Không để sốt giá hàng Tết
TP HCM đề ra kế hoạch quản lý chặt giá hàng hóa trong dịp Tết; giá các nhóm mặt hàng bình ổn đều thấp hơn thị trường từ 5%-20%
Chiều 4-12, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã làm việc với UBND TP HCM về tình hình chuẩn bị hàng Tết trên địa bàn thành phố.
Sức mua tăng mạnh
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, năm nay Tết Nguyên đán sau Tết Dương lịch 1 tháng nên dự báo lượng tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng 20% so với Tết năm rồi, giá một số mặt hàng thiết yếu có thể tăng nhẹ vào những ngày cận Tết. Năm nay, tổng giá trị hàng hóa doanh nghiệp (DN) sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết là 7.581 tỉ đồng, tăng 40,5% so với Tết Quý Tỵ. Trong đó, tổng giá trị nguồn hàng bình ổn thị trường là 4.901 tỉ đồng, tăng 62,17%. Các DN trong chương trình bình ổn cung ứng tăng bình quân 114% so với kế hoạch của thành phố. Nhiều mặt hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 30%-60% nhu cầu thị trường như dầu ăn (61,5%), thịt gia cầm (66%), trứng gia cầm (47,8%), thịt gia súc (32,2%)…
Đại diện Bộ Công Thương và Sở Công Thương TP HCM kiểm tra công tác chuẩn bị hàng Tết tại siêu thị Sài Gòn Ảnh: HỒNG THÚY
|
Theo Sở Tài chính TP HCM, công tác quản lý giá hàng bình ổn rất chặt chẽ, các nhóm mặt hàng bình ổn đều thấp hơn thị trường từ 5%-20%. Hàng bình ổn đã phủ khắp thành phố, DN bình ổn cam kết không tăng giá trước và sau Tết 1 tháng; Sở Tài chính sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường nên khó có khả năng biến động giá trong dịp Tết. “Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính kiểm soát chặt giá cả hàng hóa và các hoạt động dịch vụ trên địa bàn. Đối với nhóm hàng bình ổn, ngoài việc không điều chỉnh tăng giá trước và sau Tết 1 tháng, thành phố còn khuyến khích DN có chương trình khuyến mãi. Những ngày giáp Tết sẽ giảm giá sâu thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm” - Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Tăng nguồn cung thực phẩm sạch
Về phía DN, đại diện Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cho biết đã chuẩn bị 1.500 tỉ đồng cho 10.000 tấn hàng phục vụ Tết. Trong đó, 1.000 tấn gạo, 2.500 tấn đường, 500 tấn dầu ăn đã có trong kho, sẵn sàng ứng phó với biến động thị trường. Bên cạnh đó, lượng thịt heo chuẩn bị cho tiêu dùng Tết cũng đã sẵn sàng, bảo đảm ổn định giá. Chợ đầu mối Bình Điền tháng 12-2013 sẽ đưa vào hoạt động kho lạnh với công suất 21.000 tấn trên diện tích 11.000 m2 nhằm đáp ứng nhu cầu bảo quản hàng hóa của thương nhân.
Một trong những điểm sáng của kế hoạch chuẩn bị hàng Tết năm nay là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được lãnh đạo TP HCM đặt lên hàng đầu. Các DN phân phối vừa ký hợp đồng với các DN VietGAP về gia cầm, trứng, rau củ quả và sắp tới là thịt gia súc. Trước đó, đầu tháng 11, tại chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, hơn 229 hợp đồng ghi nhớ hợp tác đã được ký kết (chiếm số lượng lớn trong đó là hợp đồng hợp tác cung ứng đặc sản địa phương, sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm và nông sản VietGAP cho các hệ thống phân phối). Theo bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), với việc bổ sung lượng hàng này, rổ hàng Tết năm nay vừa bình ổn giá vừa an toàn cho sức khỏe. Riêng Saigon Co.op đang dần tiến tới kinh doanh 100% rau củ quả VietGAP (trước đây vừa có rau an toàn vừa có rau VietGAP). Ngoài ra, phát huy thành công của chương trình tết Việt - hàng Việt năm 2013, năm nay Saigon Co.op tiếp tục thực hiện chương trình giỏ quà Tết thuần Việt. Để đa dạng hơn nguồn cung các sản phẩm mùa Tết, hệ thống siêu thị này phát triển thêm gần 100 mã hàng nhãn riêng, trong đó có cả bột nêm, lạp xưởng, bánh... với giá cạnh tranh, giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn.
Tránh sốt giá cục bộ
Đánh giá cao công tác chuẩn bị hàng Tết của TP HCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng qua mô hình của thành phố sẽ rút nhiều kinh nghiệm để hoàn thiện hơn nữa chương trình bình ổn của cả nước. TP HCM đã chuẩn bị rất tốt với số lượng DN tham gia bình ổn, lượng hàng, điểm bán và bán hàng lưu động đều tăng. Tuy nhiên, cần lưu ý kiểm soát để tránh sốt giá cục bộ và dự phòng nguồn thịt heo cung ứng ra thị trường dịp Tết.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - lưu ý TP HCM nên kiểm soát để mức phụ thu cước vận tải, phí giữ xe dịp Tết không quá cao, tốt nhất là không có phụ thu.
|
Hà Nội: 6.000 tỉ đồng dự trữ hàng Tết
Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết hiện các DN đã dự trữ một lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 với trị giá hơn 6.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, Sở Công Thương dự báo khó tránh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu do nhu cầu tăng vào tháng cuối năm, thương lái đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc khiến nguồn cung giảm… Hiện nhóm hàng thực phẩm tươi sống như thịt heo, thịt gà có chiều hướng tăng từ 5.000-15.000 đồng/kg, rau xanh tăng trung bình 15%-25% so với thời điểm đầu năm.
Sở Công Thương Hà Nội chỉ đạo các DN chủ động liên kết, khai thác nguồn hàng từ các tỉnh bạn nhằm bảo đảm cung ứng cho thị trường Tết, đồng thời đẩy mạnh hoạt động bán hàng thông qua chương trình bình ổn giá với 7 nhóm hàng thiết yếu trị giá 318 tỉ đồng. Đáng lưu ý, 13 DN tham gia chương trình bình ổn giá bằng nguồn vốn tự có của mình cũng chủ động dự trữ số lượng trị giá 630 tỉ đồng, đáp ứng 30% nhu cầu của 7 nhóm hàng thiết yếu.
Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho biết tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ dự trữ phục vụ Tết của đơn vị ước khoảng 1.095 tỉ đồng, tăng 10% so với Tết năm rồi. Hệ thống siêu thị Big C cũng đã lên kế hoạch dự trữ hàng phục vụ Tết, trong đó ưu tiên các sản phẩm bánh kẹo hàng Việt (với trên 90%); đồng thời dự kiến chuẩn bị khoảng 400 tấn thịt tươi đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
P.Nhung
|
Thanh Nhân
người lao động
|