Thứ Hai, 16/12/2013 08:49

Truy tố bầu Kiên 4 tội danh

Theo Viện KSND tối cao, tổng số tiền thiệt hại do Nguyễn Đức Kiên gây ra được xác định là 1.696 tỉ đồng, chưa kể hơn 433 tỉ đồng tiền lỗ kinh doanh vàng của Công ty Thiên Nam đến nay chưa trả được.

Địa chỉ 63 Lương Sử C, Hà Nội, nơi đặt trụ sở Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B của bầu Kiên

Viện KSND tối cao vừa tống đạt cáo trạng vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Á Châu (ACB) và một số doanh nghiệp, truy tố 7 bị can ra TAND TP Hà Nội để xét xử theo pháp luật.

Theo cáo trạng, bị can Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), nguyên phó chủ tịch HĐQT, phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB, bị truy tố bốn tội danh “kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trốn thuế”. Hai bị can Trần Ngọc Thanh, giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội; Nguyễn Thị Hải Yến, kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị can Trần Xuân Giá, nguyên chủ tịch HĐQT ACB; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, đều nguyên phó chủ tịch ACB; Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc ACB, bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thao túng ACB

Cáo trạng của Viện KSND tối cao nêu rõ Nguyễn Đức Kiên là chủ tịch hội đồng đầu tư ACB từ năm 2003 đến tháng 8-2012, phó chủ tịch HĐQT ACB từ 1994 -2008. Năm 2007, bầu Kiên đề nghị HĐQT lập hội đồng sáng lập ACB và làm phó chủ tịch. Dù không được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y nhưng với chức danh này và là đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ của ACB, Nguyễn Đức Kiên có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành của ACB.

Ngoài ra, bầu Kiên còn thành lập, đồng thời là chủ tịch HĐQT/hội đồng thành viên của sáu công ty gồm: Công ty CP phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam, Công ty CP đầu tư thương mại B&B (B&B), Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu (AFG), Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), Công ty CP đầu tư Á Châu (ACI) và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN). Nguyễn Đức Kiên trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động các công ty này. Với quyền lực trong tay tại ACB và ở sáu công ty của mình, bầu Kiên đã thực hiện việc kinh doanh trái phép hàng chục nghìn tỉ đồng và nhiều hành vi phạm tội khác.

Theo Viện KSND tối cao, tổng số tiền thiệt hại do Nguyễn Đức Kiên gây ra được xác định là 1.696 tỉ đồng, chưa kể hơn 433 tỉ đồng tiền lỗ kinh doanh vàng của Công ty Thiên Nam đến nay chưa trả được.

Vay tiền ngân hàng mua cổ phần ngân hàng

Theo cáo trạng, Nguyễn Đức Kiên đã sử dụng năm công ty B&B, AFG, ACBI, ACI, ACI-HN dù không có chức năng nhưng vẫn kinh doanh tài chính với số tiền gần 10.000 tỉ đồng. Cụ thể, ngày 30-11-2010, Nguyễn Đức Kiên đã phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu của Công ty B&B và bán cho ACB. Số tiền này Công ty B&B chuyển 426,3 tỉ đồng cho Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) để mua 36 triệu cổ phiếu Công ty CP bất động sản Hòa Phát - Á Châu. Nguyễn Đức Kiên ủy thác cho vợ là Đặng Ngọc Lan 39 tỉ đồng và hai cá nhân khác 285,6 tỉ đồng mua cổ phiếu của Ngân hàng CP VN Thương Tín (VietBank). Còn lại, bầu Kiên ủy thác hoặc chuyển cho các công ty, cá nhân mua cổ phần của các công ty khác. Tổng cộng, Công ty B&B mua cổ phần, góp vốn vào các công ty khác gần 2.349 tỉ đồng.

Quy trình kinh doanh trái phép của Nguyễn Đức Kiên theo cáo trạng

Tương tự, Nguyễn Đức Kiên sử dụng pháp nhân Công ty ACBI phát hành 800 tỉ đồng trái phiếu bán cho ACB. Tiền thu được từ ACB, công ty này chi gần 700 tỉ đồng để nhận chuyển nhượng 9,67 triệu cổ phiếu Ngân hàng CP Kỹ Thương (Techcombank) từ 12 cá nhân. Số còn lại, ACBI chuyển cho Công ty ACI vay để mua cổ phiếu Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN (Eximbank).

Cùng với phát hành trái phiếu để mua cổ phiếu ngân hàng, bầu Kiên còn chỉ đạo ACBI đầu tư hàng trăm tỉ đồng và nắm cổ phần ở hàng loạt công ty như Công ty CP ximăng Hòa Phát, Công ty CP thương mại dịch vụ Bắc Qua, Công ty CP thương mại Lãng Yên, Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh siêu thị Á Châu... Riêng tại ACBI, Viện KSND tối cao cáo buộc Nguyễn Đức Kiên kinh doanh trái phép hơn 1.433 tỉ đồng.

Tại Công ty AFG, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo sử dụng số vốn điều lệ 3.200 tỉ đồng để mua 160.000 trái phiếu của ACB. Sau đó đến tháng 3-2008, Công ty AFG phát hành 400 tỉ đồng trái phiếu đợt 1 và bán cho Ngân hàng CP Phương Nam. Lấy được tiền từ ngân hàng, Nguyễn Đức Kiên sử dụng số tiền này đầu tư vào các công ty nằm trong hệ thống của mình. Tổng số tiền kinh doanh tài chính trái quy định tại AFG của Nguyễn Đức Kiên lên đến 4.068 tỉ đồng.

Tại Công ty ACI, sau khi nhận được hơn 190 tỉ đồng từ Công ty B&B, 63 tỉ đồng từ Công ty AFG, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo mua 37,5 triệu cổ phần của Công ty CP đầu tư và thương mại Nhà Rồng, mua 6,375 triệu cổ phần của Công ty CP dịch vụ hàng hóa Sài Gòn. Bên cạnh đó, để đầu tư cổ phiếu Công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ngày 10-3-2008 ACI phát hành 500 tỉ đồng trái phiếu bán cho Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL. ACI chi 350 tỉ đồng cho mười công ty để đầu tư cổ phiếu Sabeco.

Không thua kém các công ty khác, ACI-HN cũng phát hành trái phiếu bán cho ngân hàng để lấy tiền đầu tư tài chính. Ngày 29-7-2010, ACI-HN phát hành 350 tỉ đồng trái phiếu và bán liền tay cho VietBank, sau đó tiền được chuyển cho Công ty TNHH chứng khoán ACB (ACBS) để mua lại gần 11 triệu cổ phiếu ACB. Đến ngày 10-11-2010,

ACI-HN phát hành 11 triệu trái phiếu, sau đó bán 6,5 triệu trái phiếu cho ACB được 650 tỉ đồng và chuyển cho các ông Nguyễn Văn Hòa (kế toán trưởng ACB), Đỗ Minh Toàn (thành viên hội đồng thành viên ACBS), Lê Vũ Kỳ, Huỳnh Vân Sơn để đứng tên thay cho Nguyễn Đức Kiên mua cổ phần Ngân hàng Đại Á (DaiABank). Một phần khoản tiền trên tiếp tục được ACI-HN ủy thác cho ACB 58,5 tỉ đồng để mua 58.500 cổ phiếu của VietBank.

Ngoài tiền bán trái phiếu, ACI-HN còn sử dụng tiền của mình, ủy thác cho ACB mua 17.500 cổ phiếu của VietBank; sử dụng 198 tỉ đồng thông qua các ông Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Đàm Văn Tuấn đứng tên mua 19,8 triệu cổ phiếu KienLongBank; sử dụng hơn 129 tỉ đồng và thông qua các ông Đỗ Minh Toàn, Nguyễn Văn Hòa, Huỳnh Vân Sơn để mua gần 20 triệu cổ phần DaiABank. Như vậy, hầu hết thành viên HĐQT của ACB đều được Nguyễn Đức Kiên nhờ mua hộ cổ phần tại các ngân hàng khác. Đó là chưa kể ACI-HN còn chi hơn 234 tỉ đồng để mua gần 16 triệu cổ phiếu Eximbank trên sàn giao dịch chứng khoán...

Kinh doanh vàng trái phép, lỗ hơn 433 tỉ đồng

Ngoài việc kinh doanh tài chính trái phép, Nguyễn Đức Kiên còn chỉ đạo kinh doanh vàng dù Công ty Thiên Nam không có chức năng kinh doanh vàng. Công ty này bị thua lỗ hơn 433 tỉ đồng. Cũng liên quan đến hành vi kinh doanh vàng, Viện KSND tối cao cáo buộc Nguyễn Đức Kiên trốn thuế hơn 25 tỉ đồng khi lợi dụng chủ trương miễn thuế thu nhập cá nhân sáu tháng đầu năm 2009 bằng cách chuyển lợi nhuận từ công ty sang cho cá nhân.

Diễn biến vụ việc

* Ngày 20-8-2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “kinh doanh trái phép” xảy ra tại Công ty B&B, ACBI và ACB-HN. Khởi tố và bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Kiên về tội danh trên.

* Ngày 23-8-2012, khởi tố và bắt tạm giam bị can Lý Xuân Hải về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

* Ngày 17-9-2012, khởi tố bổ sung đối với bị can Nguyễn Đức Kiên; khởi tố và bắt tạm giam đối với Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

* Ngày 27-9-2012, khởi tố bị can đối với các ông Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang; khởi tố bổ sung đối với Nguyễn Đức Kiên về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

* Ngày 31-5-2013, khởi tố bổ sung đối với Nguyễn Đức Kiên về tội “trốn thuế”.

* Tháng 8-2013, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận điều tra vụ án, đề nghị Viện KSND tối cao truy tố tám bị can.

* Ngày 12-12-2013, Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng vụ án, truy tố bảy bị can với bốn tội danh. Đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang.

Minh Quang

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Một năm của các bộ trưởng: “Dấu lặng” của ông Vũ Huy Hoàng (16/12/2013)

>   Vụ “7 ngân hàng tranh chấp 1 kho càphê”: Chuyển hồ sơ xem xét hình sự (16/12/2013)

>   Vụ “7 ngân hàng tranh chấp 1 kho càphê”: Chuyển hồ sơ xem xét hình sự (16/12/2013)

>   Giả mạo cán bộ Thuế lừa đảo xin tiền tết của DN (15/12/2013)

>   Ngày thứ 3 xét xử Dương Chí Dũng: tranh tụng, lời cuối và... đọc thơ (14/12/2013)

>   Ông Dương Chí Dũng bị đề nghị án tử hình (13/12/2013)

>   Phải đổi tiền 500.000 đồng để đưa Dương Chí Dũng (13/12/2013)

>   Tạp chí New York giảm nửa kỳ phát hành, đầu tư báo điện tử (13/12/2013)

>   Bí thư Đà Nẵng “không tiện nêu tên” nhà băng cho vay lãi cao (13/12/2013)

>   Một năm của các bộ trưởng: Thống đốc Bình “đánh bài ngửa” (13/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật