Viễn cảnh sáng sủa của nền kinh tế Mỹ trong năm 2014
Đà phục hồi mạnh nhất trong 5 năm qua trong quý 3/2013 cộng với tình trạng bế tắc về chính sách tài chính và chi tiêu ngân sách đã được giải tỏa với thỏa hiệp ngày 10/12 tại Quốc hội là những nguyên nhân khiến các chuyên gia kinh tế dự báo về một viễn cảnh sáng sủa hơn của nền kinh tế Mỹ trong năm 2014.
Kết quả thăm dò hơn 60 chuyên gia kinh tế hàng đầu do hãng tin Reuters tiến hành, công bố ngày 11/12, xác nhận phần lớn các chuyên gia dự báo mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong cả năm 2014 có thể đạt 2,6%, tăng 0,1% so với mức dự báo 2,5% trong tháng 11 vừa qua.
Cụ thể, trong quý 1/2014, GDP của Mỹ có thể tăng ở mức 2,5% và đến cuối năm có thể đạt 3,0%.
Các chuyên gia đánh giá mức tăng GDP của nền kinh tế đầu tầu thế giới trong quý cuối cùng của năm nay chỉ đạt 1,5%, giảm mạnh so với mức tăng 3,6% trong quý 3 và 2,5% trong quý 2.
Tốc độ kinh tế phát triển nhanh hơn tiếp tục góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức cao 7,0% hiện nay của Mỹ.
Theo dự báo của các chuyên gia, số việc làm mới được tạo ra tại Mỹ trong quý 1/2014 mỗi tháng trung bình khoảng 190.000 và đến quý cuối cùng của năm tới có thể tăng lên mức 208.000 việc làm/tháng so với mức trung bình 193.000 việc làm mới được tạo ra trong những tháng gần đây.
Với số lượng việc làm mới được tạo ra nhiều hơn này, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đến quý 4/2014 dự kiến giảm xuống mức 6,6% và đến quý 1/2015 sẽ giảm xuống mức 6,5% so với tỷ lệ thất nghiệp 7,0% trong tháng 11 vừa qua.
Viễn cảnh tăng trưởng kinh tế và sự cải thiện nhanh chóng của thị trường lao động trong năm tới có thể sẽ là động cơ để Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thực hiện chủ trương thu nhỏ dần quy mô gói cứu trợ thứ ba (QE-3), theo đó mỗi tháng Fed tung ra 85 tỷ USD để mua lại các trái phiếu dài hạn liên quan tới thế chấp nhằm giữ cho tỷ lệ lãi suất thấp để khuyến khích đầu tư và vay mượn.
Trong số hơn 60 chuyên gia được hỏi ý kiến có 32 người dự báo Fed sẽ có hành động thu nhỏ dần QE-3 vào tháng 3/2014 và 22 người dự kiến ngay từ tháng Một tới. Chỉ có 12 chuyên gia dự báo FED sẽ có quyết định trong cuộc họp định kỳ vào tuần tới.
Ông Ryan Sweet, nhà kinh tế cao cấp thuộc công ty Moody's Analytics, cho rằng việc các nhà lãnh đạo của hai đảng tại Quốc hội Mỹ ngày 10/12 đạt được thỏa thuận về mức trần nợ công 1.000 tỷ USD cho ngân sách tài khóa 2014 và 2015 là một bước đi chấm dứt ba năm bế tắc, dẫn tới tình trạng bất ổn về tài khóa trên chính trường Mỹ.
Thỏa thuận này báo hiệu trong năm tới, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ có thể sẽ hợp tác với nhau để tránh tình trạng ngân sách tự động bị cắt giảm như trong năm 2013, dẫn tới một bộ phận công sở liên bang phải đóng cửa 16 ngày hồi đầu tháng 10 vừa qua./.
vietnam+
|