Thứ Năm, 09/01/2014 14:45

Bạo lực đe dọa dệt may Campuchia

Theo Hiệp hội các Nhà sản xuất hàng dệt may Campuchia, trong 11 tháng năm 2013, công nhân ngành dệt may đã tổ chức 131 cuộc đình công, nhiều nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được theo dõi vào năm 2003.

Theo Bộ Thương mại Campuchia, ngành dệt may nước này đạt doanh thu gần 5,1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2013, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù Campuchia chỉ đứng thứ 6 trong số những nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất ở châu Á, xếp sau các nước láng giềng Trung Quốc, Bangladesh, Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia nhưng trong cuộc khảo sát của McKinsey về triển vọng tăng trưởng trong 5 năm tới, Campuchia được xếp hạng 5.

Tuy nhiên, triển vọng này đang bị đe dọa nghiêm trọng. Tuần cuối năm 2013, công nhân từ hơn 120 nhà máy dệt may tại Campuchia đã đồng loạt đình công phản đối quyết định của chính phủ bắt đầu từ tháng 4-2014 tăng lương tối thiểu ngành dệt may thêm 19% lên 95USD/tháng, thấp hơn nhiều so với mức 160USD/tháng mà các tổ chức công đoàn dệt may đề nghị.

Cuối tuần trước, xung đột giữa chính quyền Campuchia và những công nhân dệt may biểu tình ở thủ đô Phnom Penh đã khiến ít nhất 4 người chết. Hơn 20 người biểu tình khác bị bắt giữ, trong khi các nhà lãnh đạo đối lập bị buộc tội kích động bất ổn xã hội.

Bạo lực leo thang đã làm dấy lên những lo ngại về sự ổn định của đất nước. Tình trạng bất ổn ngày càng tăng đang đặt ra câu hỏi lớn cho các công ty nhập quần áo từ Campuchia, bao gồm cả Walmart, Gap và Hennes & Mauritz, tại một thời điểm nhạy cảm khi tình trạng bất ổn lao động và khủng hoảng chính trị cũng đang đe dọa các nhà cung cấp đa quốc gia ở Bangladesh.

Gap cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm về an ninh và an toàn của công nhân dệt may Campuchia. Chúng tôi phản đối bất kỳ hình thức bạo lực nào và kêu gọi chính phủ hoàng gia Campuchia lèo lái các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan để giải quyết một cách hòa bình xung đột này”.

Các nhà phân tích cho rằng các cuộc biểu tình Campuchia, tương tự những cuộc biểu tình liên quan đến tranh cãi bầu cử ở Bangladesh, là một lời nhắc nhở đối với các công ty rằng chuyển hoạt động để tránh chi phí tăng cao ở Trung Quốc sẽ đi kèm những rủi ro, không chỉ là áp lực tăng lương mà còn là tình trạng bất ổn và thiệt hại quan hệ công chúng.

Cái chết của hơn 1.100 người trong thảm kịch nhà máy sụp đổ ở Bangladesh vào tháng 4 đã buộc Primark (Anh) phải bồi thường và các nhà bán lẻ khác bị thưa kiện. Philip Jennings, Tổng thư ký Liên minh toàn cầu UNI (một liên đoàn lao động quốc tế), cho biết các nhà bán lẻ hàng đầu cần hành động chống lại mối đe dọa của “cái chết và sự hủy diệt” đang lơ lửng trên đầu các nhà sản xuất hàng dệt may Campuchia.

Dù sản phẩm may mặc chủ yếu xuất sang Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản, nhưng các công ty Hàn Quốc là đối tượng gặt hái nhiều lợi ích tài chính khi đóng vai trò trung gian giữa người lao động Campuchia với các thương hiệu phương Tây. Các nhà máy thuộc sở hữu Hàn Quốc sử dụng đội quân lao động lương thấp để tung sản phẩm may mặc ra các thị trường thời trang.

Trong năm 2012, Seoul là nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia với 287 triệu USD, vượt qua người hàng xóm Trung Quốc. Bây giờ, Hàn Quốc đang lộ diện như một nhân tố đứng sau cuộc trấn áp của chính phủ. Đại sứ quán Hàn Quốc thừa nhận trong những tuần gần đây đã tiến hành chiến dịch hậu trường nhằm bảo vệ việc kinh doanh của Hàn Quốc tại Campuchia.

Chiến dịch này bao gồm đề nghị quân đội Campuchia thực thi các biện pháp an ninh mạnh tay. Mặc dù hàng ngàn công nhân may mặc đã trở lại công việc trong vài ngày qua, nhưng các cuộc biểu tình có thể bùng phát trở lại vào ngày 14-1 khi lãnh đạo của đảng Cứu quốc đối lập Sam Rainsy xuất hiện tại tòa án vì bị cáo buộc liên quan đến các cuộc biểu tình.

Tại một cuộc họp báo hôm 7-1, ông Rainsy, người đề xuất tăng lương tối thiểu cho công nhân dệt may lên mức 160USD, đã tuyên bố tiếp tục chiến dịch chống chính phủ của Thủ tướng Hun Sen.

Bách Sơn

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Dệt may Campuchia tê liệt vì đình công (27/12/2013)

>   Hỗ trợ Lào, Campuchia mở rộng diện tích trồng điều (19/12/2013)

>   Myanmar sẽ tiến hành tư nhân hóa 30 sân bay nội địa (27/11/2013)

>   EU cam kết quan hệ đối tác kinh tế-chính trị với Myanmar (15/11/2013)

>   Tháng 10, xuất khẩu cao su của Campuchia tăng 46% (08/11/2013)

>   “Đường đắng” ở Campuchia (12/10/2013)

>   Nhật-Myanmar: Hợp tác sản xuất và xuất khẩu gạo (04/10/2013)

>   Xuất khẩu sắn Campuchia giảm 56% đầu năm 2013 (02/10/2013)

>   Hàng Việt trắc trở đường vào Campuchia (15/09/2013)

>   Campuchia - Thị trường vật liệu xây dựng tiềm năng (12/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật