Phái sinh lãi suất: Mở đối tượng sử dụng, “siết” phòng ngừa rủi ro
Theo Dự thảo Thông tư Quy định về cung ứng và sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là các NHTM) để thay thế cho Quyết định 62/2006/QĐ-NHNN, đối tượng được sử dụng các sản phẩm phái sinh lãi suất được mở rộng hơn, tuy nhiên các điều kiện phòng ngừa rủi ro được “siết” chặt hơn.
Mở rộng phạm vi, đối tượng được sử dụng
Dự thảo Thông tư được xây dựng trên cơ sở kế thừa các nội dung quy định tại Quyết định số 62/2006/QĐ-NHNN còn phù hợp với Luật Các TCTD năm 2010 và trong thực tế không vướng mắc; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với Luật Các TCTD năm 2010, thông lệ quốc tế và điều kiện thị trường Việt Nam.
Đặc biệt, theo NHNN Việt Nam, Dự thảo Thông tư đã mở rộng phạm vi cung ứng và sử dụng các giao dịch phái sinh lãi suất mà các NHTM đã được phép thực hiện thí điểm, song trên tinh thần đảm bảo an toàn và hạn chế được rủi ro của các NHTM trong quá trình thực hiện, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển thị trường tài chính - ngân hàng trong giai đoạn tới.
Theo đó, so với Quyết định 62, Dự thảo Thông tư không bổ sung đối tượng cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất, nhưng sửa đổi quy định về đối tượng sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất. Theo đó, Dự thảo Thông tư đã thay thế cụm từ “doanh nghiệp không phải là ngân hàng được thành lập, hoạt động theo pháp luật Việt Nam” trong quy định hiện hành bằng cụm từ “pháp nhân (trừ TCTD và chi nhánh NHNNg) được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam” để bổ sung các đối tượng như hợp tác xã, Bộ Tài chính... có nhu cầu sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất để bảo hiểm rủi ro cho hoạt động của chính mình.
Dự thảo Thông tư cũng bổ sung một số khái niệm mới như “Quyền chọn lãi suất”, “Hợp đồng gốc”, “Giá trị khoản vốn gốc”, “Giá trị khoản vốn danh nghĩa”, “Trạng thái mở”, “Giao dịch đối ứng” để đảm bảo các thuật ngữ mới trong dự thảo Thông tư được hiểu và áp dụng thống nhất.
Đặc biệt, so với Quyết định 62, Dự thảo Thông tư đã bổ sung thêm sản phẩm quyền chọn lãi suất mà NHNN đã cho phép một số NHTM thực hiện thí điểm. Đồng thời bổ sung các sản phẩm phái sinh lãi suất khác sau khi được Thống đốc NHNN chấp thuận, vì các sản phẩm phái sinh lãi suất rất đa dạng, nên tùy thuộc vào sự phát triển của thị trường tài chính, tiền tệ, tính chất phức tạp của sản phẩm và chủ trương của NHNN trong từng thời kỳ mà NHNN xem xét chấp thuận từng sản phẩm cụ thể.
Các giao dịch phái sinh lãi suất là rất cần thiết đối với hoạt động ngân hàng hiện nay
|
Siết chặt phòng ngừa rủi ro
Tuy nhiên, Dự thảo Thông tư cũng sửa đổi bổ sung thêm nhiều quy định với mục tiêu đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro cho các NHTM thực hiện sản phẩm phái sinh lãi suất.
Cụ thể, tại Điều 6 quy định về điều kiện đối với NHTM cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất, Dự thảo Thông tư đã bổ sung một số điều kiện đối với các NHTM cung ững sản phẩm phái sinh lãi suất cũng như quy định cụ thể điều kiện đối với từng nhóm khách hàng sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất.
Đặc biệt, Dự thảo Thông tư bổ sung thêm quy định về việc thực hiện giao dịch đối ứng của NHTM. Đây là quy định mới so với Quyết định 62 nhằm tách bạch giữa việc cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất cho khách hàng với việc phòng ngừa rủi ro cho các sản phẩm phái sinh lãi suất mà NHTM đã cung ứng cho khách hàng.
Theo đó, khi cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất cho khách hàng, các NHTM có thể thực hiện giao dịch đối ứng một phần hoặc toàn bộ sản phẩm phái sinh với các NHTM khác trong nước hoặc tổ chức tài chính ở nước ngoài uy tín để hạn chế rủi ro.
Tuy nhiên, tổ chức tài chính ở nước ngoài phải có mức xếp hạng tín nhiệm tối thiểu BBB - của Standard&Poor’s hoặc các mức xếp hạng tương đương của Moody’s hoặc Fitchratings. Quy định này nhằm hạn chế rủi ro về đối tác ở nước ngoài khi NHTM thực hiện giao dịch đối ứng ở nước ngoài.
Đáng lưu ý, Dự thảo thông tư quy định rõ (Điều 10): “Lãi suất trong hợp đồng thực hiện sản phẩm phái sinh lãi suất do các bên thỏa thuận và cam kết, đảm bảo mức lãi suất mà NHTM trả cho khách hàng phù hợp với quy định của NHNN trong từng thời kỳ”.
Theo NHNN, quy định này nhằm tránh trường hợp sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất để lách các quy định của NHNN (quy định về trần lãi suất cho vay, trần lãi suất tiền gửi).
Đặc biệt, các quy định về giới hạn cung ứng và sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất (Điều 12) đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bản chất rủi ro của sản phẩm và thông lệ quốc tế. Theo đó, mặc dù mức lỗ ròng mà NHTM được phép giữ không thay đổi so với Quyết định 62 (không quá 5%), tuy nhiên có sửa đổi 2 nội dung.
Thứ nhất là phạm vi tính mức lỗ ròng chỉ áp dụng đối với các hợp đồng phái sinh lãi suất mà NHTM đang giữ trạng thái mở âm; không bao gồm các khoản lỗ ròng của các hợp đồng phái sinh lãi suất mà NHTM đã thực hiện đối ứng toàn bộ. Thứ hai, mức lỗ ròng 5% được tính trên cơ sở vốn tự có cấp 1, thay vì vốn tự có theo quy định tại Quyết định 62.
Bên cạnh đó, giới hạn tổng các khoản vốn danh nghĩa của các hợp đồng phái sinh lãi suất đối với một pháp nhân đã được điều chỉnh giảm từ mức 30% vốn tự có theo Quyết định 62 xuống mức 15% vốn tự có cấp 1...
Minh Trí
thời báo ngân hàng
|