USD, đưa bất động sản tiếp tục đứng thứ 3 trong số các lĩnh vực thu hút FDI.
Sự tăng lên về vốn đăng ký trong mấy tháng gần đây cho thấy, bất động sản vẫn là kênh đầu tư có sức hút với nhà đầu tư ngoại. Thậm chí, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn khó khăn như hồi đầu năm 2013, hết quý 1, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã xếp thứ hai trong thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 249,84 triệu USD.
Khảo sát của Savills Việt Nam cho thấy một số nhà đầu tư bất động sản châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đang có sự quan tâm trở lại thị trường Việt Nam. Điều này là do Việt Nam được nhận định đang ở đáy của chu kỳ điều chỉnh giá bất động sản và các nhà đầu tư ngoại muốn đón đầu thị trường khi nền kinh tế hồi phục.
Một số nhà đầu tư đang nhắm đến việc mua những tài sản có dòng tiền ổn định như tòa nhà văn phòng, căn hộ dịch vụ và khách sạn và kỳ vọng thị trường bất động sản Việt Nam là điểm đến đầu tư trung và dài hạn. Một số nhà đầu tư hiện tại như Daewoo E&C, Lotte… tiếp tục rót thêm vốn vào các dự án đang triển khai hoặc mua thêm các dự án từ chủ đầu tư khác.
Muốn thắng phải “thật”
Tiềm năng và triển vọng bất động sản tại Việt Nam lớn là vậy, song để có thể thành công và tìm kiếm lợi nhuận lại là chuyện không dễ. Với cung cách làm ăn thiếu tính bền vững, không ít nhà đầu tư ngoại đã nhanh chóng chuốc lấy trái đắng địa ốc ngay chính tại mảnh đất mà họ từng tin là chỉ toàn “quả ngọt”.
Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài tại Việt Nam còn tồn tại và phát triển đến thời điểm này hầu hết đều là những nhà đầu tư thực sự.
Theo đại diện Keppel Land Limited, một Công ty bất động sản thuộc Tập đoàn Keppel Corporation (Singapore), với hơn 200 năm phát triển (từ 1890), chính những kinh nghiệm và phương thức đầu tư của tập đoàn mẹ đã tạo nền tảng cho những thành công của doanh nghiệp này tại Việt Nam.
Hiện Keppel Land là một trong những nhà đầu tư bất động sản tiên với danh mục đầu tư đa dạng tại Hà Nội, Tp.HCM, Đồng Nai và Vũng Tàu như International Centre tại Tp.HCM, Sedona Suites Royal Park tại Hà Nội; tòa nhà Saigon Centre, các khu dân cư cao cấp như Villa Riviera, The Estella, Riviera Cove, Riviera Point cũng như các dự án phức hợp Nam Rạch Chiếc tại Tp. HCM và dự án Thành phố ven sông Đồng Nai…
Đối với những dự án đã hoàn thành, Kepel Land được đánh giá cao về chất lượng và cung cách đầu tư, đơn cử như toà nha Vietcombank Tower cao 22 tầng (Hà Nội), toà nhà PetroVietnam Towers tại Vũng Tàu… Mới đây, để đẩy mạnh phát triển sang mảng bất động sản sinh thái, nghỉ dưỡng và đã được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH liên doanh Hà Nội Westgate đầu tư dự án khu đô thị Hanoi Westgate tại huyện Quốc Oai ngày 31/10/2013.
Đây là khu đô thị sinh thái nằm trong tổng thể quy hoạch khu đô thị sinh thái gần 900 ha thuộc huyện Quốc Oai đang được UBND thành phố Hà Nội giao cho Công ty Tư vấn VIAP của Bộ Xây dựng làm quy hoạch.
Riêng với lĩnh vực bất động sản nhà ở, Keppel Land xác định và ưu tiên quyền lợi của khách hàng là trên hết khi hầu hết các dự án của doanh nghiệp này được xây dựng hoàn chỉnh mới chào bán ra thị trường. Tình trạng “bán nhà trên giấy” vốn là phương thức khá phổ biến trên thị trường hoàn toàn không tồn tại trong chiến lược kinh doanh của Keppel Land.
Song Hà
vneconomy
|