Chuyên gia: Người Nhật vẫn dồn tiền vào công nghiệp
Chuyên gia kinh tế Trần Văn Thọ, Đại học Waseda ở Tokyo, Nhật Bản, cho rằng dù trong thời gian gần đây các nhà đầu tư Nhật Bản có nhiều dự án FDI trong ngành dịch vụ, tài chính, ngân hàng... nhưng họ vẫn tiếp tục đổ tiền vào ngành công nghiệp.
Phần lớn vốn FDI của Nhật Bản vẫn chảy vào ngành công nghiệp. Ảnh: Quốc Hùng
|
Nếu nhìn theo tỷ lệ, cơ cấu thì đúng là có hiện tượng các doanh nghiệp Nhật đang chuyển hướng sang các ngành dịch vụ, nhưng nếu nhìn ở góc độ số lượng tuyệt đối thì chưa hẳn vậy”, ông Thọ chia sẻ nhận định này với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online qua thư điện tử.
Số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với hơn 3.100 dự án có tổng số vốn lên tới hơn 34,5 tỉ đô la Mỹ, trong đó có đến 1.150 dự án chế biến, chế tạo, chiếm đến 84,14% tổng vốn đầu tư.
Trong 11 tháng năm 2013, Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu trong dòng vốn FDI với 5,68 tỉ đô la Mỹ đầu tư ở Việt Nam.
Về những khó khăn trong việc giúp Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Thọ nhận định đây là một khó khăn từ lâu, chứ không phải là một vấn đề mới. Nhưng gần đây, theo ông, đã có hai yếu tố mới giúp cải thiện vấn đề này.
“Thứ nhất là Việt Nam đã có chính sách cụ thể yểm trợ doanh nghiệp ngành phụ trợ. Thứ hai là doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật cùng đầu tư ở Việt Nam nhiều trong mấy năm gần đây”, ông nhận định.
Nhật Bản cũng là quốc gia đầu tiên giúp Việt Nam xây dựng chiến lược công nghiệp hóa đến năm 2020 với 6 ngành mũi nhọn gồm điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông sản, thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Chiến lược này đã được Chính phủ phê duyệt vào hồi tháng 7, và trong tháng 12 này, cơ quan đồng soạn thảo là Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương sẽ đưa ra bản kế hoạch hành động của năm ngành, trừ ngành đóng tàu, để có thể triển khai chiến lược từ năm 2014.
Dù làn sóng đầu tư Nhật Bản đang tiếp tục đổ đến Việt Nam, nhưng theo tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khi trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, là người Nhật “đang có vẻ chậm lại” và có thể đánh mất cơ hội vào các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Thọ, quả thật những dự án mới đây của Hàn Quốc như Samsung và LG đều có quy mô lớn, nhưng các giới doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư đa dạng ngành nghề hơn và ngày càng có nhiều vốn đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp.
Một chuyên gia khác là ông Đinh Văn Phước, cựu Tổng giám đốc Tsubaki Yamakyu Chain Co., một công ty sản xuất xích có trụ sở tại Tokyo Nhật Bản, nhận định rằng người Nhật không hề chậm.
Ông Phước, trong cuộc trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online mới đây, nói rằng đó là do tính cách cẩn thận của người Nhật. Ông cho rằng, do các nhà đầu tư Nhật Bản muốn tìm hiểu đầu tư lâu dài, nên buộc họ phải hết sức cân nhắc.
“Thị trường của Việt Nam, với người Nhật, không phải là một thị trường lớn. Người Nhật dùng Việt Nam để làm cứ điểm sản xuất và xuất đi các nước khác. Người Nhật có nhiều lựa chọn ngoài Việt Nam nữa”, ông nói.
Ông cũng nói thêm rằng các doanh nghiệp Nhật Bản khi đã đầu tư thì luôn muốn biến doanh nghiệp mình trở thành một cộng đồng xã hội nhỏ, nơi người lao động có thể làm việc suốt đời.
Hoàng Phi
Thời báo kinh tế sài gòn
|