Phố Wall giảm sốc bất chấp thành công của Twitter
Việc nhà đầu tư mạnh tay thu mua cổ phiếu Twitter đã khiến giá của cổ phiếu này tăng vọt ngay trong ngày đầu giao dịch trên sàn New York, song cả ba chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tuột dốc mạnh.
Hôm qua, Twitter chính thức lên sàn. Nhà đầu tư ồ ạt mua vào cổ phiếu này, khiến nhiều nhà phân tích lo sợ một đợt bong bóng dot-com khác bùng nổ trên thị trường. Giá cổ phiếu của Twitter tăng vọt tới 92% trong ngày. Chào sàn, giá cổ phiếu này đã tăng từ 26 USD (giá IPO) lên 45,10 USD và tiếp tục lên trên 50 USD.
Tính tới cuối ngày giao dịch, giá cổ phiếu của Twitter tăng 73% và dừng ở mức 44,90 USD. Khoảng 117 triệu cổ phiếu Twitter đã được giao dịch trong ngày. Theo giới phân tích, lý do khiến cổ phiếu Twitter trở nên "đắt giá" như vậy là do sự thành công trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của mạng xã hội này.
Mặc dù sự kiện Twitter lên sàn đã thu hút được hầu hết sự chú ý của nhà đầu tư Phố Wall, song các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ hầu như không được hưởng lợi từ đó. Chốt phiên giao dịch ngày 7/11, cả ba chỉ số chính đều thi nhau giảm điểm, với các mức giảm mà hầu hết các chuyên gia thị trường không ngờ tới.
Cụ thể, kết thúc ngày 7/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones tuột giảm tới 152,90 điểm, tương ứng với mức giảm 0,97%, xuống còn 15.593,98 điểm. Chỉ số S&P 500 gảm mạnh tới 23,34 điểm, tương ứng với mức 1,32% xuống còn 1.747,15 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 74,61 điểm, tương ứng 1,90%, còn 3.857,33 điểm.
Trong đó, chỉ số S&P 500 có ngày giảm điểm mạnh nhất từ tháng 8 cho tới nay. Còn chỉ số Nasdaq Composite ghi nhận mức giảm điểm mạnh nhất trong vòng một tháng. Sự đi xuống của các chỉ số chính trên thị trường chủ yếu là do ảnh hưởng bởi cổ phiếu của hãng công nghệ Qualcomm và cổ phiếu hãng sản xuất xe hơi Tesla.
Phiên giao dịch ngày 6/11, giá cổ phiếu của Qualcomm giảm mạnh tới 3,8% xuống còn 67,09 USD, thuộc vào hàng mạnh nhất trong số các cổ phiếu bị mất điểm thuộc chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100, sau khi hãng công nghệ này dự đoán doanh thu thấp hơn dự báo. Giá cổ phiếu của hãng sản xuất xe hơi Tesla Motor giảm 7,5%.
Một cổ phiếu khác cũng gây chú ý lớn và có tác động mạnh nhất tới sự đi xuống chỉ số Nasdaq là Whole Foods. Giá cổ phiếu này giảm tới 11% trong ngày sau khi hãng công bố báo cáo kinh doanh trong quý ba vừa rồi.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường bùng nổ, với khoảng 6,7 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, cao hơn mức giao dịch trung bình hàng ngày từ đầu năm 2013 cho tới nay. Hiện nhà đầu tư đang trông ngóng bản báo cáo việc làm, dự kiến sẽ được công bố trong ngày 8/11 (giờ Mỹ).
Theo giới phân tích, bản báo cáo việc làm này sẽ giúp nhà đầu tư xác định được khung thời gian để Cục Dự trữ Liên bang rút các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế Mỹ, vốn đã giúp S&P 500 tăng 24,1% kể từ đầu năm 2013 tới nay. Trong quý 3 vừa qua, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,3%, nhưng mức này sẽ còn được điều chỉnh lại.
Thanh Hải
Vneconomy
|