Đánh cắp thông tin thẻ ngày càng tinh vi
Thông tin thẻ thanh toán của người dùng ngày càng dễ bị đánh cắp và phương thức thực hiện của tội phạm ngay càng tinh vi hơn.
Người dùng thẻ cũng cần phải tự bảo vệ mình. Ảnh: TL.
|
Theo trưởng phòng thẻ chi nhánh một ngân hàng lớn tại TPHCM, trong thời gian qua đã có rất nhiều thủ đoạn lấy cắp thông tin qua thẻ để lấy tiền trong thẻ, cả thẻ nội địa và thẻ quốc tế, và các cách thức làm của tội phạm ngày càng tinh vi, thường chỉ khi khách hàng bị mất tiền rồi, báo cho ngân hàng thì ngân hàng mới kiểm tra lại được. Và trong nhiều trường hợp, ngân hàng cũng không biết cách nào mà tội phạm có được thông tin thẻ để làm thẻ giả và giao dịch ở nhiều nơi.
Hiện tại có một số cách mà tội phạm đánh cắp thông tin thường thực hiện. Đối với giao dịch trực tuyến, họ sẽ mở ra các trang web, trong đó có bán hàng trực tuyến nhưng chủ yếu là tổ chức các trò chơi có thưởng, mà để tham gia, khách hàng phải điền đầy đủ thông tin vào, sau đó sẽ nạp khoản tiền ban đầu, chỉ khoảng 1 vài đô la Mỹ. Từ đó, tội phạm sao chép thông tin trên thẻ, làm thẻ giả và đi giao dịch.
Giao dịch trực tuyến đôi khi còn có hiện tượng mua bán tại các trang web nhỏ, chủ trang web không thông đồng với tội phạm, nhưng do bảo mật kém nên khách hàng khi dùng thẻ để mua hàng cũng bị lấy cắp thông tin.
Theo vị này, đã có trường hợp khách hàng mua hàng trực tuyến, thanh toán bằng thẻ, sau đó, phát hiện hạn mức thấu chi của mình đã bị sử dụng hết. Khi khách hàng báo với ngân hàng, ngân hàng kiểm tra thông tin mới thấy rằng thẻ này đang được dùng để giao dịch ở một cửa hàng tại nước khác, trong khi vị khách này không đi xuất ngoại trong thời gian đó.
Còn với giao dịch tại các cửa hàng, nhân viên cà thẻ sẽ cà trên một thiết bị khác ngoài máy chấp nhận thẻ (POS) để lấy thông tin khách hàng, và thường thì đối với ở các cửa hàng ăn uống, khách dễ bị mất thông tin hơn, do không đứng thanh toán tại quầy nên không thấy nhân viên cà thẻ ra sao.
Một rủi ro khác khi giao dịch qua thẻ là rút tiền tại các máy ATM. Gần đây nở rộ hiện tượng tội phạm đến lắp các thiết bị sao chép dữ liệu tại các máy ATM và sau đó làm ra hàng loạt thẻ giả. Điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến người dùng thẻ.
“Hiện tại thẻ từ được bán đầy rẫy trên mạng nên những người làm giả thẻ thanh toán không khó để mua, giá cũng rất rẻ, nên chỉ cần có thông tin đã lấy cắp, chép vào dải từ là thẻ có thể dùng được”, vị này nói thêm.
Theo như ông Nguyễn Đình Quý, Giám đốc Trung tâm thẻ Eximbank, tội phạm đánh cắp thông tin thẻ thường là những người am hiểu về thẻ, về công nghệ thông tin nên không dễ cho ngân hàng để đối phó.
Còn theo ông Lê Huỳnh Hà, trưởng phòng thẻ ATM của Chi nhánh Vietcombank TPHCM, đối với việc giao dịch qua mạng bằng thẻ tín dụng, còn có thêm một cách thức là ăn cắp thông tin ngay trên đường truyền dữ liệu, đây là một hình thức khó thực hiện, nên chỉ những người rất am hiểu về công nghệ mới thực hiện được.
Tuy vậy, việc nâng cao tính bảo mật cho thẻ luôn được các ngân hàng chú trọng. Theo ông Quý, hiện tại với giao dịch trực tuyến, Eximbank buộc phải áp dụng thêm các biện pháp bảo mật, như xác nhận thanh toán trực tuyến (3D Secure), tức khi phát sinh giao dịch, mã xác thực được gửi về điện thoại của khách hàng để khách hàng nhập vào trang web, sau đó quá trình thanh toán mới được thực hiện.
Hay với máy POS, khách hàng sẽ cầm thẻ và đưa sát vào máy POS để thanh toán, máy này sẽ có bộ phận cảm ứng nhận, tránh trường hợp đưa thẻ cho nhân viên và bị mất thông tin. Đối với việc giao dịch qua máy ATM, ông Quý cho biết hiện tại, ngân hàng đang chuẩn bị triển khai xác thực bằng vân tay khi giao dịch qua máy ATM để tránh cho khách hàng dùng thẻ sẽ mất thông tin, trong đó có mật mã thẻ.
Còn theo ông Hà, hiện nay, với thẻ thanh toán quốc tế, các tổ chức phát hành thẻ như Visa, MasterCard luôn cung cấp cho các ngân hàng phần mềm chống sao chép dữ liệu, và bản thân các ngân hàng để có thể bảo mật cho thẻ cũng thường xuyên nâng cấp các phần mềm giúp cho bảo mật thẻ. Với thẻ Vietcombank, thường thì các thẻ sẽ bị khóa, khi muốn giao dịch trực tuyến, khách hàng phải nhắn tin, hoặc vào trang web của ngân hàng yêu cầu ngân hàng mở thẻ. Đây là cách thức để nếu khách hàng bị mất thông tin, người đánh cắp cũng không thể giao dịch được.
Song, theo những người phụ trách thẻ tại các ngân hàng, và kể cả tổ chức phát hành thẻ là MasterCard đều cho rằng khả năng bẻ khóa thì ở bất cứ đâu, hay ngành nghề nào cũng có. Và tội phạm về thẻ ngày càng tinh vi. Vì vậy, việc tăng cường bảo mật không chỉ từ phía tổ chức phát hành thẻ, hay ngân hàng, mà chính cả người dùng cũng nên cẩn trọng trong mọi tình huống giao dịch. Cụ thể như không cho mượn thẻ bừa bãi, hay vào các trang web không uy tín và khi giao dịch tại ATM thì nên tuân thủ những quy định của ngân hàng để tránh mất thông tin trên thẻ.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cảnh báo về việc lừa đảo với thẻ thanh toán quốc tế. Thủ đoạn cụ thể là cơ quan công an phát hiện một số đối tượng dùng thủ đoạn dụ dỗ nhiều người dân làm thẻ thanh toán quốc tế tại các ngân hàng ở Việt Nam rồi mua lại và mang ra nước ngoài sử dụng vào các mục đích lừa đảo, rút tiền mặt tại nước ngoài hoặc chuyển tiền từ tài khoản của người bị hại.
Sau đó, cơ quan này đã ra văn bản yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán kiểm soát chặt chẽ quy trình mở và sử dụng tài khoản, quy trình phát hành thẻ (đặc biệt là các thẻ thanh toán quốc tế), tăng cường thực hiện chính sách nhận biết khách hàng (KYC), thường xuyên rà soát các giao dịch của thẻ mới mà hoạt động ở nước ngoài sau khi nhận tiền ở Việt Nam thì rút hết ngay ở nước ngoài. Khi phát hiện thông tin nghi vấn thì cần báo cơ quan công an để phối hợp xác minh làm rõ.
NHNN yêu cầu các ngân hàng phổ biến, thông báo đến từng nhân viên, khách hàng đến mở tài khoản, phát hành thẻ, về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để qua công tác nghiệp vụ có thể phòng ngừa, phát hiện kịp thời các dấu hiệu tội phạm.
Thanh Thương
thời báo kinh tế sài gòn
|