Gần 500 công nhân ngừng việc vì “lương ba năm không đổi”
Gần 500 công nhân (CN) Cty TNHH Nidec Copal Việt Nam đường N1, Khu công nghệ cao (KCNC), quận 9, TP.HCM đã tụ tập ngừng việc để yêu cầu Cty đáp ứng nhiều nội dung về chia ca làm việc, khẩu phần ăn, các chế độ. Trong đó, đáng nói nhất là việc CN yêu cầu Cty phải tăng lương cơ bản theo định kỳ, vì đã ba năm nay họ chưa được tăng.
Theo Ban quản lý KCNCTP, Cty Nidec Copal có trụ sở đặt tại Tokyo, Nhật Bản, do ông Shigeru Izawa, chức vụ Tổng Giám đốc làm đại diện pháp luật. Tại KCNCTP, Cty chuyên thiết kế, sản xuất và tiêu thụ các loại mô tơ compact có độ chính xác cao dùng trong các thiết bị di động và thiết bị kỹ thuật số như máy ảnh, điện thoại di động, laptop, máy in, ổ đĩa HDD và các loại linh phụ kiện của mô tơ.
Có mặt tại KCNCTP từ sáng 3/12, chúng tôi chứng kiến hàng trăm CN ngừng việc đứng tràn cả ra đường và ngồi trước cổng Cty. Phản ánh với phóng viên, các CN cho biết, đa phần CN gắn bó với Cty đã được khoảng 3 năm kể từ khi DN chính thức hoạt động. Thế nhưng tính từ lúc vào làm việc đến giờ, lương cơ bản của mỗi người đều chỉ dừng ở mức 2,7 triệu đồng/tháng. Thậm chí, nhiều người đã ký đến 3 cái hợp đồng nhưng lương lại… không đổi?.
Anh B - một CN gắn bó từ ngày thành lập công ty bức xúc: “Em đã ký 3 cái hợp đồng nhưng lương cơ bản thì chẳng thấy được lên đồng nào. Tụi em làm cả mấy năm trời mà lương cũng chỉ vừa bằng người mới vào 2 tháng, đây là điều rất bất công. Việc làm này của công ty không khuyến khích được những người có thâm niên gắn bó lâu dài”.
Một đại diện Cty cho biết, mặc dù không tăng lương nhưng công ty có các khoản khác như chuyên cần, xăng xe, nhà trọ… bù vào.
Các chuyên gia ngành Bảo hiểm xã hội cho rằng, hiện có rất nhiều DN không muốn tăng lương cơ bản cho CN vì sợ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà tăng thêm các khoản khác. Tuy nhiên, đến khi tranh chấp xảy ra, CN đòi tăng lương, cơ quan chức năng kiểm tra lúc đó lại “gậy ông đập lưng ông”, mà trường hợp này là ví dụ.
Các CN còn phản ánh, trước đây Cty chia làm 2 ca làm việc, ca I từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối và ca II từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng. Như vậy tính ra mỗi người một ngày tăng ca được 4 tiếng đồng hồ, tuy vất vả nhưng có tổng thu nhập kể cả làm thêm là hơn 5 triệu đồng/người. Thế nhưng, đột nhiên ngày 2/12 Cty yêu cầu hàng loạt CN phải đổi lại ca làm việc để làm giờ hành chính. “Bây giờ mỗi ngày chỉ còn khoảng 1,5 tiếng tăng ca khiến thu nhập tụi em giảm thê thảm” – một CN cho biết.
Đặc biệt, rất nhiều CN bức xúc về hàng loạt vấn đề tồn tại lâu nay như phần ăn buổi trưa chỉ 13.000 đồng là quá “bèo” và rất khó nuốt, Cty có khoản tiền chuyên cần hỗ trợ CN nhưng chỉ cần đi trễ một phút là lập tức bị trừ 50.000 đồng, còn nếu đi trễ trên 30 phút thì coi như… trắng tay?.
Nhiều CN nữ sau khi sinh 7 – 8 tháng mà không nhận được chế độ thai sản... Hơn nữa, cùng một tập đoàn Nidec trong KCNCTP nhưng các CN của công ty Nidec Sankyo nằm sát bên khi CN ký lại các hợp đồng lao động thì lập tức được nâng lương định kỳ, một số chế độ cũng hơn hẳn…
Trước các bức xúc của CN, cuộc làm việc giữa các bên DN – BQL Khu công nghệ cao – Công đoàn – Phòng LĐ-TB&XH… đã được triển khai nhưng không đi đến kết quả. Gần 12 giờ trưa cùng ngày, đại diện Công đoàn đứng ra giải thích và yêu cầu CN trở lại làm.
Phía công ty đồng ý hủy bỏ việc đổi ca làm việc và đồng ý để CN làm ca như cũ trở lại, tuy nhiên vấn đề cốt lõi nhất là việc tăng lương cơ bản theo định kỳ thì mặc dù cả Cty với các ban bệ rất “oai”, nhưng không có ai đứng ra quyết được, mà phải chờ gọi điện về Cty “mẹ” bên Nhật để xin ý kiến. Chính vì không tìm được tiếng nói chung nên đến 2 giờ chiều 3/12, hàng loạt CN của ca I đã bỏ ra về và tiếp tục ngừng việc.
Lam Sơn
pháp luật Việt Nam
|