Trái đắng trái phiếu chuyển đổi!
Sau 3 năm giữ trái phiếu chuyển đổi của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (HOSE: TDH), liệu trái chủ có đồng ý chuyển đổi khi mà giá cổ phiếu TDH giao dịch trên thị trường chỉ quanh mốc 11,000 đồng/cp trong khi mức giá nếu chuyển đổi đến hơn gấp đôi (22,014 đồng).
Cuối năm 2010, TDH đã chào bán thành công 2.08 triệu trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) trong tổng số 6 triệu trái phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư lớn. Trái phiếu đáo hạn vào ngày 17/11/2013 với tổng giá trị thu về gần 209 tỷ đồng.
Nhà đầu tư (NĐT) mua trái phiếu sau 3 năm nhận được quyền chuyển đổi thành cổ phiếu với mức giá là 22,014 đồng/cp - mức giá chỉ bằng 88% giá thị trường tại thời điểm phát hành, tương ứng 9.44 triệu cp nếu chuyển đổi.
Tuy nhiên, đáng chú ý là sau khoảng thời gian này, giá cổ phiếu TDH đã sụt giảm đáng kể và hiện được giao dịch quanh 11,000 đồng/cp. Điều này có nghĩa với 209 tỷ đồng bỏ ra, NĐT sẽ có được hơn 19 triệu cp TDH vào thời điểm này nếu mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, thay vì chỉ có 9.44 triệu cổ phiếu nếu thực hiện chuyển đổi. Qua đó, có thể nhận thấy trái chủ khó lòng mà chọn cách chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu khi không có lợi cho mình.
Đối với trường hợp còn lại, tức trái chủ không thực hiện chuyển đổi thành cổ phiếu, trái chủ sẽ được hoàn trả tiền cả gốc lẫn lãi từ TDH. Nhưng trong phương án này, ai sẽ là người được hưởng lợi? TDH hay trái chủ?
Về phía trái chủ, ngoài số tiền gốc 209 tỷ đồng bỏ ra mua trái phiếu còn nhận thêm tổng tiền lãi là gần 44 tỷ đồng (lãi suất trái phiếu 7%/năm). So sánh với lãi suất tiết kiệm trung bình trong 3 năm qua ở mức trên 10% thì rõ ràng trái chủ đang bị “âm vốn”. Đó là chưa kể chỉ tính yếu tố lạm phát không thôi thì trái chủ sẽ còn chịu thiệt nhiều hơn khi mà lạm phát trong 3 năm gần đây luôn ở mức khá cao.
Tất nhiên vẫn không loại trừ khả năng NĐT không đầu tư vào trái phiếu mà đầu tư vào thị trường chứng khoán và có được mức lời cao hơn. Và đó cũng chỉ là một phương án đưa ra ở kịch bản tốt, vì ngược lại NĐT hoàn toàn có thể thua lỗ nhiều hơn và chịu rủi ro hơn khi đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi.
Đối với TDH, khoản tiền vay 209 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu được phân bổ cho các dự án bất động sản của công ty rõ ràng có lợi hơn rất nhiều so với việc đi vay vốn từ ngân hàng với lãi suất cao ngất ngưởng ở năm 2010. Tuy nhiên, nếu như trái chủ không đồng ý chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, TDH đang đứng trước áp lực phải trả lại toàn bộ số tiền gốc là 209 tỷ đồng và tiền lãi 44 tỷ đồng. Đây là khó khăn không nhỏ đối với TDH khi kết quả kinh doanh của công ty cho dấu hiệu ngày càng đi xuống. 6 tháng đầu năm 2013, TDH bất ngờ lỗ hơn 7 tỷ đồng mà nguyên nhân chính là do hoạch toán chi phí lãi vay của khoản phát hành trái phiếu chuyển đổi này hơn 10.4 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến 30/06, tiền mặt của TDH chỉ ở mức 9.5 tỷ đồng, lãi lũy kế còn tầm 6 tỷ đồng, dòng tiền hoạt động trong kỳ đang ở trạng thái âm.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý, tại thời điểm 30/09 này, TPCĐ của TDH vẫn đang được ghi nhận là nợ dài hạn. Nếu được phân loại qua nợ ngắn hạn (cụ thể là nợ dài hạn đến hạn trả) thì tổng nợ ngắn hạn của TDH sẽ tăng lên gần 500 tỷ đồng (thêm 204 tỷ đồng từ TPCD). Được biết, vào đầu năm 2013 thì TDH đã thực hiện chuyển đổi gần 5 tỷ đồng TPCD từ đợt phát hành này.
Cũng cách đó không lâu, vào tháng 3/2010, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) đã từng phát hành 2,000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi với lãi suất chỉ 4% cho nhà đầu tư có thời hạn trong 1 năm. Kết quả, tất cả trái chủ đã chọn cách nhận lại tiền gốc và lãi trái phiếu do SSI hoàn trả. Cũng giống như trường hợp của TDH, khi NĐT mua trái phiếu của SSI đã kỳ vọng giá cổ phiếu trên sàn sẽ tăng lên nhờ tiềm lực của công ty. Tuy nhiên đến ngày chuyển đổi, giá cổ phiếu trên sàn khi đó là 23,600 đồng, thấp hơn giá chuyển đổi tại 35,639 đồng gần 34%.
Tuy nhiên, mới đây nhất cũng có trường hợp trái chủ đồng ý chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu mặc dù giá cổ phiếu trên thị trường đã xuống thấp. Cụ thể, gần như toàn bộ hơn 2 triệu TPCĐ do CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) phát hành năm 2011 đã được trái chủ đồng ý chuyển đổi với tỷ lệ 1:10. Đây có thể là kết quả thành công đối với DLG vì với mức giá cổ phiếu hiện tại trên sàn (quanh mức 4,000 đồng/cp) thì trái chủ có thể mua được nhiều cổ phiếu hơn nếu không chấp nhận chuyển đổi. Đó là chưa kể sau khi chuyển đổi, lượng cổ phiếu DLG chắc chắn sẽ bị pha loãng và còn ảnh hưởng lên xu hướng giá trên thị trường.
Có thể thấy, việc mua TPCĐ cần được nhà đầu tư đánh giá một cách kỹ càng trước khi quyết định đầu tư. Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu sau một thời gian với mức giá định trước không phải lúc nào cũng mang lại mức sinh lợi cao, đặc biệt khi giá cổ phiếu trên thị trường đã giảm mạnh tại thời điểm chuyển đổi.
Ông Tống Minh Tuấn - Trưởng phòng Phân tích Nghiên cứu của CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi sẽ phải chấp nhận rủi ro về giá cổ phiếu tại thời điểm chuyển đổi. Nếu không may, doanh nghiệp phát hành TPCĐ phá sản thì trái chủ sẽ phải gánh chịu thêm nhiều rủi ro hơn vì khi đó doanh nghiệp phải ưu tiên xử lý nợ tín dụng trước rồi mới đến trái phiếu.
Còn theo nhận định của Giám đốc bộ phận môi giới một công ty chứng khoán khác, trường hợp mất khả năng chi trả của một doanh nghiệp có thể xảy ra nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng tiền này và đầu tư thua lỗ hay đầu tư vào những tài sản có thanh khoản thấp, khả năng thu hồi dòng vốn chậm…
Sắp tới, có thêm hai trường hợp sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi. Đối với Thủy điện Vĩnh Sơn sông Hinh (HOSE: VSH), công ty đã có kế hoạch cụ thể việc phát hành phát hành 505,603 trái phiếu mệnh giá đến 1 triệu đồng. Trái phiếu có lãi suất 13.5%/năm với thời hạn 3 năm. Giá chuyển đổi là 10,000 đồng/cp với tỷ lệ chuyển đổi là 1:100 (tức 1 trái phiếu được chuyển đổi thành 100 cổ phiếu phổ thông). Tỷ lệ thực hiện quyền là 400:1.
Hay trường hợp của CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc (HOSE: KTB), ĐHĐCĐ thông qua phương án phát hành 1.5 triệu TPCĐ kỳ hạn 1 năm với lãi suất 12.5%/năm. Điều đáng chú ý, toàn bộ trái phiếu này bắt buộc phải chuyển đổi nếu nhà đầu tư đồng ý mua trái phiếu do KTB phát hành, tỷ lệ chuyển đổi là 15:100.
|
Sanh Tín
công lý
|