Khó thu hút đầu tư
Cần có chiến lược phát triển để thu hút đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long hiệu quả hơn.
Các khu công nghiệp (KCN) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch nên nhiều nơi phải bỏ hoang.
Khu Công nghiệp Hưng Phú 2B được quy hoạch trên đất trồng lúa và cây ăn trái của dân, đến nay đã bỏ hoang
|
Mới lấp đầy 37%
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch -Đầu tư (KH-ĐT), tại các tỉnh, thành thuộc ĐBSCL hiện có tổng cộng 50 KCN đã được thành lập. Mặc dù tổng diện tích lên đến 11.795 ha nhưng tỉ lệ lấp đầy tại 50 KCN mới đạt 37%, khá thấp so với mức trung bình 57% của cả nước. Long An dẫn đầu vùng ĐBSCL với 25 KCN đang có nhà đầu tư với tổng diện tích thực tế là 9.504 ha. Trong đó, 16 khu đi vào hoạt động ổn định với tỉ lệ lấp đầy khoảng 43%. Trong 7 tháng đầu năm 2013, các KCN ĐBSCL thu hút được 353 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký đạt gần 3,5 tỉ USD. Trong đó, vốn thực hiện đạt 1,5 tỉ USD, tạo việc làm cho hơn 200.000 lao động.
Tiến sĩ Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết dọc sông Hậu, từ thị xã Châu Đốc (An Giang) đến Sóc Trăng là vùng đất màu mỡ để phát triển cây ăn trái, lúa nhưng nay nhường chỗ cho 22 KCN, diện tích trồng lúa phải lấn sâu vào vùng ngập trũng, nông dân tốn nhiều phân bón mới có năng suất. Điển hình là 3 KCN Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A và Hưng Phú 2B tại quận Cái Răng (TP Cần Thơ). KCN Hưng Phú 1 có diện tích quy hoạch 262 ha do Công ty CP KCN Sài Gòn - Cần Thơ làm chủ đầu tư. Từ năm 2011-2012, công ty này mới chỉ giải phóng mặt bằng và mua thỏa thuận của dân được 50,17 ha (đạt tỉ lệ 19,14%). Theo Ban Quản lý các KCX-KCN Cần Thơ, trong năm 2013, do tình hình tài chính khó khăn, chủ đầu tư không tiến hành bồi hoàn, giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại của KCN Hưng Phú 1 nên đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.
Công ty TNHH MTV Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ đã xin rút lại việc đầu tư vào KCN Hưng Phú 2A (diện tích 134 ha) do không đủ năng lực tài chính. Từ năm 2011 đến nay, công ty này mới thỏa thuận bồi hoàn 35 ha. Theo ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, việc chậm triển khai các KCN nói trên để lại hậu quả rất lớn. Chẳng hạn, KCN Hưng Phú 2A, trong năm 2013 chỉ giải phóng mặt bằng được 1 ha, dự kiến năm 2014 giải phóng thêm 5-7 ha và theo tiến độ này thì 10 năm nữa mới hoàn thành. Ông Thống yêu cầu các KCN nói trên đến năm 2017 phải hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, xây hạ tầng.
Ì ạch vốn ngoại
Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy tính lũy kế đến tháng 9-2013, ĐBSCL có 802 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 11 tỉ USD, chiếm gần 5% về số dự án và 2,2% về vốn đăng ký, đứng thứ 4/7 vùng của cả nước. Vốn FDI chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến (tổng vốn đăng ký 7,79 tỉ USD), kinh doanh bất động sản (1,88 tỉ USD), xây dựng (518 triệu USD). Trong khi đó, thế mạnh của vùng là lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản nhưng vốn đăng ký chỉ đạt 165 triệu USD. Đứng đầu là tỉnh Long An có 480 dự án với tổng vốn đầu tư 3,7 tỉ USD, kế đến là Tiền Giang và Bến Tre. Ba tỉnh này nằm liền kề TP HCM nên thu hút FDI cao so với những địa phương còn lại.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Hiếu cho rằng việc thu hút đầu tư ở ĐBSCL còn ì ạch, chưa tương xứng với tiềm năng của vùng do hạ tầng giao thông yếu kém, lĩnh vực nông lâm thủy sản luôn bấp bênh, sức cạnh tranh các sản phẩm chủ lực còn hạn chế… Hiện hầu hết doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào ĐBSCL vì ở đây có quỹ đất sạch, chính sách thoáng, giá nhân công rẻ… Theo ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Công ty De Heus Việt Nam, doanh nghiệp này đã đầu tư xây nhà máy thủy sản ở Vĩnh Long với tổng vốn 12 triệu USD. UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư để tạo điều kiện cho DN nước ngoài đầu tư thuận lợi. Vì vậy, trong năm 2014, công ty quyết định xây thêm nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh này với tổng vốn khoảng 15 triệu USD.
Trong khi đó, TS Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ - cho rằng Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia là những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, nay mai là những nhà đầu tư tiềm năng nhất vào ĐBSCL. Vì vậy, cần có nghiên cứu đầy đủ hơn về họ từ tập quán, thói quen, những lĩnh vực có ưu thế nhất, đối chiếu với chiến lược phát triển trong tương lai của vùng để xây dựng chương trình quảng bá và thu hút đầu tư cho phù hợp.
Gần 2.500 DN “chết”
Theo Bộ KH-ĐT, đến nay, ĐBSCL có 2.496 DN phải dừng sản xuất. Trong đó, 866 DN giải thể và 1.630 DN ngừng hoạt động. Các địa phương có lượng DN giải thể cao là Cà Mau (294 DN), Bến Tre (146 DN), Vĩnh Long (114 DN)… Các địa phương có tỉ lệ DN ngừng hoạt động cao gồm: Cần Thơ (236 DN), Đồng Tháp (280 DN), An Giang (197 DN), Long An (159 DN)…
|
Ca Linh
người lao động
|