Thứ Sáu, 06/12/2013 10:37

Vì sao dự án FDI đường cao tốc đầu tiên vỡ mộng?

Sự khác biệt trong đánh giá rủi ro đã khiến nhà đầu tư Nhật Bản xin rút khỏi Dự án BOT nâng cấp đường Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Rút lui vào giờ chót

Ông Phạm Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Thăng Long - đơn vị được Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) giao làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cho biết, Tổng công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (Nexco Central) đã chính thức xin không tham gia đầu tư Dự án.

Vào giờ chót, nhà đầu tư Nhật Bản đã xin rút khỏi Dự án BOT nâng cấp đường Cầu Giẽ - Ninh Bình

Đây là điều gây ngạc nhiên cho nhiều người, bởi vào năm 2012, chính Nexco Central đã đề xuất với Bộ GTVT xin đầu tư vào Dự án. Đề xuất này cũng nhận được sự giới thiệu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Tại cuộc hội đàm vào cuối tháng 9/2013 giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Bộ trưởng Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và du lịch Nhật Bản, ông Akihiro Ohta, việc Nexco Central đầu tư vào Dự án này còn được coi là một trong những hợp tác trọng điểm về hạ tầng giữa hai nước.

Trước đó, để tăng tính khả thi cho Dự án, nhà đầu tư Nhật Bản đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép được cùng Tập đoàn Bitexco tham gia đầu tư thông qua việc thành lập một liên doanh.

Cần phải nói thêm rằng, việc nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ từ đường cấp 1 đồng bằng sau 10 năm khai thác lên “chuẩn” cao tốc có quy mô tới 6 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 5.700 tỷ đồng, được phân kỳ thành 2 giai đoạn là một trong những dự án đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư hạ tầng trong và ngoài nước.

Ngay từ khi công bố chủ trương đầu tư Dự án từ tháng 6/2012 tới nay, Bộ GTVT liên tục nhận được nhiều đề xuất từ các DN trong và ngoài nước xin đầu tư nâng cấp tuyến đường này theo hình thức BOT. Theo một lãnh đạo Vụ PPP (Bộ GTVT), sở dĩ Bộ này chọn Nexco Central để “gửi vàng” là, bởi đây được xem là nhà đầu tư có thực lực nhất từng “gõ cửa” tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực giao thông.

Với tư cách là nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, vận hành đường cao tốc, Nexco Central được kỳ vọng sẽ đưa vào dự án những kinh nghiệm quản lý và công nghệ khai thác hiện đại, do đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên vào đường cao tốc, theo hình thức BOT. Được biết, vào đầu tháng 10/2013, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, Bộ GTVT đã hoàn tất thủ tục chỉ định Nexco Central là nhà đầu tư Dự án. Nexco Central có 2 tháng nghiên cứu hồ sơ yêu cầu, đàm phán hợp đồng để có thể khởi công Dự án vào đầu năm 2014.

“Bộ GTVT và các cơ quan liên quan đã tạo điều kiện thuận lợi ở mức tối đa để nhà đầu tư Nhật Bản cụ thể hóa Dự án. Việc Nexco Central rút lui vào phút chót ngay trước thời điểm khởi công công trình là điều hết sức đáng tiếc ”, ông Bình cho biết.

Khác biệt giữa “nội” và “ngoại”

Được biết, sau khi nghiên cứu hồ sơ yêu cầu của Bộ GTVT, Nexco Central cho biết là sẽ không nộp hồ sơ đề xuất do thấy còn nhiều vướng mắc, rủi ro cho mình khi đầu tư dự án này. Trước đó, trong một văn bản gửi Bộ GTVT vào giữa tháng 10/2013, Nexco Central đã đưa ra những điều kiện tối thiểu để tham gia đầu tư Dự án.

Cụ thể, Nexco Central đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải loại bỏ rủi ro giải phóng mặt bằng theo hướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng và công tác này phải hoàn thành trước khi thi công bất kỳ hạng mục nào. “Đối với một doanh nghiệp nước ngoài chưa am hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam, giải phóng mặt bằng là vấn đề nan giải khó có thể tự giải quyết”, ông Kuniaki Nakamura, Giám đốc văn phòng Dự án Đường cao tốc Việt Nam (Nexco Central) giải thích.

Bên cạnh đó, để đảm bảo doanh thu thu phí, Nexco Central kiến nghị áp dụng mức phí tại thời điểm thông xe là 1.500 đồng/km. Mức phí này được điều chỉnh 3 năm một lần, với mức điều chỉnh bằng tỷ lệ lạm phát lũy kế trong 3 năm đó. Ngoài ra, cần đảm bảo toàn bộ doanh thu từ phí của tuyến đường sẽ chỉ để dùng để hoàn vốn cho Dự án. Nexco Central cũng sẽ không cam kết về mặt pháp lý đối với việc thực hiện giai đoạn II - mở rộng đường lên 6 làn xe.

“Nếu không thỏa mãn những điều kiện nói trên, dự án sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt tiền và mất khả năng thanh toán”, đại diện Nexco Central tại Việt Nam tính toán.Một chuyên gia ngành giao thông cho biết, những điều kiện tối thiểu của Nexco “lệch” khá xa so các điều khoản quan trọng nhất của hồ sơ yêu cầu Dự án, vốn được xây dựng trên các cơ sở pháp lý hiện hành về BOT do Chính phủ Việt Nam quy định. Được biết, ngay sau khi Nexco Central thoái lui, cũng với đề bài nói trên, ngoài Bitexco - đối tác nội dự kiến cùng Nexco Central đầu tư, có khá nhiều nhà đầu tư trong nước khác đã nộp đơn xin triển khai Dự án.

Chưa rõ hướng xử lý rủi ro của các đối tác nội là như thế nào, song theo ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch HĐQT Bitexco, trong quá trình chuẩn bị cùng Nexco Central, Bitexco đã nghiên cứu rất kỹ Dự án, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực để triển khai Dự án.

Anh Minh

đầu tư

Các tin tức khác

>   Sử dụng nhà chung cư sai mục đích: Dân bức xúc, nhà quản lý làm ngơ (06/12/2013)

>   Giao dịch đất Từ Liêm dè dặt trước ngày lên quận (06/12/2013)

>   Khó thu hút đầu tư (05/12/2013)

>   Khuyến khích tăng cung nhà ở xã hội bằng cơ chế ưu đãi (05/12/2013)

>   Zone 9 vẫn có “cửa” trở lại? (05/12/2013)

>   Xét xử vụ Thanh Hà A: Sếp dầu khí lạm quyền (05/12/2013)

>   Nam Cường bị dừng dự án BT nghìn tỷ (05/12/2013)

>   Luật Đất đai: Băn khoăn chờ hướng dẫn (05/12/2013)

>   Nhà nhỏ trong ngõ hẻm Hà Nội hút khách (05/12/2013)

>   Hà Nội sắp đấu giá quỹ đất đối ứng của hơn 40 dự án BT (04/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật