Thứ Năm, 19/12/2013 16:08

Phó TGĐ Vietcombank: Xu hướng nhận kiều hối bằng VND ngày càng phổ biến

Liên quan đến xu hướng người dân nhận kiều hối bằng VND ngày càng phổ biến, phóng viên Website NHNN đã phỏng vấn ông Phạm Thanh Hà - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB). Website NHNN trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn nội dung phỏng vấn.

PV: Thưa ông, cuối năm thường là thời điểm lượng kiều hối chuyển về nhiều, vậy Ngân hàng đã có những biện pháp, chính sách cụ thể gì nhằm thu hút lượng kiều hối, tạo điều kiện tốt nhất cho kiều bào gửi kiều hối về nước?

Ông Phạm Thanh Hà: Với mong muốn mang niềm vui và may mắn tới các khách hàng nhận kiều hối nhân dịp năm mới 2014, nhằm thu hút kiều hối của kiều bào gửi về Việt Nam cho thân nhân, Vietcombank đang triển khai chương trình khuyến mại quay số trúng thưởng “Kiều hối may mắn” trong khoảng thời gian từ tháng 11/2013 tới tháng 01/2014 dành cho khách hàng cá nhân nhận kiều hối tại Vietcombank. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đề nghị một số đối tác của Vietcombank tích cực triển khai các chương trình ưu đãi, khuyến mại dành cho người gửi tiền để tạo điều kiện tốt nhất cho kiều bào gửi tiền về nước. Cụ thể: Công ty TNMonex - Công ty chuyển tiền tại Mỹ: triển khai chương trình thu phí $5 cho các giao dịch trị giá 500$ -1000$ trong thời gian từ 20/9-20/12; chương trình chuyển tiền không mất phí cho giao dịch đầu tiên của khách hàng mới; miễn phí giao dịch dưới $300 cho khách hàng truyền thống nếu giao dịch vào ngày sinh nhật; chương trình bốc thăm may mắn trị giá $100/tuần liên tục trong 03 tháng 11, 12 và tháng 01; Trong thời gian từ 13/01 -14/02/2014, Ngân hàng Wells Fargo có quà tặng cho khách hàng mới và không tính phí chuyển tiền cho các khách hàng khi chuyển tiền về Việt Nam.

Về mặt tác nghiệp, với thế mạnh trong thanh toán và chuyển tiền quốc tế cùng hệ thống mạng lưới 400 chi nhánh và phòng giao dịch trên 48 tỉnh thành, Vietcombank luôn sẵn sàng có đủ nguồn nhân lực, nguồn ngoại tệ đáp ứng mọi nhu cầu chi trả cho khách hàng vào những lúc cao điểm về chi trả kiều hối.

PV: Với những đồng ngoại tệ (Won, Yên…), Ngân hàng có những cách quy đổi như thế nào cũng như có những ưu đãi quy đổi như thế nào nhằm thu hút khách hàng, thưa ông?

Ông Phạm Thanh Hà: Với đồng ngoại tệ Won chuyển về, khách hàng có thể nhận bằng VNĐ theo tỷ giá chuyển khoản công bố của Vietcombank. Một số đồng ngoại tệ mạnh và phổ biến trên thế giới như Yen, USD, EUR, CAD, khách hàng có thể nhận bằng nguyên tệ. Với vị thế là ngân hàng hàng đầu Việt nam trong hoạt động kinh doanh ngoại hối, quan hệ ngân hàng đại lý với 1.700 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, hợp tác trực tiếp trong dịch vụ chuyển tiền nhanh với Công ty Money Gram, Công ty TNMonex, Ngân hàng Wells Fargo, Công ty UniTeller … nên chúng tôi hoàn toàn có ưu thế trong cung ứng dịch vụ chi trả kiều hối cho khách hàng.

PV: Theo ông, bà con Việt kiều, người lao động xuất khẩu nên gửi loại tiền gì là thích hợp và có lợi nhất vào thời điểm này (tiền bản địa hay quy đổi ra USD…)?

Ông Phạm Thanh Hà: Thời điểm cuối năm thường là mùa nhận kiều hối, người lao động xuất khẩu có thể gửi các loại ngoại tệ khác nhau, nhưng cân nhắc một số yếu tố sau: Nên gửi các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi để dễ dàng thực hiện chuyển đổi sang VND ở Việt Nam. Trên thực tế, người lao động xuất khẩu Việt Nam thường lựa chọn gửi tiền USD. Ngoài lý do USD là ngoại tệ tự do chuyển đổi và phổ biến nhất thế giới, ưu điểm quan trọng khác của việc chuyển đồng USD là sự ổn định tỷ giá USD/VND ở Việt Nam trong thời gian qua và dự báo trong thời gian tới sự ổn định này vẫn tiếp tục được duy trì.

Tại Vietcombank, dịch vụ nhận kiều hối của chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu dịch vụ của khách hàng với gần 20 loại ngoại tệ mạnh và phổ biển trên thế giới như USD, AUD, EUR, GBP, JPY, CAD, CHF, SGD hoặc quy đổi ra VND. Thời gian qua, xu hướng lĩnh kiều hối bằng VNĐ ngày càng phổ biến. Với sự ổn định của tỷ giá trong thời gian qua, vị thế của đồng nội tệ được nâng cao, nên việc chuyển đổi sang VND với mức lãi suất cao hơn là một lựa chọn tốt.

PV: Lượng kiều hối năm nay so với năm ngoái được gửi về Việt Nam vẫn ở mức tương đương, thậm chí còn cao hơn. Xin ông cho biết nguyên nhân nào khiến cho lượng kiều hối duy trì ổn định như vậy? Chênh lệch lãi suất có phải là nguyên nhân khiến cho kiều hối chảy về Việt Nam hay không?

Ông Phạm Thanh Hà: Theo thống kê, lượng kiều hối về Việt Nam tăng ở mức cao qua các năm và năm nay cũng không nằm ngoài thông lệ đó. Nguyên nhân khiến cho lượng kiều hối đạt được mức tăng trưởng ổn định được nhiều chuyên gia nhận định bao gồm: Thứ nhất, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài khá đông đảo bao gồm cả Việt Kiều và người lao động xuất khẩu, đa số đang sinh sống và làm việc tại các nước phát triển. Thứ hai, chính sách của nhà nước về khuyến khích Kiều bào về nước đầu tư. Thứ ba, chính sách của nhà nước cho việc nhận kiều hối khá thông thoáng: cho phép người nhận kiều hối trực tiếp bằng ngoại tệ, không bắt buộc phải chuyển đổi ngay ra nội tệ, không bắt buộc phải gửi tiết kiệm vào ngân hàng thương mại, không bắt buộc phải bán ngay cho ngân hàng… Thứ tư, dịch vụ chuyển tiền kiều hối khá phát triển, với nhiều ngân hàng và công ty cung cấp dịch vụ chi trả với mức phí cạnh tranh, chất lượng dịch vụ tốt và mạng lưới chi trả rộng khắp. Thứ năm, chênh lệch lãi suất ngoại tệ ở Việt Nam so với nước ngoài cũng như việc chênh lệch lãi suất giữa ngoại tệ và VND ở Việt Nam cũng là yếu tố thu hút nguồn ngoại tệ đổ về Việt Nam.

PV: Thưa ông, lượng kiều hối về Việt Nam qua Vietcombank thì tỷ trọng chuyển đổi sang VND là như thế nào?

Ông Phạm Thanh Hà: Với sự ổn định của tỷ giá, vị thế của đồng nội tệ được nâng cao, xu hướng nhận kiều hối bằng VND ngày càng phổ biến. Đáng ghi nhận trong năm 2013, lượng kiều hối chuyển đổi sang VND tại Vietcombank có sự tăng trưởng rõ rệt với mức chuyển đổi khoảng 25% so với tỷ lệ chuyển đổi là 20% của năm 2012 và tỷ lệ từ 10-15 % của các năm trước.

Xin cảm ơn ông

sbv

Các tin tức khác

>   Khó bán tài sản thu hồi nợ xấu (19/12/2013)

>   Bầu Kiên bị cáo buộc thao túng ngân hàng ACB như thế nào? (19/12/2013)

>   Vietcombank cho các thành viên EVN vay gần 23.000 tỷ đồng (19/12/2013)

>   Ai đang nhòm ngó Tổng công ty Vàng Agribank? (19/12/2013)

>   Hệ thống giám sát tài chính bị ‘qua mặt’ (19/12/2013)

>   Ngân hàng cần thêm cái nhìn thiện cảm (19/12/2013)

>   Bài toán NHTM: Hạn chế nợ xấu mới (19/12/2013)

>   Tài trợ tín dụng 3.200 tỷ đồng dự án đường dây 500KV (18/12/2013)

>   Ngân hàng Nhà nước: Khó lùi thời hạn Thông tư 02 (18/12/2013)

>   Nợ xấu ngân hàng chiếm tỷ lệ 4,55% tổng dư nợ (18/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật