Thứ Ba, 24/12/2013 18:35

Gỡ rào cản cho tam nông

Có quá nhiều rào cản khiến lĩnh vực tam nông đuối dần. Muốn gỡ bỏ phải trông chờ việc cải thiện đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học và công nghệ của Quốc hội Phùng Đức Tiến khẳng định.

PV: Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát phát biểu trước QH rằng đã từng yêu cầu cấp dưới đừng đem các báo cáo khoa học lên gặp mình, mà hãy đem đến những bông lúa, trái cây được cải tiến có hàm lượng tốt hơn. Ông nghĩ thế nào về yêu cầu này?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học và công nghệ của Quốc hội Phùng Đức Tiến

Ông Phùng Đức Tiến: Tôi cho rằng yêu cầu đó của Bộ trưởng Cao Đức Phát, cũng chính là đòi hỏi rất cấp bách về việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Mặc dù chất lượng nghiên cứu khoa học công nghệ được nâng cao, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ được áp dụng đã góp phần phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam. Chẳng hạn, việc thực hiện các chương trình giống đã đem lại hiệu quả lớn, góp phần đáng kể làm tăng năng suất và chất lượng nông sản trong những năm qua. Nhưng nhìn chung, nghiên cứu khoa học công nghệ vẫn ở tình trạng thiếu các nghiên cứu chuyên sâu trên một đối tượng sản phẩm, thiếu kế hoạch nghiên cứu tổng thể cho ngành, lĩnh vực. Nhiệm vụ khoa học công nghệ nhiều nhưng cơ cấu nhiệm vụ chưa hợp lý, thiếu sự gắn kết trong khâu xác định nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai thực hiện; phần lớn các nghiên cứu tập trung nhiều vào khâu giống, quy trình canh tác. Nghiên cứu về chế biến nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm còn chưa được chú trọng đúng mức. Hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ thấp; nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ, đề tài, dự án sau khi nghiệm thu không triển khai được vào sản xuất kinh doanh.

Ý ông là trình độ áp dụng khoa học công nghệ của Việt Nam vào sản xuất rất thấp?

-Đúng vậy. Ngoài một số lĩnh vực như sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản, sản xuất sữa, xây dựng công trình thủy lợi…có trình độ công nghệ ở mức khá thì nhìn chung, trình độ công nghệ của các ngành trong sản xuất nông nghiệp còn thấp.

Việc xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao chưa có chuyển biến rõ nét, chưa tạo đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, chưa tạo cơ sở vững chắc cho chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, gắn kết theo chuỗi giá trị. Thiết bị và công nghệ sau thu hoạch còn lạc hậu, kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản chế biến còn chưa phát triển, quy mô nhỏ, tỷ lệ hao hụt cao. Chính sự chậm trễ trong áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất khiến Việt Nam tiếng là nước nông nghiệp nhưng nhiều nông sản của chúng ta lại thua ngay trên chính sân nhà.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những tình trạng như vậy, chắc có lẽ không ngoài nguyên nhân là thiếu vốn đầu tư, thưa ông?

-Có nhiều nguyên nhân và thiếu tiền là một trong những nguyên nhân cơ bản. Thực tế, đầu tư cho khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn quá thấp, không những thế, còn dàn trải, chưa tạo đột phá về công nghệ. Kinh phí cho nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của cả nước cùng chỉ ở mức 1.500 tỷ đồng/ năm (khoảng 70 triệu USD/năm); các nhiệm vụ cấp địa phương (63 tỉnh, thành phố) cũng chỉ đạt khoảng 30 triệu USD/năm. Tính bình quân, mỗi nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước cũng chỉ đạt khoảng 3,8- 4 tỷ đồng; các nhiệm vụ cấp bộ, cấp tỉnh thành phố còn thấp hơn nhiều.

Do thiếu kinh phí đầu tư nên cơ sở vật chất kỹ thuật ở nhiều viện nghiên cứu về nông nghiệp rất lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu về nghiên cứu, nhất là nghiên cứu về công nghệ sinh học, công nghệ cao trong nông nghiệp. Vì thế, chúng ta cũng khó có thể tiến nhanh, tiến mạnh vào nghiên cứu các công nghệ mới, công nghệ cao mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Có quá nhiều rào cản khiến lĩnh vực tam nông không thể bứt phá, thậm chí có xu hướng tăng trưởng đuối dần. Có gỡ bỏ được những rào cản này hay không, hiện, phải trông chờ vào việc có cải thiện được việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển lĩnh vực này hay không.

Vậy theo ông, muốn cải thiện được việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp, thì cần những gì?

-Tôi cho rằng, trước hết, cần thực hiện cơ chế tạo đột phá trong quản lý khoa học công nghệ. Theo đó, đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ theo hướng chuyển từ quản lý theo nhiệm vụ khoa học công nghệ sang khoán, đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ. Giảm bớt thủ tục hành chính, quản lý chặt chẽ sản phẩm đầu ra của nhiệm vụ nghiên cứu; tăng cường cơ chế đặt hàng, khoán sản phẩm. Có cơ chế, chính sách xã hội hóa nguồn lực khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư như tham giam đấu thầu các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc ngân sách nhà nước, tham gia các Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia…Cùng với đó, phải thực hiện một loạt các giải pháp nữa như tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho nông nghiệp theo tỷ lệ tương đương với mức trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực…

Trân trọng cảm ơn ông!

Lục Bình

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu nông sản sang TQ: Còn nhiều dư địa (24/12/2013)

>   Gạo Việt Nam đang đắt nhất châu Á (23/12/2013)

>   Gạo Việt Nam bị áp thuế 20% khi xuất sang Mexico (20/12/2013)

>   Xuất khẩu sản phẩm cao su vượt 1 tỉ USD (20/12/2013)

>   Xây dựng vùng nguyên liệu điều năng suất cao (19/12/2013)

>   Người trồng cà phê oằn mình trả nợ (17/12/2013)

>   Xuất khẩu gạo năm 2014 có thể đạt khoảng 7 triệu tấn (17/12/2013)

>   DN xuất khẩu gạo cùng địa phương xây vùng nguyên liệu (17/12/2013)

>   Thị trường gạo chờ cơ hội từ TPP (16/12/2013)

>   Xuất 1,5 triệu tấn gạo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc (16/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật