Lập trật tự mới cho doanh nghiệp nhà nước
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa đề xuất với Chính phủ 2 mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với mong muốn sẽ quản lý tốt loại hình DN này. Theo đó, mô hình thứ nhất là thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát DNNN thuộc Chính phủ. Mô hình thứ hai là bộ quản lý ngành thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Các DNNN công ích hoặc nhỏ hơn do UBND cấp tỉnh quản.
Nghiêng về phương án 1
Khi đưa ra 2 phương án, Bộ KH-ĐT nên chọn mô hình thứ nhất. Các lý do để Bộ này xây dựng và đề xuất lựa chọn mô hình thành lập một ủy ban trực thuộc Chính phủ là khắc phục được hạn chế do chưa tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế. Mô hình kiểu cơ quan siêu bộ này cũng đảm bảo chuyên nghiệp hóa bộ máy tổ chức, cán bộ thực hiện chức năng đại diện chủ sở nhà nước, bảo đảm nắm bắt được thông tin về hoạt động của các DN này, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý các công việc liên quan và vấn đề phát sinh. Đồng thời, sẽ kiểm soát tốt hơn và dễ xác định, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời tạo lập sân chơi bình đẳng giữa DNNN và các thành phần kinh tế khác. Đây cũng là nội dung vốn đã được nêu rõ trong Điều 162, Luật Doanh nghiệp năm 2005: "Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; chỉ định một cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khác thực hiện quản lý nhà nước đối với DN”.
Ủng hô phương án quản lý DNNN theo mô hình thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát DNNN thuộc Chính phủ, TS Trần Du Lịch cho rằng: Cần thiết phải lập Ủy ban Quản lý DNNN trực thuộc Chính phủ để quản lý khu vực DNNN, không để DN nào trực thuộc bộ, ngành, địa phương, trừ DN công ích. Nhiệm vụ của ủy ban này là tiếp tục thực hiện quá trình tổng thể tái cơ cấu DNNN - 1 trong 3 trọng tâm tái cơ cấu của nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu lựa chọn phương án 1 sẽ khắc phục được tình trạng các bộ vừa đá bóng vừa thổi còi, đồng thời xây dựng được bộ máy đủ quyền lực, bảo đảm quản lý DNNN xuyên suốt, thống nhất về tài chính, nhân sự, chức năng kinh doanh, vai trò kinh tế. Mô hình này cũng khắc phục được tình trạng cơ quan quản lý ưu ái DN trực thuộc khiến hiệu quả quản lý không tốt. Điều mà nhiều chuyên gia cho là được nhất nếu lựa chọn phương án 1 đó là, tăng tính hiệu quả trong quản lý DN qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế của những quả đấm thép này tránh những lùm xùm, tai tiếng do thiếu quản lý giám sát gây ra.
Còn nhiều ý kiến trái chiều
Dù mô hình quản lý theo kiểu "siêu bộ” nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của Bộ KH-ĐT cũng như các chuyên gia, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, DNNN trực thuộc sự giám sát của một cơ quan trực thuộc Chính phủ thì sẽ gây sức ép cho cơ quan này vì có quá nhiều việc phải làm một lúc. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh thì trong quá trình tái cơ cấu, sắp xếp lại các DNNN Ủy ban Cải cách DNNN nên là cơ quan điều phối giám sát chung. Dưới ủy ban này có các tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước như mô hình SCIC hiện nay để quản lý vốn tại DNNN. SCIC là một DN lập ra để giám sát vốn tại DNNN, thực hiện thoái vốn ở các DN yếu kém và duy trì vốn ở DNNN cần nắm giữ. Mỗi ngành nghề hoặc lĩnh vực công ích cần có một SCIC quản lý vì khu vực kinh tế nhà nước đang quá lớn, chiếm đến 27% GDP nên chỉ một ủy ban thì không đủ sức quản lý. Khi SCIC dần thoái vốn tại các DN, đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước giảm còn 10%-15% GDP thì giải tán Ủy ban cải cách và sáp nhập các SCIC thành một tổng công ty.
Hiện chọn phương án nào để quản lý DNNN vẫn còn bỏ ngỏ nhưng giới chuyên gia cho rằng nhìn về quá khứ, hiện tại và hướng đến tương lai, Việt Nam có thể chọn cho mình một hướng đi theo cách thức "không bỏ trứng một giỏ” – không tập trung tất cả mọi nguồn lực cho tập đoàn, tổng công ty lớn mà nên hướng đến xây dựng một môi trường kinh tế, một sân chơi phẳng cho tất cả các thành phần kinh tế, được "chơi” công bằng. Chính điều này sẽ tạo động lực cho khối DN nhỏ và vừa Việt Nam, vốn đang chiếm tỷ trọng lớn trong đóng góp GDP quốc gia, có thể phát triển. "DN nhỏ và vừa rất cần vốn, trong khi đó nếu đã được "chơi” công bằng, Nhà nước sẽ không nhất thiết phải bơm thêm nhiều vốn, phải vận dụng đến các gói kích cầu cho từng nhóm kinh tế khi khó khăn. Nếu chúng ta có một sân chơi "phẳng”, khi nền kinh tế khó khăn, một số các DN phá sản sẽ không phải là vấn đề trở nên đáng nghiêm trọng, bởi DN này ngã xuống, sẽ là lớp gạch lót cho những DN còn lại đi tiếp, sống tốt.
Lục Bình
Đại đoàn kết
|