Mặt bằng thương mại: Săn và bị săn
Nhiều doanh nghiệp (DN) thanh lý bớt quỹ đất để huy động vốn, cộng với chuyện các ngân hàng đang rao bán các khoản nợ xấu, chủ yếu là bất động sản thế chấp, đang trở thành thời cơ cho các DN phân phối vốn đang "khát" mặt bằng.
Tính đến cuối tháng 10/2013, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua hơn 11.000 tỷ đồng nợ xấu của 14 ngân hàng, 70% khoản nợ đã mua thuộc về bất động sản (BĐS). Điều này cũng khớp với chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng thương mại lớn tại TP.HCM rằng, ngân hàng Việt Nam như một... tiệm cầm đồ.
Thay vì chỉ xét trên tính khả thi của kế hoạch kinh doanh của DN để cho vay thì DN phải có tài sản thế chấp. Tài sản đó chủ yếu là nhà xưởng, đất đai. Trước khi VAMC đi vào hoạt động, không ít ngân hàng đã tiến hành đấu thầu các khu đất, dự án (là tài sản thế chấp).
Và mới đây nhất, theo nguồn tin riêng của Báo Doanh Nhân Sài Gòn, một ngân hàng đang chào bán "có chọn lọc" khu đất hơn 1ha tại trung tâm quận 10 để phát triển khu phức hợp trung tâm thương mại, nhà ở với giá "hữu nghị”.
Đây là dự án từng thuộc về một DN nước ngoài, từng khiến báo chí tốn không ít giấy mực. Tuy nhiên, do tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế nên nhà đầu tư này sau đó đã quyết "nói lời chia tay" với dự án.
Không dừng lại ở đó, trong thời gian qua, một số DN đã tiến hành kêu gọi đầu tư, thông qua hình thức hợp tác hoặc bán hẳn dự án. Cách đây không lâu, Công ty Điện tử Tiến Đạt cũng đã tiến hành kêu gọi hợp tác đầu tư tại khu đất nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, TP.HCM).
Năm 2012, Công ty CP Đầu tư 577 cũng đã thu về 96 tỷ đồng khi chuyển nhượng khu đất trên 7.000m2 tại TP.Phan Thiết cho Tập đoàn Lotte để đầu tư trung tâm thương mại với quy mô hơn 35.000m2.
Ngoài ra, trên các sàn giao dịch dự án, không khó để bắt gặp nhiều thông tin rao bán các khu đất phát triển trung tâm thương mại (TTTM) tại TP.HCM, TP.Vũng Tàu, Biên Hòa...
Thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây, việc cho thuê mặt bằng tại các khu TTTM có phần ảm đạm, nhưng không đồng nghĩa với chuyện các "khu đất vàng" để phát triển dự án TTTM, siêu thị sẽ không được quan tâm.
Sau khi mua khu đất của 577, mới đây, vào ngày 5/12, Lotte Mart đã đưa TTTM tại TP.Phan Thiết đi vào hoạt động. Đồng thời, vào tháng 11/2013, nhà bán lẻ Hàn Quốc này cũng đã mở cửa TTTM tại tỉnh Bình Dương.
Theo thông tin từ Lotte, tính đến thời điểm này, họ đã phát triển được 6 TTTM trên cả nước. Dự kiến, vào cuối năm nay, Lotte sẽ khai trương thêm trung tâm nữa ở Hà Nội.
Nói về kế hoạch năm 2014, phía Lotte cho hay, trước mắt, DN đang triển khai hai dự án tại quận Gò Vấp, TP.HCM và TP. Cần Thơ. Ngoài ra, họ cũng trong quá trình đàm phán với một số chủ đầu tư để chuyển nhượng lại dự án hoặc thuê các dự án có khối đế thương mại (đang triển khai) để mở rộng độ phủ tại thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, một nhà bán lẻ khác là Aeon Việt Nam (Nhật Bản) cũng luôn trong tư thế tìm kiếm những mặt bằng đẹp ở khu vực trung tâm TP.HCM lẫn các quận và khu vực ven thành phố để phát triển các mô hình bán lẻ khác nhau sau khi đã chắc chắn về sự ra đời của TTTM tại quận Tân Phú (TP.HCM), Bình Dương và Hà Nội.
Điều này cũng nằm trong chiến lược của Aeon Việt Nam đến năm 2020 là sẽ mở khoảng 10 TTTM. Ông Yasuo Nishitohge, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam, cho biết, chiến lược của Aeon là mở những trung tâm mua sắm lớn, không chỉ bao gồm siêu thị. Do đó, tại trung tâm thành phố, sự mở rộng của Aeon sẽ gắn liền với các khu đô thị mới.
Cuộc chiến về mặt bằng để mở siêu thị và đại siêu thị luôn diễn ra gay gắt, không thua kém các tên tuổi lớn trong ngành F&B (Food&Beverage). Ngay như DN lớn như Saigon Co.op cũng không thể lơ là. Theo chiến lược phát triển của Saigon Co.op, mỗi năm, DN này phải chuẩn bị vốn và mặt bằng để phát triển từ 10 - 2 siêu thị.
Song, riêng năm 2013, DN cũng ưu tiên vốn lẫn nguồn lực cho hai dự án TTTM có quy mô lớn ở quận 7 và quận 2 (đều hợp tác với Tập đoàn Mapletree, Singapore).
Cụ thể , hiện nay dự án TTTM ở phường Tân Phong, quận 7 đã khởi công mời gọi các đối tác thuê mặt bằng trên 20% diện tích sàn thuê TTTM, dự kiến trước Tết nguyên đán 2015 sẽ chính thức đi vào hoạt động. Trong khi đó, với dự án ở phường An Phú, quận 2, Saigon Co.op đã nâng tỷ lệ đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng lên 96,3%.
Ngoài các nhà bán lẻ đang hoạt động, vẫn còn nhiều nhà phân phối khác từ Nhật Bản, Pháp... quan tâm đến thị trường Việt Nam. Gần đây nhất, Tập đoàn Auchan (Pháp) đã quay trở lại và đặt vấn đề sẽ đầu tư 500 triệu USD để phát triển các trung tâm phân phối tại Việt Nam trong vòng 10 năm tới.
Do nhu cầu về mặt bằng để xây dựng TTTM, siêu thị... của các nhà phân phối khá lớn nên họ không khỏi chú ý đến các khoản nợ xấu BĐS mà ngân hàng chào bán hoặc những lời mời hợp tác đầu tư.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của chuyên viên phân tích đầu tư của một DN phân phối trong nước thì vấn đề là giá chào bán khá cao, hoặc thiết kế của các dự án này không phù hợp với nhu cầu của các nhà phân phối vì nếu khối đế thương mại nằm gắn liền với dự án phức hợp lớn thì bên mua phải mất thời gian chờ đợi toàn bộ dự án đi vào hoạt động mới khai thác; trong khi đó, nếu thay đổi thiết kế lại phải làm lại từ đầu.
Đỗ Hải
doanh nhân sài gòn
|