Rút ruột đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Từ đơn tố giác của bạn đọc, PV Thanh Niên đã vào cuộc điều tra, phát hiện nhiều bất thường trong thi công dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Nhiều trụ bê tông nguyên vẹn dài chỉ có 25 cm, 30 cm
|
Đơn tố giác của một bạn đọc ngụ H.Long Thành (Đồng Nai) gửi đến Báo Thanh Niên nêu một số hạng mục của dự án (đoạn đi qua khu vực cầu Xéo thuộc địa phận thị trấn Long Thành, Đồng Nai), có dấu hiệu bị “rút ruột” nghiêm trọng, thi công cẩu thả không đảm bảo chất lượng. Người tố giác khẳng định từng làm công nhân thi công gói thầu số 3 nên phát hiện nhiều sai phạm tại đây. Trong đó, nghiêm trọng nhất là trụ bê tông gắn thanh sắt lan can 2 bên đường và giữa dải phân cách.
Cắt xén đủ kiểu
Từ đơn tố giác của bạn đọc, đầu tháng 12.2013, PV Thanh Niên đã nhiều lần tới khu vực nói trên để điều tra vụ việc. Hiện trường công trình là cánh đồng vắng vẻ, lác đác vài nhà dân. Thời điểm này, các hạng mục cầu, đường nhựa, hệ thống chiếu sáng, lan can gần như cơ bản đã được xây dựng hoàn tất, chỉ còn vài chỗ lan can của dải phân cách và 2 bên đường thi công dang dở. Hàng ngàn trụ bê tông gắn thanh sắt lan can đã được lấp đất, nhưng cũng còn ngổn ngang rất nhiều trụ nhô lên khỏi mặt đất, lộ ra nhiều bất thường.
Theo tìm hiểu của PV, lan can ven 2 bên đường và ở giữa dải phân cách được xây dựng để cản phương tiện khi xảy ra sự cố không lao qua bên làn đường ngược lại, không lao xuống ruộng, ngăn súc vật đi vào đường cao tốc… Vì vậy, các thanh lan can được thiết kế chôn dưới đất cùng đế bê tông hình trụ rất chắc chắn. Theo ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thanh lan can gồm phần đế bê tông dài 1,2 m, đường kính 46 cm, âm dưới đất, thanh sắt gắn giữa trụ bê tông dài 1,85 m, trong đó
1 m nằm dưới đất. Phần đế bê tông được xây dựng bằng cách khoan lỗ đặt khuôn đổ bê tông liền, vì đúc sẵn trụ bê tông chôn xuống đất sẽ không chắc bằng. “Đúng theo thiết kế ban đầu trụ bê tông này là hình vuông nhưng thi công khó khăn nên nhà thầu đề xuất các đơn vị liên quan của dự án thay đổi hình vuông sang hình tròn. Sự thay đổi này không ảnh hưởng đến chất lượng, khối lượng trụ bê tông”, ông Hùng nói.
Thế nhưng, theo khảo sát của PV từ nhiều trụ bê tông chưa kịp lấp đất, phần âm dưới đất chẳng những có chiều dài không đúng thiết kế mà có cái bị khuyết hơn một nửa. Nhiều trụ PV đo chỉ dài 25 cm, 30 cm, 40 cm, 60 cm... so với thiết kế là 1,2 m. PV đã đưa các hình ảnh ghi được tại hiện trường cho một chuyên gia về xây dựng tính toán và người này khẳng định “các trụ bê tông này đã bị cắt xén ít nhất từ 30 - 40% khối lượng vật liệu so với thiết kế”.
Thi công cẩu thả
Cũng theo ông Hùng, đoạn mà người dân ở khu vực cầu Xéo (thị trấn Long Thành, Đồng Nai) phản ánh là nằm trong gói thầu số 3 do Công ty TNHH Posco E&C Việt Nam (trụ sở đặt tại Q.1, TP.HCM) của Hàn Quốc thi công. “Đơn vị thi công đổ một lúc, chứ chẳng ai đổ 2, 3 lần. Họ canh rất kỹ, thanh sắt bao giờ cũng nằm ở giữa; kể cả cao độ, kích thước được thực hiện đúng thiết kế. PV có thể xuống hiện trường xem. Khi đi giám sát, chúng tôi chứng kiến, dùng máy ảnh chụp lại hình ảnh đơn vị thi công dùng máy khoan lỗ tròn dưới đất, đặt khuôn sắt, đặt thanh sắt giữa tâm của hình tròn; sau đó mới đổ bê tông. Họ canh thẳng tắp hàng loạt mới tiến hành đổ trụ bê tông”, ông Hùng nói.
Thực tế, khi có mặt tại công trường, bằng mắt thường PV cũng dễ dàng nhận thấy nhiều thanh sắt lan can được đơn vị thi công đặt sai vị trí, có thanh nằm lệch tâm, gần sát mép ngoài trụ bê tông. Chưa hết, khá nhiều trụ được đổ thêm một đoạn bê tông (chiều dài từ 20 - 30 cm), tạo mối nối không đúng với thiết kế; có trụ phần bê tông đổ thêm bị lệch so với phần bê tông đã đổ trước đó. Nhiều trụ có hiện tượng tách lớp giữa bê tông cũ và mới, cho thấy công tác xử lý mặt bê tông cũ không tốt.
Thanh sắt lan can được đặt không đúng theo thiết kế
|
Chất lượng giảm
“Trong quá trình thi công những con đường cao tốc này, việc tuân thủ theo thiết kế phải được thực hiện nghiêm túc một cách tuyệt đối. Theo thiết kế, thanh sắt của lan can được đặt ở giữa trụ bê tông hình tròn là để đảm bảo chịu lực cao. Nhưng thanh sắt nằm lệch tâm thì chắc chắn thanh sắt đó sẽ giảm cường độ chịu lực. Khi bị lực mạnh va chạm vào, có thể thanh sắt xé nát một phần trụ bê tông. Dĩ nhiên, sẽ không đảm bảo chất lượng đúng theo thiết kế”, ông B., từng công tác trong ngành giao thông công chính ở TP.HCM nhận định. Một chuyên gia về hạ tầng giao thông khác cũng phân tích: “Đây là sai phạm không thể chấp nhận được đối với một công trình đường cao tốc được thiết kế với tốc độ lưu thông 120 km/giờ theo tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ một thanh sắt được hàn nối lại khi lực mạnh va chạm vào thanh sắt sẽ dễ bị gãy từ vị trí mối nối thì bê tông cũng vậy”.
Về tình trạng mặt ngoài của bê tông có hiện tượng rỗ mặt, xốp, phân tầng (cát, xi măng, đá rời rạc), kích thước hình học của trụ bê tông không đồng đều và mặt ngoài bê tông không phẳng… Một chuyên gia kiểm định về xây dựng tại TP.HCM khẳng định: “Những khiếm khuyết này chắc chắn sẽ làm cho chất lượng trụ bê tông không đạt yêu cầu theo đúng thiết kế. Việc thi công cẩu thả cũng là cách rút ruột công trình. Nếu thi công cẩu thả, không đúng thiết kế thì thời gian thi công sẽ ít hơn, chi phí nhân công giảm so với dự toán thi công đúng theo thiết kế…”.
Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km đi qua TP.HCM và Đồng Nai, tổng vốn đầu tư hơn 20.600 tỉ đồng. Tháng 12.2009, dự án được khởi công; gồm 9 gói thầu, trong đó gói thầu số 3 có tổng chiều dài 9,8 km với tổng vốn đầu tư trên 1.861 tỉ đồng, bắt đầu từ
Km 14+100 đến Km 23+900 (đầu tuyến từ cầu Long Thành qua vòng xoay Long Thành), nằm trên địa bàn 2 huyện: Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai). Tốc độ thiết kế chung cho các loại xe là 120 km/giờ, riêng cầu Long Thành 100 km/giờ. Dự kiến ngày 30.12.2013 Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ cho thông xe, đưa vào khai thác tạm đoạn từ TP.HCM - QL51 (Đồng Nai).
|
Đàm Huy
thanh niên
|