Bao nhiêu DNNY đang bị truy thu thuế?
Nhiều năm trôi qua, khi doanh nghiệp đã chốt sổ với các con số và khoản mục thu chi đã được hạch toán, thì đột nhiên nhận được “trát” vi phạm hành chính về thuế nên bị truy thu và phạt chậm nộp.
Vấn đề này trở nên nan giải, ảnh hưởng mạnh đối với dòng tiền của doanh nghiệp cũng như thiệt hại cho cổ đông đang sở hữu cổ phần. Đặc biệt là trường hợp của Nhựa Bình Minh khi số tiền bị truy thu lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo thống kê của Vietstock, tính từ đầu năm 2013 đến nay, đã có 19 doanh nghiệp niêm yết bị truy thu thuế và phạt vì chậm nộp với tổng số tiền lên tới 212 tỷ đồng. Đa số lý do khiến doanh nghiệp vi phạm là sự chồng chéo giữa ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp cổ phần hóa và niêm yết lần đầu trong giai đoạn 2008-2012 giữa Cục thuế địa phương và Tổng Cục thuế. Vấn đề này dường như đã nằm ngoài tầm kiểm soát và hoạch định của doanh nghiệp.
Đứng đầu danh sách này và chiếm tới 55% tổng số bị truy thu là Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) với 117 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp đang được dư luận quan tâm khi tiến hành gửi văn bản khiếu nại lên Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục thuế TPHCM, cùng với đó, SCIC (cổ đông nắm 29.6% vốn BMP) cũng có công văn gửi Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế về vấn đề mà họ cho rằng “rất vô lý” này. Tuy nhiên, tất cả vẫn chưa đi đến hồi kết.
Pin Ắc quy miền Nam (HOSE: PAC) cũng bị truy thu và phạt chậm nộp hơn 33 tỷ đồng cho năm 2010-2011. Sản xuất Kinh doanh XNK Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình (HOSE: TIX) thì bị truy thu gần 22.5 tỷ đồng cho giai đoạn 2007-2011 nhưng doanh nghiệp này lại không công bố cho đến khi Sở GDCK TP.HCM (HOSE) nhắc nhở hồi tháng 1/2013.
Những DNNY bị truy thu thuế trong năm 2013
Đa số những trường hợp trên đều có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/09/2013 lớn hơn con số bị truy thu và xử phạt. Ngược lại, có những doanh nghiệp dù số tiền bị truy thu và phạt không cao, chỉ tầm vài trăm triệu đến vài tỷ đồng nhưng đó thực sự là con số rất lớn khi doanh nghiệp đó đang chìm trong thua lỗ.
Hồi tháng 7/2013, ngay khi nhận được “trát” bị truy thu 5 tỷ đồng thì lãnh đạo Sông Đà 909 (HNX: S99) phản ánh, đơn vị này đứng trước nguy cơ phá sản nếu bị truy thu do không có nguồn để nộp khi mà công ty đã trả cổ tức năm 2009-2010. Còn tính đến 30/09/2013, S99 vẫn có lãi lũy kế 3.3 tỷ đồng. Ngoài ra, S99 cũng cho rằng Tổng cục Thuế đã ban hành văn bản chưa đúng quy định khiến công ty bị truy thu và phạt chậm nộp số tiền trên nên công ty đã gửi đơn kiện lên Tòa án nhân dân Hà Nội.
Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (HOSE: PTC) nhiều quý liên tiếp đều thua lỗ, khiến lỗ lũy kế tới 61.5 tỷ đồng, với khoản thuế truy thu 1.6 tỷ đồng thì doanh nghiệp này kiếm đâu ra nguồn để nộp? Viễn thông VTC (HNX: VTC) cũng bị truy thu và phạt chỉ 206 triệu đồng nhưng công ty lại đang bị lỗ lũy kế gần 12 tỷ đồng. Hay như Viglacera Từ Sơn (HNX: VTS) cũng gánh thuế truy thu gần 3 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế hơn 2 tỷ đồng.
Một vấn đề cũng khiến các doanh nghiệp bức xúc khi cơ quan thuế yêu cầu phải nộp tiền truy thu chỉ trong thời hạn 10 ngày - một thời gian quá ngắn để doanh nghiệp thu xếp nguồn tiền. Ngoài ra, điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không đủ thời gian để làm đơn kiến nghị nếu có khúc mắc.
Thống kê của Vietstock cho thấy, 9 tháng đầu năm các đơn vị niêm yết đã nộp hơn 17,417 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó có 4 “ông lớn” đóng góp cho ngân sách Nhà nước từ nghìn tỷ trở lên như GAS (2,375 tỷ), VIC (2,289 tỷ), CTG (1,739 tỷ), VNM (1,147 tỷ). |
Thanh Nụ
công lý
|