Nhật Bản quyết vực dậy nền kinh tế
Nhằm giảm tác động của kế hoạch tăng thuế tiêu dùng có hiệu lực từ đầu tháng 4-2014 tới, Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua gói kích thích kinh tế mới trị giá 18.600 tỷ yên (khoảng 181,6 tỷ USD). Cùng với những tín hiệu lạc quan khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trong bốn quý liên tiếp, "liều thuốc" kích thích vừa được nội các của Thủ tướng Shinzo Abe tung ra được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tiếp tục bứt phá và duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Gói kích thích kinh tế trị giá 18.600 tỷ yên được Chính phủ Nhật Bản tung ra trong bối cảnh thời hạn chót để áp mức thuế tiêu dùng mới từ 5% nâng lên 8% đang đến gần. Đây là gói kích thích kinh tế lớn thứ hai sau gói thứ nhất trị giá 20.000 tỷ yên vừa được tung ra hồi tháng 1-2013. Và, cả hai cuộc đổ tiền khổng lồ này không chỉ nhằm đối phó với thuế tiêu dùng mới sẽ được nâng lên 10% vào năm 2015 mà còn hứa hẹn sẽ làm giảm một nửa thâm hụt ngân sách vào năm 2015 và tiến tới thặng dư 5 năm sau đó. Đây là bước đi quan trọng của xứ Phù tang trong nỗ lực kiểm soát khoản nợ công đã tăng lên 230% so với GDP. Tăng thuế tiêu dùng là giải pháp bất đắc dĩ và không mới được cho là sẽ giúp nền kinh tế đầu tàu Châu Á huy động thêm 8 nghìn tỷ yên (tương đương 81,42 tỷ USD)/năm. Thế nhưng, việc áp mức thuế tiêu dùng mới có thể gây "sốc" cho nền kinh tế Nhật Bản và không ai khác ngoài người dân và các doanh nghiệp trong nước sẽ phải hứng chịu do vật giá leo thang và lạm phát chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Với mục đích sớm chấm dứt tình trạng giảm phát cũng như duy trì đà tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, Chính phủ Nhật Bản sẽ dành khoảng 5.500 tỷ yên trong gói kích thích cho công cuộc tái thiết tại Tohoku - khu vực bị thiệt hại nặng nề sau thảm họa kép động đất gây ra sóng thần hồi năm 2011 - và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ Thế vận hội Olympic Tokyo năm 2020. Khoảng 1.400 tỷ yên sẽ được sử dụng nhằm tăng tính cạnh tranh của ngành công nghiệp Nhật Bản với các khoản khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ. Chính phủ cũng sẽ dành khoảng 3.100 tỷ yên hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 ổn định cuộc sống. Phần còn lại của gói kích cầu sẽ được dùng để hỗ trợ người có thu nhập thấp, cho vay mua nhà, tạo việc làm cho phụ nữ, thanh niên và người già; đồng thời giúp các địa phương phát triển dự án công và trợ cấp tài chính cho doanh nghiệp nhỏ.
Tháng 12 này đánh dấu tròn một năm Thủ tướng S.Abe nhậm chức, với chính sách kinh tế táo bạo mang tên "Abenomics". Dù vẫn còn ý kiến trái chiều về chính sách kinh tế này, song không thể phủ nhận nền kinh tế Nhật Bản đang có những bước hồi phục mang lại niềm lạc quan cho cả khu vực. Đây là tín hiệu cho thấy chính sách "Abenomics" của Chính phủ Nhật đã phát huy tác dụng, chấm dứt 15 năm giảm phát của kinh tế Nhật Bản. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, sự kết hợp giữa chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ với kích cầu bằng chi tiêu công theo đường hướng của "Abenomics" đã vực dậy nền kinh tế xứ hoa Anh đào trong thời gian qua.
Nhằm giúp một loạt nền kinh tế trong khu vực ASEAN gồm Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Singapore - những thị trường chiến lược của Nhật Bản đối phó tốt hơn với tình trạng khẩn cấp về tài chính, Nhật Bản và nhóm quốc gia này đang thảo luận để mở rộng các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương. Nhật Bản hiện có một thỏa thuận song phương trị giá hơn 12 tỷ USD với Indonesia và một thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD với Philippines. Đây là một phương pháp hữu hiệu trong thời kỳ khó khăn kinh tế khi các thị trường ngoại hối bình thường bị đóng băng.
Mặc dù vẫn chưa hết hoài nghi trong bối cảnh nợ công của Nhật Bản tăng cao, nhưng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn lạc quan khi cho rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tiếp tục phục hồi trong thời gian tới nhờ đẩy mạnh đầu tư ở nước ngoài. Với gói kích thích kinh tế lớn thứ hai vừa tung ra, mục tiêu đạt tăng trưởng 2,5% trong tài khóa 2013 tính đến hết tháng 3-2014 của Nhật Bản xem ra có cơ sở để trở thành hiện thực.
Đình Hiệp
Hà Nội mới
|