Thứ Sáu, 20/12/2013 09:36

Bức tranh đối lập giữa kinh tế vỉa hè và trung tâm thương mại

Thành phố phát triển, một loạt chợ truyền thống được chuyển đổi chức năng trở thành trung tâm thương mại ngự trị tại những “khu đất vàng” của thành phố. Thế nhưng, chợ kiểu mới đâu chẳng thấy, chỉ biết ngày càng nhiều tiểu thương thà “phơi mặt” ngoài đường để bán được hàng còn hơn “nhốt mình” trong ki ốt được quy hoạch chỉ để đuổi ruồi và tán gẫu. Vì đâu nên nỗi?.

Có lẽ, cái “nỗi” nặng nhất khiến các chợ truyền thống “bùng phát” biến thành trung tâm thương mại là do các khu chợ này “cứ tự dưng” ở toàn vào những vị trí đắc địa, “tấc đất tấc vàng”, mà lại chỉ để làm chợ thì… phí quá, vì thế, những dự án biến nơi đây thành khu trung tâm mua sắm, dưới hầm là chợ, trên chút nữa là siêu thị, trên tẹo nữa là trung tâm mua sắm và các tầng còn lại là văn phòng lẫn chung cư thì quá hợp lý, nghe thế ai chẳng muốn… gật đầu đồng ý.

Nhưng những hộ kinh doanh trong chợ thì hiểu rằng họ đã bị “cướp trắng” chỗ kinh doanh buôn bán lâu đời, vì thế mà hết chợ Mơ đến Hàng Da, rồi chợ Bưởi… dù đã xây xong lâu rồi nhưng các hộ kinh doanh trong chợ mới ngày càng lèo tèo, thay vào đó, họ thà phơi mặt ra đường nhưng bán được hàng còn hơn “đuổi ruồi” trong khung cảnh hiện đại. Đến nỗi, một ki ốt khi mới xây trong tầng hầm trung tâm thương mại Hàng Da sang nhượng với giá 400 triệu đồng, giờ thì cho mượn không cũng chẳng đắt khách.

Theo báo cáo mới nhất của UBND TP. Hà Nội về thực trạng các khu chợ kiểu mới đã cho thấy, tính đến đầu tháng 12/2013, chợ Hàng Da đã có 200/636 hộ nghỉ kinh doanh, hoặc chuyển nhượng cửa hàng. Còn tại chợ Cửa Nam, tình trạng bi đát hơn nhiều khi 62/62 hộ, nghĩa là 100% các tiểu thương ở đây đã nghỉ kinh doanh hoặc sang nhượng cho chủ khác. Cùng với đó, tại chợ Ô Chợ Dừa cũng có 100/100 hộ kinh doanh lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Để “hâm nóng” lại thị trường và lấp đầy chỗ trống, chủ đầu tư trung tâm thương mại chợ Hàng Da đã quyết định sẽ miễn phí thuê mặt bằng trong 5 tháng, từ tháng 12/2013 đến hết tháng 4/2014 cho các tiểu thương muốn kinh doanh tại đây. Theo thông tin trên VnEconomy ngày 12/12/2013, các hộ kinh doanh sẽ chỉ phải trả chi phí điện nước không quá 2 triệu đồng/tháng trong 5 tháng này, đồng thời, trung tâm thương mại này sẽ đổi tên là Hanoi Square để “giải đen”.

Coi thường “kinh tế vỉa hè” và gánh hàng rong

Trong khi các trung tâm thương mại- chợ mới ế ẩm, thì như một quy luật tự nhiên, nền “kinh tế vỉa hè” vẫn rất phát triển bởi đã nằm trong thói quen sinh hoạt của phần lớn cư dân đô thị Việt Nam có truyền thống văn hóa làng xã. Đến nỗi, những bà nội trợ dù đi “xế hộp” vẫn ghé vào mua hàng rong bên đường, mặc cho chuyện đậu xe của mình làm tắc nghẽn giao thông. Nhưng đó là do các vị lãnh đạo thành phố không biết quy hoạch, tổ chức cho người dân buôn bán trong một chừng mực nhất định, hơn nữa, không coi trọng nền kinh tế phi chính thức này nên sẵn sàng vì “bộ mặt” đô thị, phát triển thành phố theo những lộ trình khó hiểu để xóa bỏ và không công nhận “kinh tế vỉa hè”.

Theo quan điểm của nhà báo Nguyễn Vạn Phú ( Thời báo Kinh tế Sài Gòn) thì “kinh tế vỉa hè” là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế phi chính thức. Trong một số nghiên cứu cho thấy nền kinh tế này hiện chiếm 30% nền kinh tế chính thức, có vai trò như tấm bình phong che chắn bão tố, làm giảm nhẹ những cơn khủng hoảng dội vào Việt Nam… Ngoài ra, kinh tế vỉa hè cũng giúp xã hội giải quyết những bất ổn, tệ nạn sinh ra do những lao động thất nghiệp tăng cao, trong khi đó, người dân biết tự xoay xở, sống “đắp đổi” qua ngày, như thế, chính các nhà lập kế hoạch chính sách cũng đỡ phải đối diện với những vấn đề an sinh xã hội khi kinh tế khó khăn.

Thế nhưng, chính quyền các thành phố lớn dường như không muốn hiểu, vì thế mà nay họ mở chiến dịch dẹp kinh tế vỉa hè, mai lại cho dân phòng đi tuần hàng ngày “quét” qua, “bắt nạt” những con người cô thế. Ai nộp tiền thì được ngồi lại, ai bỡ ngỡ chưa biết gì thì bị “đạp đổ” gánh hàng rong - có khi là cả nguồn sống của những gia đình nghèo khó.

Địa chỉ facebook Nguyễn Hồng Kiên đã chia sẻ một câu chuyện cảm động, khi ngày nào anh cũng ghé mua xôi chỗ quen: “Chị bán xôi “nước mắt ngắn dài” hỏi cháu mua mấy nghìn. Nhà cháu móc ra 10.000 đồng, chị ấy vén tấm bao tải ủ thúng xôi móp méo, moi ra cho nhà cháu một gói, bảo: - Bác mua hơn em cũng chả dám bán ! Hỏi ra mới biết, chị ấy vừa bị công an và dân phòng đuổi, hất đổ cả thúng xôi xuống đất. Chỗ dính đất đành mang về nhà ăn, cố vét bán cho nhà cháu chỗ sạch. Mà đây là lần thứ ba trong tuần này chị rơi vào tình cảnh như thế. Nhà cháu hỏi lại: - Có biển cấm buôn bán ở vỉa hè này đâu. Quán cà phê kia lấn gần hết vỉa hè đấy thôi, sao chị ngồi bán xôi lại bị đuổi?.Chị ấy bảo không biết”.

Tình trạng tương tự cũng được anh Trần Quốc Thống, quận Gò Vấp, TP.HCM, chia sẻ: chắc hẳn, người dân TP.HCM, ai cũng một vài lần chứng kiến lực lượng chức năng thu gom đồ bán hàng của người bán hàng rong đứng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Những hình ảnh này tuy gây mất mỹ quan đô thị , nhưng người dân sẽ không bức xúc đến mức phẫn nộ nếu như ở những tuyến đường mà người bán hàng rong bị đuổi, bị phạt một cách gắt gao không tồn tại hàng loạt các tụ điểm kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè, cùng với đó là hàng chục chiếc taxi ngang nhiên lấy lòng đường, vỉa hè làm bến bãi.

Thậm chí, theo phản ánh của báo Sài gòn tiếp thị, trong khi lực lượng chức năng vừa phạt 4 chiếc xe máy đỗ dưới lòng đường Phú Hoà thì ngay cạnh đó, 5 xe gắn máy của một quán ăn, nước giải khát (góc Phú Hoà – Thủ Khoa Huân) cũng trong tình trạng tương tự lại không hề bị lực lượng chức năng “hỏi thăm”. Chưa kể, ngay bên cạnh trụ sở công an phường 8, quận Tân Bình cũng có một bãi giữ xe gia đình với hàng chục chiếc xe đang chiếm hết vỉa hè nhưng cũng không hề hấn gì. Những cảnh “chướng tai, gai mắt” như thế còn rất nhiều nhưng cũng bởi những gánh hàng rong “thấp cổ bé họng” nên đành chịu thiệt.

Thực chất, chuyện bán hàng rong và việc phát triển kinh tế vỉa hè không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nước khác trên thế giới, nó có ở cả những nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ...nơi có nền “văn hóa siêu thị” rất phát triển. Theo thông tin trên Infonet, một thống kê không chính thức hồi cuối năm 2012 cho biết, khu vực trung tâm của Bangkok (Thái Lan) hiện thường xuyên có khoảng 26.000 người bán hàng rong, Kuala Lumpur (Malaysia) có khoảng 35.000 người và tại thủ đô Manila (Philippines) có 52.000 người bán rong.

Nhà báo Nguyễn Vạn Phú cũng chia sẻ: Ngay cả ở New York, tại các quảng trường hoặc khu vực công cộng vẫn có xe đẩy bán hotdog, vẫn có sạp báo vỉa hè. Còn ở Tokyo, khi chiều xuống vẫn có những đường phố cấm xe để dân buôn bán tràn xuống đường giao dịch thoải mái”. Thậm chí họ còn coi hàng rong và kinh doanh vỉa hè như một phần tạo nên văn hóa, nét độc đáo của mỗi quốc gia bên cạnh những lợi ích về kinh tế, an sinh xã hội do những người bán hàng rong mang lại. Họ được tôn trọng, tạo điều kiện buôn bán bằng việc cung cấp phương tiện hành nghề và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm như tại Singapore, cũng như được công nhận là một thành phần đóng góp cho ngân sách quốc gia.

Vậy tại sao các nước phát triển và cả các nước láng giềng trong khu vực làm được mà Việt Nam lại lúng túng đến vậy?. Thậm chí, ông Nguyễn Vạn Phú đã bình luận: Trong khi Việt Nam có rất nhiều trường đại học với đầy đủ giáo sư, tiến sĩ về kinh tế học nhưng đáng tiếc là chẳng ai chịu làm những nghiên cứu về nền kinh tế vỉa hè để tham mưu chính sách đúng đắn cho chính quyền. Phải chăng, số phận và cuộc sống của người dân nghèo, bán hàng rong như “con ve cái kiến”, chẳng được mấy ai quan tâm, cho nên họ vẫn cứ tồn tại bên lề xã hội và không bao giờ được coi trọng, nên muốn “đè bẹp” lúc nào cũng được. Và vì thế, những gì đang diễn ra đã tạo nên một bức tranh đối lập giữa sự ế ẩm của trung tâm thương mại - chợ kiểu mới với nền kinh tế vỉa hè sôi động ngày càng sâu sắc, như một sự phản kháng, cũng như cho thấy sự tồn tại theo lẽ tự nhiên thì khó có nhà quản lý nào “dẹp” nổi.

Thuận Thục

sống mới online

Các tin tức khác

>   Bộ TTTT: Chỉ có 60% dân số Việt Nam dùng di động (19/12/2013)

>   Gần 5.000 container hàng bị... “bỏ quên” (19/12/2013)

>   Thị trường ASEAN – Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu VN (19/12/2013)

>   Đề xuất nhiều giải pháp nâng cao giá trị cá tra Việt Nam (19/12/2013)

>   Hầu hết các doanh nghiệp cổ phần “ăn nên làm ra” (19/12/2013)

>   Chỉ kiểm toán các Công ty mẹ thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty (19/12/2013)

>   Cuộc chiến mía đường: Lỗ hổng từ chính sách điều hành? (kỳ I) (19/12/2013)

>   Tỷ phú Nhật đặt chiến lược kinh doanh 100 năm tại VN (19/12/2013)

>   Tái cơ cấu DNNN vẫn như "đánh cờ nước một" (19/12/2013)

>   Từ chuyện “đấu khẩu” trong nhà" đến bàn đàm phán quốc tế (19/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật