Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Lo gần, lo xa
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp - dù được Chính phủ bảo lãnh hay không – cũng cần được xem xét thận trọng.
Năm 2011, trước những tuyên bố: “Vinashin tự vay thì tự trả”, một “người cũ” hiểu chuyện của doanh nghiệp này đã viết: “Một công ty đã lâm vào tình trạng phá sản không bao giờ có năng lực tự tái cơ cấu tài chính mà phải trông vào sự trợ giúp từ bên ngoài… Khi đã có sự hỗ trợ đúng và chính xác về tài chính từ bên ngoài, nhiệm vụ của Vinashin về tài chính chỉ là triển khai các bước thủ tục cụ thể”.
Mất mát hữu hình
Rút cuộc, ngày cuối của người khổng lồ chân đất sét này đã tới, “Vinashin đã giải quyết xong nợ”, tất nhiên không thể thiếu sự trợ giúp đặc biệt. Nhưng vì để từ đó đến nay, khoản nợ đã phình thêm khoảng 56 tỷ đồng/ngày vì tiền lãi (chưa tính phạt quá hạn)! Đơn cử, một khoản nợ 600 triệu USD, hiện nay đã trở thành 626 triệu USD. Tất nhiên, các chủ nợ không hy vọng lấy lại hết những gì đã bỏ ra - vẫn nguồn tin trên phân tích.
Với khoản nợ 750 triệu USD do Chính phủ đứng ra vay để về cho Vinashin vay lại, đương nhiên ai đứng tên vay phải trả đủ. Khoản nợ (gốc, chưa tính lãi) 600 triệu USD nay được cơ cấu lại bằng trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh có lãi suất 1% năm, đến 2025 nhận đủ tiền gốc + lãi. Dù lãi ít, nhưng có vẫn hơn không. Các chủ nợ nước ngoài cho vay lẻ (tổng cộng 200 triệu USD) thì phải chấp nhận bán lại nợ dưới 30% giá trị. Các ngân hàng trong nước cũng chỉ được nhận dưới 30%, nhưng trả bằng trái phiếu của Công ty Mua bán nợ Việt Nam DATC. Còn một khoản nợ nữa cũng không nhỏ, nhưng chưa rõ hướng xử lý là các đơn vị thành viên Vinashin nợ các nhà cung cấp, nhà thầu phụ bên ngoài và nợ lẫn nhau…
Tóm lại là một cơ chế đặc biệt đã được triển khai và tổn thất hiển hiện là 4 tỷ USD; cộng với “di sản” để lại là một ngành công nghiệp “không đủ năng lực về cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ tay nghề, trình độ quản lý và tiềm lực tài chính để thực hiện các hợp đồng đã giao kết với khách hàng” - như kết luận của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, có một “trái đắng” từ câu chuyện phát hành trái phiếu doanh nghiệp do Chính phủ bảo lãnh.
Lo xa cũng không sớm
Thị trường vốn giờ đây đang dấy lên một làn sóng mới: trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Theo ước tính của giới quan sát, tổng lượng TPDN phát hành trong năm 2013 có thể lên tới 34.000 tỷ đồng (gấp đôi năm 2012). Một trong những doanh nghiệp thành công nhất trong việc phát hành trái phiếu loại này là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Doanh nghiệp này đã phát hành thành công 5.000 tỷ đồng trái phiếu, gấp 1,7 lần khối lượng dự kiến là 3.000 tỷ đồng khi bắt đầu thăm dò thị trường. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành thành công trái phiếu 10 năm, với kết quả vượt 5% so với mục tiêu 3.000 tỷ đồng ban đầu và vượt gần 60% so với con số 2.000 tỷ đồng khi ngân hàng này thăm dò nhu cầu thị trường hồi quý 2/2013… Được biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) còn có kế hoạch tham vọng hơn nhiều: phát hành 10.000 tỷ đồng TPDN.
Nhìn chung, làn sóng mới này được nhìn nhận là tích cực nhiều hơn tiêu cực, nhưng cũng không phải không có những điều đáng cảnh báo.
Vẫn theo các nhà quan sát, trái phiếu doanh nghiệp được phát hành hiện có thể chia làm 3 loại, trong đó loại “hoàn toàn có thể yên tâm” chỉ chiếm khoảng 10-20% tổng lượng phát hành. Phần còn lại gồm loại trái phiếu nhằm kéo dài dòng tiền để trả nợ (cấp độ da cam) và loại phát hành để cơ cấu lại nợ (cấp độ đỏ, vì có thể tạo ra một vòng quay nợ xấu mới được che giấu khéo hơn). Đáng lưu ý là pháp luật hiện hành vẫn cho phép phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ.
Trao đổi về vấn đề này, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Hữu Quang nhận xét: “Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà người mua là ngân hàng thương mại, tức cũng là doanh nghiệp, thì về mặt lý thuyết là đảm bảo an toàn. Vì doanh nghiệp phát hành phải tính phương án làm ăn có hiệu quả để có thể trả nợ; còn doanh nghiệp mua trái phiếu thì cũng phải tính có thu hồi lại được không, cách nào mới mua? Nhưng đó là về mặt lý thuyết. Nếu ngân hàng mua trái phiếu không thẩm định chặt chẽ, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không trả được nợ đến hạn thì cũng sẽ làm phát sinh nợ xấu”.
Một chuyên gia kinh tế khác, TS Trần Du Lịch cũng lưu ý: “Trái phiếu doanh nghiệp là hình thức huy động vốn trực tiếp mà không thông qua các định chế tín dụng trung gian. Việc này có cái lợi là làm giảm chi phí tín dụng. Tuy nhiên, quan trọng nhất để TPDN phát huy tác dụng là nó phải có tính thanh khoản, có nghĩa là phải được lưu thông, chuyển nhượng trên thị trường vốn như một loại giấy tờ có giá”.
Thế nhưng, vẫn theo ông Trần Du Lịch, hiện nay tính thanh khoản của TPDN chưa cao, thành ra nếu các ngân hàng thương mại “ôm” vào mà không có giao dịch thì đây thực chất cũng chỉ là tín dụng khoác tấm áo trái phiếu. TPDN có hai loại, một loại được đảm bảo bằng tài sản của doanh nghiệp, loại khác dựa trên tín chấp - mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp. Cả hai loại này có độ rủi ro khác nhau (do đó lãi suất cũng khác nhau). Đặc biệt là với loại thứ 2 thì khả năng đánh giá tín nhiệm của ngân hàng thương mại giữ vai trò quyết định tính hiệu quả của việc đầu tư vào TPDN.
Trong bối cảnh đa phần doanh nghiệp phát hành trái phiếu không thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh, vai trò giám sát thực thi các quy định pháp luật của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp phát hành trái phiếu là rất quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, loại trừ những “dích dắc” có thể có giữa ngân hàng thương mại với doanh nghiệp.
Cẩm Hà
dđdn
|