Nỗi lo chính sách kéo Dow Jones sụt giảm
Phiên giao dịch chứng khoán Mỹ ngày 5/11 đã khép lại với sự đi xuống của hai chỉ số Dow Jones và S&P 500, do nhà đầu tư liên hệ các số liệu kinh tế với đường hướng biến động chính sách tiền tệ vài tháng tới.
Các nhóm cổ phiếu giảm điểm mạnh nhất trong ngày là năng lượng và viễn thông. Đây cũng chính là hai nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất một ngày trước đó. Chỉ số S&P lĩnh vực năng lượng giảm 0,8%, trong khi lĩnh vực viễn thông mất tới 1,9%. Theo giới phân tích, thị trường có thể đã bắt đầu có những điều chỉnh nhất định sau khi các chỉ số Dow Jones và S&P 500 lên liên tục 4 tuần qua.
Hôm qua, Viện Quản lý nguồn cung công bố báo cáo cho biết, chỉ số dịch vụ tháng 10 của Mỹ tăng nhẹ lên 55,4 điểm, bất chấp những dự báo trước đó cho rằng chỉ số này sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng của việc chính quyền liên bang đóng cửa ngừng hoạt động một phần trong 16 ngày đầu tháng 10. Việc chỉ số dịch vụ tháng 10 tăng 1 điểm so với tháng 9 được xem là khiến nhiều người bất ngờ.
Tuy nhiên, đứng trước số liệu này, giới đầu tư lại lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sớm có quyết định thu hẹp quy mô các chương trình thu mua trái phiếu hàng tháng trị giá 85 tỷ USD, vốn dùng hỗ trợ cho kinh tế Mỹ tăng trưởng. Việc áp dụng các chương trình này đã trở thành một động lực quan trọng đưa chỉ số S&P 500 tăng mạnh mẽ kể từ đầu năm giao dịch này cho đến nay.
Cuối tháng 10, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tuyên bố tiếp tục duy trì những biện pháp này do các điều kiện tăng trưởng kinh tế còn quá yếu. Một khi nền kinh tế đủ mạnh, cơ quan này mới bắt đầu xem xét việc rút bỏ các biện pháp trên. Theo đó, việc chỉ số dịch vụ tháng 10 vẫn tăng điểm bất chấp việc chính quyền liên bang đóng cửa, là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đã mạnh hơn trước đây.
Liên quan tới thông tin doanh nghiệp, theo số liệu của Thomson Reuters, trong số 404 công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố báo cáo kinh doanh quý 3/2013, 69,6% có mức lợi nhuận vượt kỳ vọng của giới phân tích thị trường, cao hơn mức trung bình 63% hàng quý. Tuy nhiên, chỉ có 53,3% số này có doanh thu vượt dự báo, thấp hơn mức trung bình 61% hàng quý từ năm 2002 tới nay.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ 20,90 điểm, tương ứng với mức giảm 0,13%, xuống còn 15.618,22 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng giảm nhẹ 4,96 điểm, tương ứng với mức giảm 0,28%, xuống chốt ngày ở mức 1.762,97 điểm. Ngược chiều, chỉ số Nasdaq Composite tiếp tục tăng thêm 3,27 điểm, tương ứng với mức 0,08%, lên chốt 3.939,86 điểm.
Trên sàn giao dịch New York, số cổ phiếu giảm điểm vượt trội so với số tăng điểm, với tỷ lệ chênh lệch lên tới 2.045 mã giảm và 956 mã tăng. Trong khi trên sàn Nasdaq, tỷ lệ mã giảm/ tăng dừng ở mức 1.473/ 1.076.
Trong số các cổ phiếu tăng điểm hôm qua, đáng chú ý có cổ phiếu của GT Advanced Technologies tăng hơn 20% lên 10,10 USD, sau khi cho biết Apple sẽ mở một nhà máy sản xuất ở Arizona để cộng tác với GT sản xuất các vật liệu sapphire cho thiết bị của Apple. Một cổ phiếu khác cũng gây được sự chú ý là Michael Kors Holdings tăng được 5,8% lên chốt ngày ở mức 79,13 USD.
Sau giờ đóng cửa, hãng Tesla Motors công bố báo cáo cho thấy lợi nhuận quý ba của hãng cao hơn so với dự tính của thị trường, song lại đưa ra mức đánh giá triển vọng lợi nhuận quý 4 thấp hơn kỳ vọng. Giá cổ phiếu của hãng sản xuất xe hơi này đã giảm khoảng 11%.
Thanh Hải
Vneconomy
|