Thứ Ba, 17/12/2013 09:40

Nỗi đau Hữu Liên Á Châu

Sau 3 quý đầu năm kinh doanh có lãi, HLA bất ngờ công bố lỗ lớn trong cả năm 2013, khiến cổ đông không khỏi lo âu.

Lỗ vì đua doanh số

Trong 9 tháng đầu năm 2013 (niên độ 1.10-30.9 hằng năm), HLA vẫn đủ sức cầm cự với khó khăn của ngành thép khi lãi hơn 9 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm, Công ty lỗ hơn 115 tỉ đồng. Lý do, theo HLA, là thị trường biến động bất thường khiến Công ty không kịp trở tay.

Ông Trần Tuấn Nghiệp, Tổng Giám đốc HLA, cho biết nhu cầu thị trường trong quý IV/2013 (niên độ tài chính) sụt giảm mạnh, giá thép nguyên liệu cũng biến động lớn. Giá thép nguyên liệu trong quý này đột ngột giảm hơn 20% trong khi tính cả năm chỉ giảm gần 30%. Những tưởng giá nguyên liệu giảm sẽ giúp HLA lãi lớn vì giá bán cao. Tuy nhiên, chính vì nhu cầu tiêu thụ cũng giảm, các doanh nghiệp thép đua nhau hạ giá bán sản phẩm nên HLA bị lỗ vì lỡ mua nguyên liệu giá cao.

Trong giai đoạn này, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã lên tiếng cảnh báo về sức mua yếu trong ngành. Hiệp hội cho biết sức mua thép trong quý III/2013 chỉ trên dưới 300.000 tấn/tháng, giảm đến 25% so với cùng kỳ. Tình cảnh trên không chỉ khiến HLA lao đao mà còn làm cho nhiều công ty khác khốn đốn. Công ty Thép Việt Ý (VIS), chẳng hạn, đã lỗ đến 36 tỉ đồng trong quý này. Còn Đại Thiên Lộc (DTL) đành cắn răng bán giá thấp để giảm hàng tồn. Dù vớt vát được chút ít, nhưng lợi nhuận quý III/2013 của DTL đã giảm đến 85% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thép là ngành không dễ xơi đối với những nhà sản xuất như HLA, bởi ngành này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi doanh nghiệp lúc nào cũng phải lo đối phó với biến động giá nguyên liệu trên thế giới. Tuy nhiên, nếu nhìn vào nội tại doanh nghiệp, sẽ thấy HLA lỗ còn vì nguyên nhân khác.

Ra đời cách đây 30 năm từ một xưởng sản xuất nhỏ, HLA đã nhanh chóng mở rộng quy mô thành doanh nghiệp có doanh thu ngàn tỉ. Với ống thép là sản phẩm chủ lực giúp Công ty giữ vị trí số 1 về thị phần trong nhiều năm liền, HLA không ngại đặt ra mục tiêu lớn: nằm trong nhóm 10 thương hiệu hàng đầu của ngành thép Việt Nam. Để làm được điều đó, Công ty đã không ngừng gia tăng sản lượng để giữ thị phần. Nhưng chính điều này lại làm khó HLA trong giai đoạn kinh tế gập ghềnh vừa qua.

Giai đoạn 2009-2011, doanh số của Công ty chỉ tăng khoảng 13% mỗi năm. Nhưng sang năm 2012, con số này đã tăng đột biến đến 54%. HLA chỉ chú trọng đến việc tăng sản lượng mặc dù lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trên đà suy giảm. Trong khi đó, việc tăng sản lượng liên tục khiến hàng tồn kho ngày một phình ra và chi phí tài chính tăng mạnh. Lãi vay lớn là một trong những nguyên nhân ăn hết lợi nhuận của HLA. “Lỗi của chúng tôi là gia tăng doanh số quá nhanh để giữ thị phần mà chưa chú trọng đến bài toán lợi nhuận”, ông Nghiệp thừa nhận.

Tinh gọn

Vấp từ chỗ nào phải đứng dậy từ chỗ đó, theo ông Nghiệp, trước tiên HLA sẽ điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu thị trường.

Trước đây, biến động giá nguyên liệu thường có chu kỳ 1 năm và doanh nghiệp cũng đặt hàng từ nước ngoài theo chu kỳ này. Nhưng từ năm 2012 đến nay, chu kỳ dần rút ngắn còn 3 tháng, thậm chí hiện nay là 1-2 tháng. Để ứng phó với thay đổi này, ông Nghiệp cho biết HLA sẽ điều chỉnh thời gian đặt hàng theo nhu cầu thị trường chứ không đặt trước 3 tháng như trước. Đồng thời, Công ty sẽ gia tăng sản lượng nguyên liệu mua trong nước để dễ dàng kiểm soát giá hơn. Hiện nay, có đến 70% nguyên liệu được HLA đặt mua từ nước ngoài.

Về dài hạn, thay vì gia tăng sản lượng liên tục để giữ thị phần, HLA sẽ chú trọng hơn đến những sản phẩm có tỉ suất lợi nhuận cao. “Sản phẩm cao cấp thường có ít người làm nhưng lợi nhuận cao. Đó sẽ là mối quan tâm của chúng tôi”, ông Nghiệp nói.

Chi phí tài chính là điều cổ đông quan tâm nhất. Vì thế, theo ông, sắp tới HLA sẽ thoái hết vốn tại hai công ty liên kết là Thép Hữu Liên và Minh Hữu Liên. Thép Hữu Liên là nhà máy đóng góp cho HLA đến 20% sản lượng sản xuất hằng năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh gia tăng sản lượng không còn là mục tiêu quan trọng nhất thì việc thoái vốn tại đây sẽ giúp HLA vừa đỡ chi phí duy trì nguyên liệu sản xuất vừa đỡ bớt nợ. “Bớt một nhánh là bớt đi một gánh nặng”, ông nói.

Hiện nay, HLA sở hữu 100% vốn tại Thép Hữu Liên và 30% tại Minh Hữu Liên (kinh doanh nội thất) với tổng giá trị hơn 114 tỉ đồng. Ông Nghiệp cho biết Công ty đang tìm đối tác và chấp nhận bán lại với giá vốn.

Cũng nằm trong kế hoạch tinh gọn bộ máy, HLA cho biết sẽ giảm đến 30% nhân sự. Công ty dự kiến kế hoạch này sẽ hoàn tất chậm nhất vào quý II năm sau để phục vụ cho mục tiêu giảm 20-30% chi phí nhân sự.

Tinh gọn sẽ làm HLA nhẹ hơn nhưng chưa chắc khỏe hơn. Để giải quyết điều này, ông Nghiệp cho rằng xuất khẩu sẽ là mấu chốt. “Thị trường Việt Nam suy yếu nhưng một số thị trường ở châu Á và châu Mỹ vẫn tăng trưởng tốt. Chúng tôi sẽ ưu tiên xuất khẩu vào những thị trường đó”, ông nói. Hiện nay, tỉ trọng xuất khẩu trong cơ cấu doanh thu hằng năm của HLA là khoảng 30%. Công ty đang nhắm đến việc đưa con số này lên mức 40% trong năm tới. Công ty cũng sẽ nghiên cứu đầu tư xây nhà máy ở những thị trường có nhu cầu cao để chủ động hơn về giá.

Theo Trưởng phòng Phân tích một công ty chứng khoán tại TP.HCM (không muốn nêu tên), chiến lược xuất khẩu không những sẽ giúp HLA tránh được rủi ro tỉ giá mà còn giúp Công ty cải thiện lợi nhuận. “Lợi nhuận từ các sản phẩm thép ở một số thị trường trong khu vực châu Á vẫn cao hơn thị trường Việt Nam từ 5-10%”, vị này nói.

ncđt

Các tin tức khác

>   Bao nhiêu DNNY đang bị truy thu thuế? (17/12/2013)

>   Ra mắt PVcomBank Hội sở (04/10/2013)

>   PVcomBank thu xếp vốn cho Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mỏ Bạch Hổ (11/12/2013)

>   HDG: Giải trình BCTC Q3/2013 (16/12/2013)

>   KHP: Chấm dứt hợp tác nhà sách Nha Trang với Fahasa (16/12/2013)

>   ASIAGF: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng trong kỳ tại ngày 13/12/2013 (16/12/2013)

>   MAFPF1: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng trong kỳ (từ 05/12/2013 đến 12/12/2013) (16/12/2013)

>   HAG: Nghị quyết HĐQT về việc thông qua kế hoạch kinh doanh và đầu tư (16/12/2013)

>   ITD: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 23 (16/12/2013)

>   VCS: Hoàn tất thoái vốn tại Đầu tư và khoáng sản VICO thu về hơn 11 tỷ đồng (17/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật