Hầu hết các doanh nghiệp cổ phần “ăn nên làm ra”
Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính về Tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước (DN cổ phần) cho thấy, hầu hết các DN này đều làm ăn có lãi. Vốn chủ sở hữu tăng 4,06% so với năm 2011, chiếm 30,47% tổng nguồn vốn, trong khi đó hệ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu bình quân đạt thấp, 0,64 lần.
Theo Báo cáo của các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, toàn quốc hiện có 260 DN cổ phần, trong đó có 18 TĐ,TCT, Công ty mẹ - con cổ phần; 242 công ty cổ phần độc lập (60 DN hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; 182 công ty cổ phần độc lập hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại).
Năm 2012, tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của các DN cổ phần là 200.508 tỷ đồng, tăng 2,4% so với thực hiện năm 2011. Trong đó, khối TĐ,TCT, Công ty mẹ - con cổ phần là 168.647 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm 2011 và chiếm 84,1% tổng tài sản của các DN cổ phần. Trong đó, tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 27% tổng tài sản.
Tổng các khoản phải thu năm 2012 theo số liệu báo cáo hợp nhất là 30.543 tỷ đồng, bằng 99% so với thực hiện năm 2011. Tỷ lệ Nợ phải thu/Tổng tài sản bình quân là 15,2%.
Năm 2012, các DN cổ phần có tổng số thu nộp NSNN đạt 40.149 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2011. Trong đó, số thu nộp NSNN từ hoạt động kinh doanh XNK chiếm 53,3% tổng thu nộp NSNN của các DN cổ phần.
|
Các DN cổ phần có tổng số nợ phải thu khó đòi năm 2012 là 883 tỷ đồng, tăng gấp 2,58 lần so với năm 2011. Trong đó, TCT cổ phần Thép Việt Nam có nợ phải thu khó đòi lớn nhất (652 tỷ đồng), tăng 4,29 lần so với năm 2011. Tuy nhiên, TCT cũng đã trích được 112 tỷ đồng dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Cũng theo Báo cáo này cho thấy, tổng số nợ phải trả của các DN cổ phần là 131.990 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 70,7% tổng số nợ phải trả. Khối TĐ,TCT, Công ty mẹ - con cổ phần có tổng số nợ phải trả là 109.910 tỷ đồng, chiếm 83,2% tổng số nợ phải trả của các DN cổ phần. Hệ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu bình quân là 0,64 lần.
Đáng lưu ý, các DN cổ phần có Vốn chủ sở hữu là 61.097 tỷ đồng, tăng 4,06% so với năm 2011, chiếm 30,47% tổng nguồn vốn. Tổng vốn điều lệ của các DN cổ phần là 37.814 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, các DN sau cổ phần hóa đều có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển. Trong đó, tổng vốn nhà nước góp là 30.717 tỷ đồng (tương ứng với 81,2% tổng vốn điều lệ).
Về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN này cho thấy, năm 2012, tổng doanh thu đạt 334.402 tỷ đồng, tăng 5,8% so với năm 2011. Trong đó, khối TĐ,TCT, Công ty mẹ - con cổ phần có doanh thu là 295.908 tỷ đồng, chiếm 88,5% tổng doanh thu của các DN cổ phần.
Năm 2012, các DN cổ phần có tổng lợi nhuận trước thuế là 9.318 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2011. Tỷ suất Lợi nhuận trước thuế/Vốn chủ sở hữu bình quân đạt 15,25%.
Như vậy có thể thấy, việc thực hiện, việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa DNNN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, cổ phần hóa là hình thức sắp xếp DN chủ yếu và làm thay đổi cơ bản tư duy quản lý kinh tế, phương thức quản lý, quản trị tại DN; nâng cao tính minh bạch, công khai, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các DN; tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hoạt động của DN đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã góp phần hoàn thiện và phát triển các yếu tố thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho DN sau khi cổ phần hoá huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ, gắn kết người lao động, ổn định và phát triển trong xu thế hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.
Minh Anh
hải quan
|