Thứ Tư, 25/12/2013 06:38

Lo ngại tham nhũng trong khai thác tài nguyên

Ông Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư cũng là một hình thức tham nhũng trong khai thác tài nguyên thiên nhiên.

 Các đại biểu dự tọa đàm tại Hà Nội. Ảnh: Ng. Nhung

 Ông Võ đã đưa ra ý này tại buổi tọa đàm chính sách “Vai trò của các sáng kiến minh bạch trong công tác bảo vệ môi trường” do Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) tổ chức ngày 24-12 tại Hà Nội.

Theo số liệu đưa ra tại tọa đàm, hiện ở Việt Nam có trên dưới 5.000 mỏ quặng và 60 loại khoáng sản đang được khai thác. Ngành khai thác này đang tồn tại một số bất cập, đặc biệt là tính minh bạch trong công tác bảo vệ môi trường và quản trị tài nguyên khoáng sản.

Ông Đỗ Thanh Bái từ Hội Hóa học Việt Nam cho biết, tính đến tháng 5-2013, cả nước có 79 giấy phép thăm dò khoảng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; 503 giấy phép khai thác khoảng sản do các cơ quan trung ương cấp còn đang hoạt động; 4.200 giấy phép do UBND các tỉnh, thành cấp đang có hiệu lực. Tuy nhiên, có tới 30-40% doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân khai thác khoảng sản có báo cáo định kỳ chưa đầy đủ, chưa chính xác.

Ông Bái cho rằng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đã và đang diễn ra tại 47/63 địa phương. “Quy mô khai thác rất đa dạng, phổ biến quy mô nhỏ và vừa, vốn đầu tư khai thác còn thấp, khai thác kim loại quý rất phân tán và khó quản lý, nhiều mỏ khai thác tự phát hoặc không có giấy phép”, ông Bái nói.

Ông lưu ý rằng, hiệu quả sử dụng tài nguyên thô còn thấp: mới khai thác được 25% trữ lượng địa chất của mỏ và 50% trữ lượng công nghiệp của các mỏ than. tổn thất tài nguyên khoảng sản trong quá trình chế biến khá cao: tuyển than xấp xỉ 10%... Trong cơ cấu nộp thuế và phí của ngành khoáng sản hiện nay ở Việt Nam có 30% nộp về ngân sách nhà nước là các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu. Trong khi đó, 70% còn lại là các khoản thuế tài nguyên, phí cấp phép, phí bảo vệ môi trường, phí hoàn thổ môi trường, thuế sử dụng đất hay thuế sử dụng mặt nước, chi phí cho xã hội và các khoản lệ phí khác là nộp về ngân sách địa phương. Thông tin về các khoản thuế và phí này rất thiếu minh bạch.

GS. Đặng Hùng Võ đánh giá nỗ lực xây dựng pháp luật là rất đáng kể nhưng chưa tạo hiệu quả quản lý trên thực tế. Công cụ đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và công cụ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chưa thực sự hiệu quả, mang tính hình thức mặc dù việc nghiên cứu để xây dựng báo cáo ĐTM, thẩm định và phê duyệt ĐTM vẫn diễn ra đầy đủ theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tổ chức thực thi pháp luật kém đã làm cho hầu hết các doanh nghiệp coi ĐTM chỉ là hình thức, lập báo cáo chủ yếu để đối phó.

Mặc dù là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong các vụ xâm phạm môi trường của doanh nghiệp, thế nhưng cộng đồng địa phương lại có rất ít cơ hội tiếp xúc thông tin liên quan đến các dự án khai thác mỏ. Pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định về bồi thường thiệt hại của chủ đầu tư dự án cho cư dân địa phương về các thiệt hại môi trường đương nhiên sẽ xảy ra. Cách tiếp cận về bồi thường thiệt hại cho dân cũng chưa phù hợp: chỉ bồi thường khi lấy tài sản chứ không bồi thường cho các thiệt hại khác xảy ra.

“Việc không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong các dự án đầu cũng là một hình thức tham nhũng trong khai thác tài nguyên thiên nhiên”, ông Võ nói.

Theo ông, nguy cơ tham nhũng trong khai thác khoáng sản cao hơn so với tham nhũng đất đai vì khó nhìn thấy, người dân không thể phát hiện để khai báo với cơ quan địa phương.

Ông Võ cho biết, để ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng trong khai thác khoáng sản thì trước hết phải công khai toàn bộ quy trình cấp phép khai thác khoáng sản. Kể cả khi được UBND tỉnh hay Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép thì các thông tin như trữ lượng mỏ, các loại khoáng sản được khai thác, kết luận của Hội đồng trữ lượng khoáng sản .. phải được công khai trên mạng Internet trong thời hạn không quá 30 ngày trước thời điểm được cấp phép.

Đối với việc minh bạch trong cơ chế quản lý, theo ông Võ, cần chuyển từ quản lý định tính sang quản lý định lượng nhằm lượng hóa cụ thể các tác hại của ô nhiễm môi trường từ đó thực hiện chi trả, bồi thường thiệt hại do môi trường gây ra dễ dàng hơn và minh bạch hơn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần định giá các mỏ khoáng sản để tính toán thuế và trách nhiệm của chủ dự án đầu tư.

Nguyễn Nhung

thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Ngân hàng vẫn tranh giành kho cà phê Trường Ngân (24/12/2013)

>   Một năm của các bộ trưởng: Ông Đinh Tiến Dũng và “túi tiền quốc gia” (24/12/2013)

>   Ai đã biến Huyền Như thành "siêu lừa"? (24/12/2013)

>   Rút ruột đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (24/12/2013)

>   Bằng chứng cắp ô đây thưa Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình (24/12/2013)

>   Nhân viên ngân hàng Bản Việt lừa 8,6 tỉ đồng để ăn chơi (24/12/2013)

>   Bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Nội vụ (24/12/2013)

>   Thuộc cấp tham nhũng, lãnh đạo có thể mất chức (24/12/2013)

>   Bà Yingluck chính thức ứng cử chức Thủ tướng Thái Lan (23/12/2013)

>   “Cử tri muốn nghe Thủ tướng nói nhiều hơn” (23/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật