Thị trường bất động sản: Nhen nhóm “ngọn lửa hồi sinh”
Nhận định mới đây của các chuyên gia nước ngoài trên tờ New York Times của Mỹ về những tín hiệu khả quan của thị trường bất động sản Việt Nam, đã nhen nhóm lên ngọn lửa về những kỳ vọng của một sự hồi sinh. Thực tế, không chỉ giới chuyên gia ngoài nước mà nhiều chuyên gia trong nước cũng bày tỏ sự lạc quan về thị trường BĐS đã bước qua thời kỳ khủng hoảng…
Thoát đáy
Tờ New York Times dẫn lời nhiều hãng địa ốc và giới chuyên gia cho rằng, bất động sản Việt Nam đã thoát khỏi vùng đáy và bắt đầu phục hồi cùng với các tín hiệu kinh tế vĩ mô cũng như cam kết của Chính phủ về việc cải tổ hệ thống ngân hàng. Vẫn New York Times cho rằng, nếu Việt Nam hoàn tất ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS sẽ tăng tốc.
Nhận định nói trên chắc chắn sẽ là động lực thắp lên những kỳ vọng mới cho các nhà đầu tư và trên thực tế diễn biến của thị trường này thời gian gần đây cũng cho thấy kỳ vọng về sự phục hồi của BĐS trong một tương lai gần là hoàn toàn có cơ sở.
Theo Hãng nghiên cứu bất động sản CBRE, giá thuê văn phòng tại TP Hồ Chí Minh hiện vào khoảng 20-30 USD/ m2 và giá này đã có dấu hiệu bắt đầu tăng từ hồi cuối năm 2012. CBRE ghi nhận đó là lần đầu tiên giá này tăng kể từ năm 2007. Còn tại Hà Nội, giá bán chung cư bình dân những tháng gần đây dao động quanh 800 USD/ m2, sau khi đã đi xuống suốt thời gian 2 năm.
Cùng với đó, theo số liệu thống kê, kết quả kinh doanh quý 3-2013 khá sáng sủa của nhiều tập đoàn lớn như Vingroup hay một số DN thuộc lĩnh vực BĐS cũng cho thấy dấu hiệu khởi sắc của thị trường này. Cụ thể, lãi ròng quý 3 của Tập đoàn Vingroup đạt 1.875 tỷ đồng, tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ năm trước. Nhiều công ty địa ốc ở TP. Hồ Chí Minh cũng có kết quả kinh doanh khá tích cực trong quý 3 – 2013 như công ty Địa ốc Hoàng Quân với lãi quý 3 đạt hơn 15 tỷ đồng, gấp 15 lần so với cùng kỳ năm 2012.
Những diễn biến nói trên thực sự là tín hiệu cho thấy thị trường BĐS đã qua "vùng đáy”. Bởi đã mất một thời gian quá dài (khoảng hơn 2 năm qua), người ta không thấy một dấu hiệu nào của sự "tan chảy” tảng băng BĐS khi mọi giao dịch đều bất động, nói gì đến chuyện các nhà kinh doanh lĩnh vực này có lãi.
Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Securities), BĐS sẽ là một kênh đầu tư tốt trong tương lai gần, bởi hiện nay lãi suất huy động thấp (6 -7 %/ năm), thị trường vàng và ngoại hối tỏ ra kém hấp dẫn. Theo đó, cơ hội đã mở ra khi đầu tư vào thị trường này do lợi suất cao (từ 5 - 8%) và khả năng bảo toàn giá trị trước nguy cơ lạm phát. |
Dấu hiệu phục hồi
Theo các chuyên gia trong ngành, những tín hiệu cho thấy sự phục hồi của thị trường BĐS vừa qua được tạo nên bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó phải kể đến những nỗ lực trong việc đưa ra các giải pháp nhằm "phá băng” thị trường này của các nhà quản lý. Cụ thể, các động thái của nhà quản lý trong việc giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng cho nhà ở xã hội... đã góp phần không nhỏ giúp các DN BĐS giảm nhẹ khó khăn, thêm động lực để trụ vững trước sự khủng hoảng của nền kinh tế cũng như của cả thị trường BĐS. Cùng với sự "nới lỏng” trong công cụ thuế, những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, trong đó có sự tham gia hỗ trợ của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng... cũng được xem là các yếu tố tích cực giúp cho "liều thuốc” cứu thị trường này phát huy tác dụng.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến những nỗ lực trong việc "cải tổ” lại hoạt động của chính bản thân các DN BĐS đã giúp cho thị trường này dần thoát khỏi sự lệch lạc trong nguồn cung. Theo đó, nhiều DN nhận ra những sai lầm của mình khi đầu tư quá thiên lệch vào phân khúc nhà ở cao cấp đã phải thay đổi, chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh bằng cách cơ cấu lại sản phẩm, điều chỉnh mức giá, giá trị sản phẩm (tập trung vào phân khúc nhà ở trung bình)… để đáp ứng phần lớn thị hiếu người tiêu dùng. Đây cũng là xu hướng đã được giới chuyên gia khuyến cáo lâu nay.
Như vậy, có thể thấy, với những nỗ lực của cả nhà quản lý và các DN, các nhà đầu tư, thị trường BĐS đã và đang bước qua thời kỳ khủng hoảng nhất. Và với những diễn biến khá khả quan của thị trường này thời điểm gần đây, những kỳ vọng về sự "tan chảy” của tảng băng BĐS là hoàn toàn có cơ sở. Và sự kỳ vọng ấy càng được khẳng định hơn trong một nhận định của một chuyên gia tài chính kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa khi ông cho rằng, năm 2014 sẽ là năm phục hồi của thị trường BĐS. Cụ thể, theo phân tích của TS Nghĩa, thị trường BĐS có thể tăng thanh khoản bắt đầu từ quý 3 và có thể có dấu hiệu phục hồi rõ ràng hơn vào quý 4. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đưa ra lưu ý, vì những khoản nợ lớn về BĐS vẫn chưa xử lý được, do thị trường nợ kém phát triển, nên thị trường này có thể chỉ phục hồi vững chắc hơn vào năm 2014, hoặc có thể chậm hơn đối với một vài phân khúc thị trường cao cấp.
Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh cho rằng, sự khủng hoảng kéo dài nhiều năm qua khiến thị trường BĐS đã có sự thanh lọc lớn. Lúc này là thời điểm thuận lợi để các nhà đầu tư mua vào những sản phẩm BĐS tốt, có tính "đi tắt đón đầu” cao với giá thấp. Theo ông Thìn, thị trường BĐS đang hé mở những địa chỉ đầu tư tốt.
Tương tự, ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tấc Đất Tấc Vàng cho rằng xét ở góc độ tổng thể, thị trường BĐS đang thực sự có nhiều cơ hội để đầu tư. "Trong nhiều năm qua hầu hết các mặt hàng tăng giá, chỉ có BĐS là không tăng, thậm chí còn giảm giá. Vì vậy, khả năng BĐS tăng giá trở lại khi niềm tin được phục hồi là rất cao”, ông Tuấn phân tích.
|
Duy Phương
Đại đoàn kết
|