Lượng kiều hối dự kiến đạt 11 tỉ USD trong năm 2013
Mỗi năm, dòng kiều hối về Việt Nam bình quân 10 tỉ USD, tập trung vào mùa Tết cuối năm, đưa Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Năm 2013, dự kiến có gần 11 tỉ USD nguồn này chảy về và trong mùa Tết có thể tăng đến 35% so với trung bình các tháng trong năm.
Nhiều ngân hàng đều tỏ ra lạc quan về lượng kiều hối trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
|
Nhiều ngân hàng đều tỏ ra lạc quan về lượng kiều hối trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Trong năm 2013, lượng kiều hối được ghi nhận tăng trưởng là do tỷ lệ thất nghiệp các nước phát triển đã giảm 50% so với năm trước. Hiện tỷ lệ này khoảng 4% - 5% so với 9% - 10% trước đây, nên cộng đồng người Việt tại Mỹ, Úc, Canada có công việc ổn định và nguồn thu nhập dần phục hồi.
Thêm vào đó, Chính phủ cũng có nhiều chính sách nhằm khuyến khích kiều bào gửi tiền về nước. Theo Văn bản hợp nhất về việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, bắt đầu từ ngày 11/12/2013, người thụ hưởng kiều hối có thể nhận bằng tiền VND hoặc bằng ngoại tệ theo yêu cầu và không phải đóng thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về. Những năm gần đây, VND ổn định cũng giúp dòng kiều hối chảy về nước nhiều hơn.
Bên cạnh sự dồi dào hơn, thì các chuyển động của lượng kiều hối năm nay cũng là rất đáng lạc quan. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM, dự kiến kiều hối chuyển về địa bàn Tp.HCM năm nay vào khoảng 4,8 tỉ USD, tăng mạnh so với con số 4,1 tỉ USD của năm 2012.
Lượng kiều hối nhận được trên trên địa bàn Tp.HCM, chủ yếu là từ Mỹ và châu Âu gửi về. Tuy nhiên, kiều hối từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào Việt Nam tăng mạnh trong năm nay, chiếm gần 5% tổng lượng kiều hối so với tỉ lệ 0,2-0,3% của những năm trước.
Đồng thời, do tỉ giá USD ổn định nên số người bán lại ngoại tệ cho ngân hàng để lấy VND tăng, chưa kể nhiều người dân chuyển từ ngoại tệ sang tiền đồng để hưởng lãi suất cao hơn.
Lượng kiều hối chuyển về cũng chủ yếu tập trung vào sản xuất kinh doanh ngắn hạn, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, buôn bán của các doanh nghiệp, hộ gia đình; một phần chảy vào bất động sản, trong đó chủ yếu là đầu tư vào các công trình đang xây dựng để hoàn thiện và chỉ một phần nhỏ là để chi tiêu cho các thân nhân trong gia đình...
Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, TS.Lê Xuân Nghĩa dự báo: trong trung hạn dòng kiều hối có thể đổ vào thị trường chứng khoán do triển vọng của thị trường này khá tốt. Thị trường bất động sản, thậm chí dùng dòng tiền kiều hối để mua bán những khoản nợ xấu mà tới đây Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) sẽ bán ra, cũng là một kênh đầu tư rất tiềm năng.
Đã có nhiều minh chứng cho thấy ý nghĩa của dòng tiền kiều hối. Như vào thời điểm năm 2012, là thời điểm cả kinh tế trong nước và kinh tế thế giới đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, lượng kiều hối tiếp tục chảy mạnh về Việt Nam, với một phần không nhỏ tập trung về khu vực nông thôn.
Tại một xã miền núi của Bắc Giang là xã Tam Dị huyện Lục Nam, đã trở nên sầm uất như phố huyện, nhà cao tầng đua nhau mọc lên, cửa hàng, cửa hiệu nhộn nhịp.
Xã Tam Dị có được sự đổi thay như vậy là do có hàng chục tỷ đồng/tháng nguồn kiều hối của hơn 2.000 người trong xã đi lao động xuất khẩu gửi về. Năm 1990, tỷ lệ hộ đói nghèo của xã trên 30% xuống còn đến 19,7% vào năm 2011.
Phong trào xuất khẩu lao động ở xã Tam Dị phát triển mạnh từ sau năm 1999, chủ yếu sang các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Nga, đảo Síp... Hiện nay thị trường lao động xuất khẩu mở rộng sang Trung Đông và Ma Cao.
Nhờ có lượng kiều hối dồi dào từ người thân gửi về, so với các xã khác trong huyện Lục Nam, thậm chí cả tỉnh Bắc Giang, thu nhập của Tam Dị luôn cao hơn khoảng 5-6 lần. Xã có đến gần 500 hộ kinh doanh cá thể, gấp ba lần các xã khác và tạo việc làm cho không chỉ người trong xã mà còn thêm nhiều lao động từ nơi khác.
Hiện Việt Nam có khoảng 4 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập và lao động tại 101 quốc gia, trong đó khoảng nửa triệu là lao động xuất khẩu, với lượng kiều hối chảy về nước ngày một nhiều hơn. Năm 2010, với 8,26 tỉ USD kiều hối, Việt Nam xếp thứ 9 trong số các quốc gia đang phát triển về nhận kiều hối.
Năm 2011, kiều hối Việt Nam đạt mức kỷ lục 9 tỉ USD, bù đắp được 92% chênh lệch cán cân thương mại. Năm 2012, lượng kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 10 tỉ USD, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước có lượng kiều hối cao nhất thế giới. Năm 2013, lượng kiều hối tiếp tục vượt mốc này.
Nguyên Mẫn
vneconomy
|