Thứ Hai, 30/12/2013 17:58

Tăng nặng mức phạt nhiều lĩnh vực từ đầu năm 2014

Tổ chức vi phạm môi trường có thể bị phạt đến 2 tỉ đồng và cá nhân vi phạm có thể bị phạt 1 tỉ đồng; người tham gia bán dịch vụ du lịch đa cấp có thể bị phạt đến 30 triệu đồng; các website thương mại điện tử giả mạo thông tin, không bảo mật thông tin cho khách hàng sẽ bị phạt 30 triệu đồng… là những quy định mới đáng chú ý bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2014.

Tổ chức vi phạm môi trường có thể bị phạt tối đa đến 2 tỉ đồng - Ảnh: Văn Nam.

Vi phạm môi trường có thể bị phạt đến 2 tỉ đồng

Theo Nghị định 179/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30-12-2013, một hành vi vi phạm về môi trường sẽ bị phạt tối đa lên đến 2 tỉ đồng đối với tổ chức và 1 tỉ đồng đối với cá nhân thay vì chỉ mức tối đa 500 triệu đồng quy định tại Nghị định 117 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường áp dụng lâu nay. Ngoài ra, theo nghị định 179 thì hầu hết các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường có mức phạt cao hơn nhiều lần so với mức áp dụng trước đây.

Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng với việc tăng mức phạt tiền sẽ nâng tín răn đe, kéo giảm tình trạng chủ doanh nghiệp vì lợi ích cá nhân lén lút xả nước thải, khói thải chưa xử lý gây ô nhiễm môi trường của nhiều doanh nghiệp trong thời gian gần đây.

Không bảo mật thông tin khách hàng sẽ bị phạt 30 triệu đồng

Từ ngày 1-1-2014, Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có hiệu lực. Trong đó có quy định cụ thể các chế tài đối với các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT).

Cụ thể, các hành vi vi phạm quy định về thiết lập website TMĐT mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không thông báo sửa đổi, bổ sung khi có sự thay đổi thông tin liên quan đến website cung cấp dịch vụ TMĐT đã đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 20 triệu đồng. Việc các website TMĐT giả mạo thông tin, không bảo mật thông tin cho khách hàng… sẽ bị phạt 30 triệu đồng.

Ngoài ra, website cung cấp dịch vụ TMĐT vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 6 – 12 tháng, bị tịch thu tang vật và phương tiện, thu hồi tên miền “.vn” được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, buộc chủ website phải khắc phục hậu quả và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm về TMĐT.

Hiện mức phạt hành chính cao nhất cho các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này là 100 triệu đồng.

Bán dịch vụ du lịch đa cấp có thể bị phạt nặng

Doanh nghiệp tổ chức cho khách đi nước ngoài phải đóng tiền ký quỹ cao gấp đôi so với hiện nay - Ảnh: Đào Loan

Từ 1-1-2014, người tham gia bán dịch vụ du lịch đa cấp, người trả tiền hoa hồng hoặc người yêu cầu trả tiền để tham gia mạng lưới bán dịch vụ loại này đều có thể bị phạt tiền từ 25 đến 30 triệu đồng, theo Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Cũng trong lĩnh vực du lịch, theo Nghị định số 180/20/NĐ-CP, từ ngày 1-1-2014, doanh nghiệp du lịch muốn kinh doanh mảng outbound (tổ chức tour cho khách du lịch trong nước ra nước ngoài) phải đóng tiền ký quỹ 500 triệu đồng, tăng gấp đôi so với hiện nay.

Đây là lần đầu tiên có quy định xử phạt về bán dịch vụ du lịch đa cấp - kiểu kinh doanh chưa phổ biến nhiều nhưng đã có. Gần đây, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, một số vụ bể tour đi nước ngoài khiến nhiều du khách lao đao là do kiểu bán hàng này.

Cũng trong lĩnh vực du lịch, nghị định mới cũng đưa ra rất nhiều mức phạt cho từng vi phạm cụ thể từ việc kinh doanh không có giấy phép, vi phạm các quyền lợi của khách hàng, vi phạm của hướng dẫn viên, vi phạm khi kinh doanh đại lý du lịch... Ngoài phạt tiền, nhiều hành vi vi phạm có kèm hình phạt bổ sung là rút giấy phép.

Giảm thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN

Nhiều loại ô tô du lịch nhập khẩu từ khu vực ASEAN sẽ được giảm thuế nhập khẩu trong năm 2014 - Ảnh: Minh Tâm.

Theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2012 - 2014 do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư 161/2011/TT-BTC ngày 17-11-2011, trong năm 2014 nhiều loại ô tô du lịch nhập khẩu từ khu vực ASEAN có thể sẽ được giảm giá đáng kể do được giảm thuế nhập khẩu từ khu vực này.

Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1-1-2014, thuế suất thuế nhập khẩu một số loại ô tô từ các nước ASEAN sẽ giảm về mức 50%, thay vì mức 60% của năm 2013 và năm 2012 là 70%. Điều kiện cho mức ưu đãi này là các sản phẩm ô tô từ các nước ASEAN phải chứng minh được có 40% chi tiết được sản xuất ở nước sở tại.

Cũng trong lĩnh vực sản xuất và nhập khẩu ô tô, từ ngày 1-1-2014, TPHCM sẽ giảm phí trước bạ ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu xuống còn 10% thay vì 15% của năm 2013. Đây là mức thấp nhất theo quy định hiện nay. Hà Nội đang áp dụng mức phí này là 12%.

Áp dụng thông quan tự động từ đầu năm 2014

Ngành hải quan sẽ bắt đầu áp dụng chính thức hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia (gọi tắt là hệ thống VNACCS/VCIS) do Nhật Bản tài trợ từ ngày 1-4-2014. Theo đó, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ được khai báo điện tử, nhận hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, nộp các chứng từ điện tử; phân luồng điện tử. Hệ thống VNACCS/VCIS được đánh giá sẽ hạn chế sử dụng hồ sơ giấy, rút ngắn thời gian xử lý đối với hàng luồng xanh (dự kiến còn 1 - 3 giây) ...

Xóa nợ thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi cho 5 đối tượng

Từ đầu năm 2014 sẽ có 5 nhóm đối tượng doanh nghiệp được xóa nợ thuế - Ảnh: Lê Toàn.

Theo Thông tư số 179/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ 17-1-2014, năm nhóm đối tượng sẽ được xóa nợ thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1-7-2007 gồm hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn, không thanh toán được số tiền thuế nợ, đã ngừng kinh doanh; doanh nghiệp nhà nước hạch toán độc lập, đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền;

Chính sách xóa nợ thuế, tiền phạt còn áp dụng cho nhóm doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo quy định, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập công ty cổ phần và khoản tiền thuế, tiền phạt đề nghị xóa nợ chưa được giảm vốn nhà nước có tại doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa hoặc khi doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần; doanh nghiệp nhà nước thực hiện giao, bán đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp và khoản tiền thuế, tiền phạt đề nghị xóa nợ không được tính vào giá trị doanh nghiệp để giao, bán; doanh nghiệp nhà nước mà trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.

Việc xóa nợ sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định khi số tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỉ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ đối với trường hợp số tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 5 tỉ đồng đến dưới 10 tỉ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định với khoản nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 5 tỉ đồng.

Dán tem rượu nhập khẩu, rượu sản xuất trong nước

Từ 1-1-2014, theo quy định tại Nghị định 94/2012/NĐ-CP ban hành ngày 12-11-2012, sản phẩm rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước có giấy phép sản xuất, giấy phép kinh doanh phân phối phải dán tem do cơ quan thuế phát hành khi lưu thông trên thị trường. Đối với rượu nhập khẩu, việc dán tem vốn đã được áp dụng nhiều năm nay.

Từ 1-1-2014, Luật Thuế giá trị gia tăng có sửa đổi, bổ sung một số điều sẽ chính thức có hiệu lực. Theo luật bổ sung, sửa đổi này, một số khái niệm về hàng hóa, dịch vụ, mức thuế áp dụng và phương pháp khấu trừ… đã được sửa đổi, bổ sung so với Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12. Chẳng hạn, mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ là nhà ở xã hội bán, cho thuê, cho thuê mua theo quy định của Luật nhà ở.

Thu phí cấp quyền khai thác khoáng sản

Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định theo giá tính thuế tài nguyên do chính quyền cấp tỉnh quy định - Ảnh: Văn Nam

Theo Nghị định 203/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 28-11-2013, từ ngày 20-1-2014, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định theo nhóm, loại khoáng sản, bằng tỷ lệ phần trăm giá trị quặng nguyên khai của khu vực khoáng sản được phép khai thác và có giá trị dao động từ 1% - 5%.

Trong đó, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với nhóm vật liệu xây dựng thông thường dùng cho san lấp (đất, cát, đá) là 5%; đối với than bùn và các loại vật liệu xây dựng thông thường còn lại là 4% ...

Cũng theo nghị định này, giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định theo giá tính thuế tài nguyên do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, công bố và tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn hiệu lực.

Mới đây, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ trong một hội thảo đã nhận định: việc không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư cũng là một hình thức tham nhũng trong khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Hiện ở Việt Nam có trên dưới 5.000 mỏ quặng và 60 loại khoáng sản đang được khai thác. Ngành khai thác này đang tồn tại một số bất cập, đặc biệt là tính minh bạch trong công tác bảo vệ môi trường và quản trị tài nguyên khoáng sản quốc gia.

Tăng phí đường bộ qua các trạm thu phí BOT

Từ ngày 1-1-2014 phí đường bộ qua các trạm thu phí BOT sẽ tăng -Ảnh: Anh Quân.

Theo Thông tư số 159/2013 của Bộ Tài chính, từ ngày 1-1-2014, phí đường bộ qua các trạm BOT sẽ tăng. Cụ thể, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, xe buýt chịu mức thu phí từ 15.000 – 52.000 đồng/vé/lượt;

Trong khi đó, theo thông tư 159 thì xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn chịu mức thu từ 20.000 – 70.000 đồng/vé/lượt; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn chịu mức thu từ 25.000 - 87.000 đồng/vé/lượt; xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet chịu mức thu phí từ 40.000 - 140.000 đồng/vé/lượt; xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 fit chịu mức thu từ 80.000 – 200.000 đồng đồng/vé/lượt.

Cũng trong lĩnh vực giao thông, từ ngày 1-1-2014, theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP sẽ giảm nhiều mức phạt đối với hành vi vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó, đáng chú ý là hành vi đi xe máy không chính chủ bị phạt từ 100 đến 200 ngàn đồng (Nghị định 71 là 800.000 đến 1,2 triệu đồng), ô tô từ 1 đến 2 triệu đồng (Nghị định 71 là 6 đến 10 triệu đồng).

Giá đất thay đổi 5 năm một lần

Được Quốc hội bấm nút thông qua cuối tháng 11 vừa qua, Luật Đất đai sửa đổi gồm 14 chương, 212 điều, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2014. Các nội dung như sở hữu, thu hồi đất, định giá đất, bồi thường… không có nhiều thay đổi so với dự luật. Riêng về bảng giá đất, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ năm năm một lần (thay vì hàng năm như hiện nay) với từng loại đất, theo từng vùng.

Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung thì Chính phủ điều chỉnh khung cho phù hợp.

Mở rộng các trường hợp cấm trong sản xuất, kinh doanh phân bón

Ngoài các trường hợp nghiêm cấm trước đây, Nghị định 202/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-2-2014 quy định chi tiết hơn các hành vi bị nghiêm cấm trong sản xuất, kinh doanh phân bón.

Cụ thể, sản xuất phân bón khi chưa được cấp giấy phép sản xuất; giả mạo hoặc sử dụng trái phép dấu hợp quy, các dấu hiệu gian lận khác về chất lượng phân bón; thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần làm giảm chất lượng so với tiêu chuẩn; thông tin, quảng cáo sai sự thật về chất lượng, về nguồn gốc và xuất xứ phân bón; che giấu thông tin về khả năng gây mất an toàn của phân bón đối với con người và môi trường.

Giảm thuế suất xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ về 0%

Thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ và các sản phẩm bằng vàng sẽ giảm về 0% từ 1/1/2014. Trong đó, vàng nguyên liệu xuất khẩu không phân biệt hàm lượng sẽ chịu thuế 2% (Theo Thông tư 164/2013/TT-BTC có hiệu lực ngày 1/1/2014 về quy định biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế).

Lương tối thiểu vùng tăng 14% so với 2013

Lương tối thiểu vùng tăng 14% từ 1-1-2014. Theo quy định trong Nghị định 182/2013/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan tổ chức có thuê mướn lao động đã tăng khoảng 14% so với năm 2013. Các mức thay đổi cụ thể như sau: vùng 1: 2,7 triệu đồng/tháng, vùng 2: 2,4 triệu đồng, vùng 3: 2,1 triệu đồng, vùng 4: 1,9 triệu đồng.

Nhóm Phóng Viên

Thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Việt Nam xuất siêu 863 triệu USD trong năm 2013 (30/12/2013)

>   Thưởng tết Giáp Ngọ 2014: Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng (30/12/2013)

>   Dọa thay lãnh đạo, DNNN có chuyển mình? (30/12/2013)

>   Doanh nghiệp lớn làm ăn ngày càng kém (30/12/2013)

>   Bầu Hiển lấn sân sang lĩnh vực nước giải khát (30/12/2013)

>   Phú Quốc chính thức hưởng hàng loạt cơ chế đặc thù (30/12/2013)

>   Mía đường Việt Nam sẽ chuyển mình, đón đầu sóng cổ phiếu? (30/12/2013)

>   Một năm FDI: Từ “nghi án” chuyển giá đến hiện tượng Samsung (30/12/2013)

>   Vinashin lại ra biển lớn từ... “Sông Cấm” (30/12/2013)

>   Vượt qua rào cản phi thuế quan (30/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật