Chủ Nhật, 08/12/2013 08:10

Cú 'đại nhảy vọt' của Nhân Dân Tệ

"Quá trình quốc tế hóa đồng NDT đã hoàn tất được 75% và phần còn lại sẽ được đẩy nhanh qua Thượng Hải FTZ". Nhưng liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có thể vội lạc quan đến vậy?

Theo thông tin của Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT), Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã trở thành loại tiền tệ được sử dụng nhiều thứ hai trong hoạt động giao dịch tài chính quốc tế (vượt qua đồng euro của châu Âu).

Như vậy, đối thủ ngôi vương cuối cùng của NDT là đồng USD (Mỹ). Cũng hồi tháng 9 vừa qua, với dự án Khu mậu dịch tự do thí điểm (FTZ) Thượng Hải vừa khánh thành vào tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đang chứng tỏ quyết tâm cao độ nhằm "hóa rồng" đồng nội tệ của mình.

Cuộc soán ngôi ngoạn mục

Tháng 10 năm 2013, NDT trở thành đồng tiền phổ biến thứ hai trong tài trợ thương mại toàn cầu. Cụ thể, tỉ trọng sử dụng NDT trong thương mại toàn cầu (share of global trade finance) đã tăng từ mốc 1.89% tháng 1/2011 lên tới 8.66% tại thời điểm hiện tại. Giao dịch NDT hàng ngày đạt 120 tỉ USD, gấp 4 lần so với năm 2010. NDT cũng đã chiếm 16% trong giao dịch ngoại thương của Trung Quốc, và dự đoán sẽ cán mốc 20% vào năm 2020.

Thành tích này tất nhiên không chỉ nhờ vào FTZ Thượng Hải, song đây chính là một nước cờ quan trọng nhằm đẩy nhanh hơn, mạnh mẽ hơn quá trình quốc tế hóa NDT. Cùng với Hồng Kông, Thượng Hải được xác định quy hoạch thành trung tâm tài chính - thương mại quốc tế, có khả năng phát hành trái phiếu bằng NDT. Tuy vậy trong thời gian qua, Thượng Hải lại chậm chân hơn so với "người anh em" của mình.

Chính vì lẽ này, FTZ Thượng Hải đặt ra những mục tiêu trọng yếu bao gồm thử nghiệm chuyển đổi tự do hoàn toàn đồng NDT và phát triển các dịch vụ đầu tư tài chính xuyên biên giới bằng đồng NDT. Không giống trung tâm NDT tại Hồng Kông, London, Singapore, đây là lần đầu tiên đồng tiên này được thả nổi hoàn toàn ngay trong nước. Nếu thành công, Thượng Hải được đánh giá sẽ vượt qua cả Hồng Kông chỉ trong vòng mười năm, hoặc thậm chí chưa đầy năm năm tới.

Rủi ro trên đường đua

Các khu kinh tế trọng điểm để mở đường cho cải cách đã trở thành "đặc sản" của Trung Quốc qua nhiều thời khắc quan trọng của lịch sử. Các phép thử Thẩm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu,... của Đặng Tiểu Bình đã đưa nền kinh tế Trung Quốc "cất cánh" thần kỳ, minh chứng cho sự thành công của công cuộc cải cách, mở cửa kinh tế. Do vậy, trong bối cảnh Trung Quốc đang tập trung củng cố vị thế mới của mình, "đứa con cưng" Thượng Hải đang được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá toàn diện, đặc biệt cho chiến lược quốc tế hóa đồng nội tệ của Trung Quốc.

Phó chủ tịch Ủy ban Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc Zhou Hanmin nhận định: "Quá trình quốc tế hóa đồng NDT đã hoàn tất được 75% và phần còn lại sẽ được đẩy nhanh qua Thượng Hải FTZ". Nhưng liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có thể vội lạc quan đến vậy?

Đầu tiên, tiếng là đứng thứ hai trong tài trợ thương mại toàn cầu, nhưng so với đồng USD với 81.08% thì nhân dân tệ vẫn tỏ ra lép vế. Quy mô giao dịch NDT dù có tăng nhưng quy mô chưa thực sự lớn, ngay cả tại các điểm giao dịch NDT "chủ chốt". Tại Singapore, lượng NDT gửi ngân hàng chỉ chiếm 5%, tại London thậm chí còn thấp hơn với 0.4%. Bên cạnh đó, mặc dù đã ký kết hiệp định hoán đổi tiền tệ với rất nhiều đối tác, mục tiêu đưa NDT vào dự trữ quốc tế vẫn còn cách khá xa.

Thêm vào đó, mô hình FTZ Thượng Hải hiện cũng còn nhiều điểm bất ổn và nguy cơ tiềm ẩn. Với thời gian hoàn thành quá nhanh (đề xuất từ tháng 8, thành lập vào tháng 10/2013), các nhà hoạch định vẫn chưa đưa ra được chiến lược phát triển cụ thể cho Thượng Hải. FTZ Thượng Hải có thể sẽ giúp Trung Quốc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng như tạo ra điều kiện thuận lợi cho quá trình quốc tế hóa NDT, nhưng mặt khác cũng có khả năng gây ra những tác dụng ngược.

Trong trường hợp thị trường này không giữ được mức phát triển ổn định, đây sẽ chính là "nút xả" đẩy nhanh dòng vốn ra khỏi Trung Quốc. Lý giải cho hiện tượng này, Giám đốc nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Lombard Street Research Diana Choyleva cho rằng với việc Trung Quốc nới lỏng hơn các biện pháp kiểm soát tiền tệ, các nhà đầu tư trong nước sẽ đổ xô vào đi mua tài sản nước ngoài nhằm tìm kiếm lợi nhuận, làm giảm giá đồng nhân dân tệ, gây tổn thương thị trường tài chính - tiền tệ của Trung Quốc trong ngắn hạn. Chính vì vậy, Trung Quốc sẽ buộc phải lưu tâm đến lời cảnh báo từ phía ANZ: "Thất bại trong việc áp dụng các biện pháp tự do hóa theo đúng trình tự có thể đe dọa định tổng thể kinh tế của Trung Quốc".

Không thể phủ nhận những nỗ lực cũng như thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được trên bước đường quốc tế hóa đồng nội tệ của mình trong thời gian qua. Tuy nhiêu, sau mỗi bước "nhảy vọt" đều cần có một khoảng thời gian nhất định để lấy lại thăng bằng. Đối mặt với những khó khăn như vậy, Trung Quốc càng cần phải "chắc tay" hơn trong những nước cờ sắp tới.

Siêu cường cần siêu tiền tệ

Trong lịch sử thế giới, một cách thức phổ biến mà cường quốc đang lên cần thực hiện nếu muốn trở thành bá chủ toàn cầu là biến đồng tiền nước minh đó trở thành đồng tiền quốc tế. Anh và Mỹ - những quốc gia đã và đang là siêu cường của thế giới, sẽ là những minh chứng tốt nhất cho chân lý được xem là luật bất thành văn. Họ nắm giữ trong tay "siêu tiền tệ" - một thứ tiền tệ đủ mạnh và đủ lớn để có thể khống chế và chi phối các quốc gia khác.

Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Anh là nước đầu tiên ở Châu Âu thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp, đem lại những thay đổi to lớn cho nền sản xuất, biến thời hoàng kim của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trở thành quá khứ. Những công ty hàng hải với những đội tàu biển có trọng tải lớn được thành lập đã đưa hàng hóa của Anh đến khắp các vùng đất trên thế giới từ châu Âu, châu Mỹ cho đến châu Đại Dương. Nhờ đó mà các hoạt động ngân hàng, tín dụng của Anh cũng có thị trường rộng lớn bao gồm các châu lục kể trên. Với sức mạnh trên biển và nền kinh tế được mệnh danh là "bá chủ' lúc bấy giờ, Anh đã lập ra chế độ Bản vị vàng vào năm 1717 và định giá 1 ounce = 77 shilling và 10,5 xu.

Khi muốn bãi bỏ nguyên tắc định giá của bản vị vàng như Anh đã đề ra, các nước phải gắn đồng tiền của mình với vàng hoặc đồng bảng Anh. Tuy nhiên trước đó với chính sách của chủ nghĩa trọng thương, phần lớn lượng vàng trên thế giới đều chảy về nước Anh. Các quốc gia không đủ vàng để neo giá đồng tiền mình vào đó, buộc họ phải chọn phương sách thứ 2, neo giá vào đồng bảng Anh. Mặt khác, để chống lại sự lũng đoạn tiền tệ của Mỹ và một số nước khác cũng như tăng cường sức cạnh tranh quốc tế, năm 1939, Anh đã ban bố điều lệ quản lý ngoại hối, xây dựng các tập đoàn tiện tệ quốc tế chính thức, có ràng buộc về luật pháp gọi là khu vực đồng bảng Anh.

Từ hậu Thế chiến II, nước Anh suy yếu đã giúp người Mỹ thành công "hất cẳng" Anh ra khỏi chiếc ghế siêu cường nhờ việc "soán ngôi" đồng bảng. Tháng 7 năm 1944, lợi dụng địa vị kinh tế và tài chính của mình trên trường quốc tế cùng quyền lực sau cuộc thế chiến, Mỹ đã đứng ra triệu tập Hội nghị tiền tệ - tài chính quốc tế tại thành phố Bretton Woods với sự tham gia của 44 nước. Hội nghị thành lập hệ thống tài chính được gọi là Bretton Woods, xây dựng chế độ tỷ giá hối đoái cố định quanh đồng dollar gắn với vàng nhằm tránh nguy cơ tái diễn khủng hoảng kinh tế.

Do sức ép của Mỹ tại thời điểm đó, Hội nghị Bretton Woods buộc phải chấp nhận tỷ lệ vàng - USD là 35 USD/1 ounce vàng, thừa nhận dollar là đồng tiền chuẩn, làm trụ cột cho chế độ tiền tệ này, là phương tiện dự trữ và thanh toán quốc tế, đóng vai trò chủ chốt trong các quan hệ tiền tệ, thanh toán và tính dụng quốc tế. Sự kiện chính thức đánh dấu Mỹ thành công trong quá trình biến dollar thành đồng tiền quốc tế là việc Bộ Trưởng Tài chính Mỹ, ông Johw Suyder đã tuyên bố với Tổng giám đốc của IMF là Mỹ bán và mua vàng bằng dollar với giá 35 dollar/ ounce cho tất cả các ngân hàng trung ương nào có yêu cầu vào cuối năm 1947.

Hoài Thương


Thủy Tâm

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Vàng mất gần 2%/tuần trước lo sợ Fed cắt QE (07/12/2013)

>   Kỷ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng sắp kết thúc? (07/12/2013)

>   Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ còn cách mục tiêu của Fed 0.5% (07/12/2013)

>   Bộ trưởng các nước đàm phán TPP nhóm họp ở Singapore (06/12/2013)

>   "Bộ tam chủ nợ" xem xét gói cứu trợ dành cho Bồ Đào Nha (06/12/2013)

>   Tăng trưởng GDP của Anh có thể đạt 1,4% trong năm nay (06/12/2013)

>   GDP quý 3 của Mỹ tăng mạnh nhất trong hơn 1 năm qua (06/12/2013)

>   Vàng sụt hơn 1% sau loạt số liệu kinh tế Mỹ lạc quan (06/12/2013)

>   Chính phủ Nhật Bản thông qua gói kích cầu kinh tế mới (05/12/2013)

>   Trung Quốc ra tay chặn “cơn sốt” tiền ảo Bitcoin (05/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật