Chỉ còn nửa tháng để “dứt điểm” ngân hàng yếu kém
Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2013 cơ quan này đặt kế hoạch đảm bảo xử lý dứt điểm, căn bản các tổ chức tín dụng yếu kém, đúng mục tiêu đặt ra tại đề án cơ cấu lại hệ thống giai đoạn 2011 - 2015.
Trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã xác định và từng bước xử lý 9 ngân hàng thương mại yếu kém. Đến nay, 8/9 trường hợp này đã có phương án và đã triển khai tái cơ cấu. Riêng một trường hợp còn lại đang được Ngân hàng Nhà nước xem xét, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án tự củng cố, chấn chỉnh trên cơ sở có sự tham gia vốn của tổ chức tín dụng nước ngoài.
Phương án cơ cấu lại của 8/9 ngân hàng đã thực hiện, theo Ngân hàng Nhà nước, là đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, cơ quan này chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc nào.
“Nhìn chung, các ngân hàng yếu kém đều đã và đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục các sai phạm dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Nhờ đó, tình hình hoạt động của các ngân hàng này đã ổn định và cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện cơ cấu lại; các tỷ lệ an toàn hoạt động, khả năng chi trả được cải thiện và cơ bản đảm bảo quy định; huy động vốn từ dân cư tăng khá, nợ xấu đã tích cực được xử lý và thu hồi; các vi phạm về tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, vi phạm về cấp tín dụng đang được khắc phục, xử lý; hệ thống quản trị và tổ chức bộ máy, mạng lưới từng bước được củng cố, chấn chỉnh...”, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Ngoài ra, bên cạnh việc tập trung xử lý 9 ngân hàng yếu kém nói trên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đánh giá và xác định thêm 8 tổ chức tín dụng yếu kém khác (2 ngân hàng thương mại cổ phần và 6 tổ chức tín dụng phi ngân hàng) và yêu cầu các tổ chức này này xây dựng phương án cơ cấu lại trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt để đảm bảo xử lý dứt điểm, căn bản các tổ chức tín dụng yếu kém trong năm 2013.
Như vậy, thời gian còn lại của năm 2013 chỉ hơn nửa tháng nữa, kết quả xử lý dứt điểm theo kế hoạch trên vẫn còn để ngỏ, đặc biệt là ở 8 tổ chức tín dụng yếu kém mới xác định thêm.
Trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, hiện đã có ngân hàng nước ngoài bày tỏ nhu cầu mua cổ phần chi phối tại một ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém để cơ cấu lại ngân hàng này và các bên đang triển khai các bước để tiến tới mua bán cổ phần.
Ngoài nhóm trên, đối với các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần khác, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang chỉ đạo hoàn thiện phương án cơ cấu lại từ nay đến năm 2015, phù hợp với thực trạng hoạt động của từng ngân hàng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại và tiến hành cơ cấu lại tổ chức bộ máy, mạng lưới và nhân lực, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại tài sản, điều chỉnh lại hoạt động đầu tư gắn với xử lý những sai phạm, yếu kém phát hiện qua thanh tra và tái cơ cấu của các công ty con.
Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận phương án tái cơ cấu của 24/25 ngân hàng thương mại cổ phần và đã phê duyệt phương án tái cơ cấu của 11/25 trường hợp, đang xem xét phê duyệt phương án tái cơ cấu của 4 ngân hàng cổ phần khác, chỉ đạo 9 ngân hàng cổ phần bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung trong phương án tái cơ cấu và yêu cầu 1 ngân hàng còn lại (Bảo Việt) gửi phương án tái cơ cấu theo đúng quy định.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo triển khai cơ cấu lại các ngân hàng liên doanh phù hợp với Quyết định 254/QĐ-TTg và định hướng hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng giữa Việt Nam và các nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ định hướng xử lý đối với hai ngân hàng liên doanh (Việt Thái, VID Public) chưa đảm bảo mức vốn điều lệ theo quy định; rút giấy phép, đóng cửa một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động không có hiệu quả hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, chuyển giao tài sản, công nợ sang đơn vị trực thuộc của cùng ngân hàng mẹ hoạt động ở Việt Nam.
Về tình hình chung, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, kết quả cơ cấu lại của từng nhóm tổ chức tín dụng cho thấy, việc cơ cấu lại trong năm 2012 chủ yếu mang tính bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém có nguy cơ đổ vỡ, nhưng sang năm 2013 việc cơ cấu lại đã mang tính chủ động và tự nguyện từ các tổ chức tín dụng.
Nhật Nam
vneconomy
|