Cuộc chạy trốn của Dương Chí Dũng: Đỉnh cao quyền lực
Sinh ra trong một gia đình danh giá bậc nhất ở Hải Phòng, chỉ trong vòng 10 năm từ một công nhân xuất khẩu lao động bị thất nghiệp, Dương Chí Dũng đã leo lên ghế Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines).
* Phải đổi tiền 500.000 đồng để đưa Dương Chí Dũng
* Ông Dương Chí Dũng bị đề nghị án tử hình
* Ngày thứ 3 xét xử Dương Chí Dũng: tranh tụng, lời cuối và... đọc thơ
Và cũng từ đây, ông ta liên tiếp phạm sai lầm, đẩy bản thân, anh em ruột vào vòng lao lý, hủy hoại truyền thống gia đình.
Với hành vi bỏ trốn, Dương Chí Dũng đã kéo em trai Dương Tự Trọng (trái) vào vòng lao lý
|
Tháo chạy khỏi Vinawaco
Nói lời sau cùng tại phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ tham nhũng tại Vinalines vào ngày 14.12, Dương Chí Dũng cho biết: “Bị cáo sinh ra trong một gia đình nội ngoại đều có truyền thống cách mạng. Bản thân bị cáo từ nhỏ đã nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp chung của gia đình và cũng học hỏi cầu thị. Bị cáo có 2 bằng đại học, tiến sĩ kinh tế, đã vinh dự được là đại biểu chính thức dự Đại hội Đảng lần thứ 11”.
Trước thời điểm bị khởi tố rồi bị bắt giam, gia đình của Dương Chí Dũng được coi là danh giá bậc nhất ở đất cảng Hải Phòng. Dũng là con cả trong gia đình có 4 anh em, có bố là đại tá Dương Khắc Thụ, nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng - người từng được mệnh danh là khắc tinh của tội phạm đất cảng. Các em của Dương Chí Dũng đều làm việc trong ngành công an, trong đó Dương Tự Trọng từng giữ chức Phó giám đốc Công an Hải Phòng, một em rể cũng là Phó giám đốc công an thành phố này.
Là người duy nhất không nối nghiệp bố, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Dương Chí Dũng chọn con đường đi xuất khẩu lao động ở Cộng hòa dân chủ Đức vào những năm cuối thập niên 1980. Sang Đức làm công nhân được một thời gian thì bức tường Berlin sụp đổ, nhà máy bị đóng cửa, Dũng buộc phải trở về nước và xin vào làm tại văn phòng Công đoàn Cảng Hải Phòng.
Đầu năm 1994, Dũng về làm cán bộ Liên hiệp Các xí nghiệp nạo vét và sau đó làm phó giám đốc cho Công ty nạo vét sông 1. Trong thời gian này, Dũng đã đi học lớp tại chức tại Đại học Hàng hải, tiếp đó học lấy bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ kinh doanh thương mại. Từ những tấm bằng này, Dương Chí Dũng đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty nạo vét sông 1. Đến tháng 9.2003, Dũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng đường thủy (Vinawaco). Trong vòng 2 năm Dũng làm lãnh đạo, Vinawaco lâm vào cảnh thua lỗ nặng nề, bị kiện cáo khắp nơi. Tháng 8.2005, Dũng “tháo chạy” khỏi Vinawaco để lên ngồi chức Tổng giám đốc Vinalines, một năm sau đó lên ghế chủ tịch HĐQT của công ty này.
Cục trưởng... 3 tháng
Thời điểm Dương Chí Dũng giữ chức chủ tịch HĐQT, Vinalines được coi là doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước “khủng” với 19 công ty con, 31 công ty liên kết và 11 đơn vị phụ thuộc và khoản vốn điều lệ lên hàng ngàn tỉ đồng. Đây cũng là thời điểm mà quyền lực của Dương Chí Dũng đạt đến đỉnh cao, khi một chữ ký là có thể quyết định số phận hàng ngàn tỉ đồng của nhà nước. Đơn cử, ngày 27.6.2007, Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Nhà máy sửa chữa tàu thủy phía nam tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỉ đồng. Hơn 1 năm sau, Dũng đã ký quyết định cho nhà máy này “đội vốn” lên con số 6.498 tỉ đồng.
Tháng 9.2011, Thanh tra Chính phủ bắt đầu cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác sử dụng vốn, tài sản tại Vinalines giai đoạn 2007 - 2010. Công bố kết luận thanh tra sau đó cho thấy trong giai đoạn Dương Chí Dũng làm lãnh đạo, Vinalines đã đầu tư mua sắm nhiều tàu cũ không khai thác được, đầu tư nhiều cảng biển, nhà máy trái nguyên tắc và liên tục thua lỗ với con số cả ngàn tỉ đồng. Đáng chú ý, trong số này có dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam với hạng mục ụ nổi 83M, tính toán ban đầu chỉ đầu tư 9 triệu USD nhưng sau đó “đội vốn” lên gần 20 triệu USD. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xem xét trách nhiệm của lãnh đạo Vinalines trong việc để xảy ra các sai phạm trên đồng thời chuyển hồ sơ vụ ụ nổi 83M sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Tuy nhiên, trước thời điểm thanh tra công bố các bê bối ở Vinalines ít ngày thì vào ngày 8.2.2012, Dương Chí Dũng đã được Bộ GTVT bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải VN.
Trước đó, ngày 1.2.2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án tham ô tài sản, khởi tố 4 bị can trong đó có Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty THNH sửa chữa tàu biển Vinalines, do gửi giá, nâng khống khối lượng sửa chữa ụ nổi 83M để tham ô 3,1 tỉ đồng.
Mở rộng điều tra các sai phạm liên quan đến ụ nổi này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án cố ý làm trái, đến chiều 17.5.2012 tống đạt quyết định khởi tố vụ án đối với Dương Chí Dũng, nhưng Dũng đã kịp thời bỏ trốn, dù sáng cùng ngày vẫn đến cơ quan làm việc.
“Người quen” khuyên bỏ trốn
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, chiều 17.5.2012, Dũng “biết thông tin bị khởi tố, bắt giam” nên thông báo cho em trai là Dương Tự Trọng, khi đó là Phó giám đốc Công an TP.Hải Phòng, và được hướng dẫn tạm thời trốn tại nhà bạn gái của Trọng, để sau đó bắt đầu cuộc trốn chạy qua hàng ngàn cây số.
Tại tòa, Dương Chí Dũng khai: Vào khoảng 18 giờ ngày 17.5.2012 đã nhận được một cuộc gọi từ “người quen” báo bị khởi tố bắt giam, nên trong cơn hoảng loạn đã bỏ trốn, càng xa Hà Nội càng tốt. Tuy nhiên, khi Hội đồng xét xử hỏi “người quen” này là ai, Dũng cho biết đã khai tại cơ quan điều tra, đây là tình tiết liên quan đến vụ án khác nên “xin phép” không khai ra ở đây.
Thái Uyên - Hoàng Trang
thanh niên
|