Masan sẽ “mạo hiểm” ở thị trường giải khát?
Với quy mô chừng 2.5 tỉ đô la Mỹ và tốc độ tăng trưởng luôn ở hai con số, thị trường thức uống giải khát ở Việt Nam thực sự hấp dẫn mà những tên tuổi trong ngành thực phẩm như Masan (MSN) không thể đứng ngoài.
Nước khoáng Vĩnh Hảo là một trong những sản phẩm chủ lực của Masan ở giai đoạn đầu tham gia thị trường nước giải khát.
Sức nóng của nước giải khát
Dạo quanh một vòng các siêu thị hay các cửa hàng bán lẻ, người tiêu dùng sẽ thấy đứng chật bên nhau là hàng loạt các thương hiệu nước giải khát, từ Pepsi, Coca Cola của Mỹ, Kirin của Nhật Bản cho đến nhiều nhãn hiệu khác của Tân Hiệp Phát, Bridico, Vinamilk... Ngay cả hãng sản xuất bột ngọt Vedan cũng đã trình làng loại thức uống trà xanh đóng chai. Tính chung trên thị trường đã có hơn 130 nhà sản xuất nước giải khát cả trong và ngoài nước. Những cuộc chiến nước tinh khiết, nước ngọt có ga, trà xanh, nước ép hoa quả, bia... lần lượt diễn ra trên các mặt trận, từ nhà máy sản xuất, hệ thống phân phối, quầy kệ bán lẻ. Trong cuộc chiến đó, thị trường chứng kiến những cuộc rượt đuổi cam go, những cuộc lật đổ ngoạn mục, những cái tên mới nổi lên, những thương hiệu kỳ cựu thoái trào. Ai được ai mất, ai thắng ai bại mặc kệ, thị trường đồ uống cứ tăng, ngay cả trong những năm khó khăn về kinh tế. Khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, mặt hàng nước giải khát vẫn không hạ nhiệt.
Từ lâu, cuộc chiến đã diễn ra giữa Pepsi và Coca Cola, hay cả với Tân Hiệp Phát. Và rồi người Nhật đặt chân đến. Suntory lặng lẽ mua 51% cổ phần của Pepsico. Kirin Holdings mua lại Interfoods, công ty sở hữu thương hiệu trà bí đao Wonderfarm, và hàng loạt sản phẩm mới được tung ra thị trường.
Mua bán - sáp nhập trở thành một làn sóng mạnh mẽ trong ngành thức uống có cồn và nước giải khát. Cái khó của doanh nghiệp này lại là thời cơ của doanh nghiệp kia. Tribeco đã về tay Uni-President của Đài Loan. Halico đã bán 45% cổ phần với giá 90 triệu đô la Mỹ cho Diageo của Anh. Bia Huế về tay Carlsberg của Đan mạch...
Khi dân số Việt Nam đã vươn tới con số 90 triệu người, đa phần là trẻ, đó chính là động lực của tăng trưởng. Với dự báo thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt gần 4.500 đô la Mỹ vào năm 2020, người Việt có xu hướng chi tiêu thoải mái hơn. Thị trường nước giải khát không cồn tăng trưởng thuộc loại cao nhất trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, người tiêu dùng mới tiêu thụ khoảng 20 lít nước đóng chai/người/năm, chỉ bằng một nửa so với mức trung bình trên thế giới.
Theo Euromonitor, quy mô thị trường đồ uống của Việt Nam năm 2012 có giá trị khoảng 54,000 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 22% trong giai đoạn từ 2007-2012. Từ nay đến năm 2015, con số này sẽ ở mức 20%. Ngành trà đóng chai đã có tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ cao nhất với tỷ lệ tăng trưởng kép là 48.2%/năm trong giai đoạn 2007-2012. Cũng theo Euromonitor, doanh số của nước uống đóng chai, trà đóng chai và nước trái cây được mong đợi sẽ tiếp tục tăng bởi những ích lợi cho sức khỏe và tính tiện lợi.
Nhìn rộng hơn, từ bàn đạp Việt Nam, các nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận một thị trường chung ASEAN lớn hơn với 600 triệu dân. Chưa hết, các hiệp định mậu dịch tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sẽ ký kết sẽ mở cánh cửa vào thị trường rộng lớn hơn nữa. Và không ngạc nhiên khi Việt Nam trở thành điểm hẹn của các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có ngành đồ uống.
Nhân tố Masan
Giữa sân chơi lớn và cạnh tranh khốc liệt, Masan - một tên tuổi trong ngành thực phẩm tiện lợi đã bước chân vào thị trường. Masan đã khởi đầu “cuộc chơi” bằng hai mũi tên: cà phê (với Vinacafé Biên Hòa) và nước khoáng (với Vĩnh Hảo).
Vinacafé Biên Hòa đã vận hành nhà máy mới tại Long Thành và cho ra đời hàng loạt sản phẩm mới.
Ở Vĩnh Hảo, nơi Masan nắm hơn 63% cổ phần, trước mắt vẫn là sản phẩm chủ lực nước khoáng mang thương hiệu Vĩnh Hảo. Sức mạnh của Vĩnh Hảo là nguồn suối khoáng quý giá ở Việt Nam tích hợp với sức mạnh thương hiệu và kênh phân phối của Masan. Tại đây, Masan cho biết sẽ đa dạng hóa sản phẩm, phát triển những thương hiệu mới, sản phẩm mới.
Theo ông S.Venkatesh, Giám đốc chiến lược và nguồn vốn tổ chức của Masan, với kinh nghiệm và sự thành công trong lĩnh vực thực phẩm, Masan đã có kế hoạch sử dụng khả năng xây dựng thương hiệu và mạng lưới phân phối trên toàn quốc cũng như những cải tiến trong nghiên cứu & phát triển (R&D) để thâm nhập ngành hàng giải khát. “Với việc mua lại và sáp nhập Vĩnh Hảo, chúng tôi mong muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường nước giải khát cùng với Vinacafé Biên Hòa”, ông nói.
Khi được hỏi trên một thị trường đã đông đúc như thế, Masan đến sau, liệu có chậm chân? Ông Venkatesh cho biết: “Ở thị trường tiềm năng này, Masan tin tưởng vào việc tác động thay đổi hành vi tiêu dùng hơn việc chú trọng cạnh tranh”.
Thực lực của Masan ở ngành hàng thực phẩm đã rõ khi đứng đầu nhiều ngành hàng. Tập đoàn này đang muốn tận dụng nền tảng thành công ở lĩnh vực này để xây dựng tham vọng trong ngành đồ uống. “Vĩnh Hảo và Vinacafé là hai viên ngọc của Masan, là lợi thế mà không phải công ty nào cũng có được và chúng tôi sẽ tận dụng sức mạnh cộng hưởng (synergy) của cả hai công ty này để nắm bắt cơ hội trong ngành hàng đồ uống. Như vậy, công thức thành công ở ngành hàng đồ uống của Masan là Vĩnh Hảo + Vinacafé + nền tảng ngành hàng đồ uống vững mạnh”, ông Venkatesh nhận định.
Nền tảng mà ông Venkatesh nói tới chính là một mạng lưới phân phối với hơn 176,000 điểm bán của Masan Consumer. Ngoài ra, với ngành hàng đồ uống, Masan sẽ tập trung vào kênh phân phối ở hàng quán. Masan cũng sẽ đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, một nhân tố chủ chốt trong cuộc chiến giành thị phần của công ty này. Cả Vinacafé Biên Hòa lẫn Vĩnh Hảo đều được giữ nguyên thương hiệu, và được đầu tư mạnh hơn. Một nhân tố quan trọng nữa chính là thế mạnh về R&D của Masan nhằm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm mới. Cuối cùng, con người là một phần rất quan trọng và Masan tỏ rõ quyết tâm chinh phục thị trường khi lập ra bộ phận nhân sự có nhiều kinh nghiệm trong ngành hàng này và thành lập ra phòng ban chuyên tập trung vào ngành hàng đồ uống gọi là Masan Beverage, với sự dẫn dắt của “chiến tướng” Lê Trung Thành, người đã để lại nhiều dấu ấn tại Pepsico và Unilever trước đó.
Masan đặt tầm nhìn trở thành công ty giải khát hàng đầu ở Việt Nam, như đã làm với ngành thực phẩm. Chắc chắn, Masan chưa dừng lại ở “con bài” Vĩnh Hảo và Vinacafé. Với quy mô và tiềm năng của thị trường nước giải khát, hẳn họ có nhiều điều để làm với Vĩnh Hảo và Vinacafé Biên Hòa nhằm mở rộng danh mục sản phẩm, củng cố thương hiệu và mở rộng mạng lưới phân phối. Theo ông Venkhatesh, danh mục sản phẩm mở rộng là “vũ khí bí mật” của Masan.
Công ty Cổ phần tập đoàn Ma San (MSN) vừa hoàn tất thủ tục pháp lý hợp nhất và chuyển đổi cổ phần của các công ty Hoa Thược Dược, Hoa Đồng Tiền, Hoa Phong Lan sang công ty Hoa Bằng Lăng để công ty này sở hữu trực tiếp cổ phần của Masan Consumer. Đồng thời, Masan cũng đã đổi tên Hoa Bằng Lăng thành Masan Consumer Holdings (MCH). Masan Consumer Holdings sẽ trực tiếp sở hữu 77,4% cổ phần của Masan Consumer và các khoản đầu tư tương lai vào các ngành nghề liên quan đến tiêu dùng khác.
Như vậy, sau khi tái cơ cấu, MSN sẽ có hai nhánh lớn là Masan Consumer Holdings và Masan Resources - chủ sở hữu dự án Núi Pháo. Hiện nay, Masan Consumer vẫn là trụ cột chính của Masan Consumer Holdings với cốt lõi là hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi, cà phê, nước uống đóng chai với 53,2% cổ phần tại Vinacafé Biên Hòa và 63,5% vốn tại Nước khoáng Vĩnh Hảo.
Theo kết quả kinh doanh quí 3-2013 của Masan Consumer, doanh thu đạt 3.235 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ 2012. Trong đó, ngành hàng gia vị gồm nước mắm, tương, ớt, tăng 23%; ngành hàng thực phẩm tiện lợi với các sản phẩm mới như mì Sagami, cháo B’fast tăng 15% và ngành hàng cà phê tăng 8%.
|
Hoàng Phi
Công lý
|