Thứ Năm, 31/10/2013 22:34

TPHCM: Doanh nghiệp có nợ xấu vẫn được vay mới

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TPHCM, các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM dù có nợ xấu chưa trả được nhưng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi sẽ vẫn được vay mới.

Ông Minh cho biết đây là chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, và TPHCM đã bắt đầu áp dụng từ ngày 14-10. Cụ thể, nếu doanh nghiệp có nợ xấu ở tại ngân hàng nhưng đang có phương án sản xuất kinh doanh mới, ngân hàng sẽ xem xét tính khả thi, hiệu quả để tính toán cho doanh nghiệp vay.

Ông Minh nói, đây là một trong những chủ trương nhằm giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, có thể trả được những khoản nợ cũ, đồng thời cũng giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng trong các tháng cuối năm. Quy định này cũng chỉ được áp dụng đến hết năm nay.

Theo ông Minh, việc này cũng có thể tạo ra thêm rủi ro cho ngân hàng nếu khách hàng không trả được cả nợ cũ lẫn nợ mới, nhưng lại là cơ hội để doanh nghiệp có thể tồn tại được trong giai đoạn làm ăn khó khăn.

Ông Minh cho biết trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu vay vốn nhưng do có nợ quá hạn nên các ngân hàng không cho vay. Điều này cũng tác động đến con số tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn TPHCM. Tính trong 10 tháng, tín dụng ước chỉ tăng khoảng 5,5% so với cuối 2012, thấp hơn con số của cả nước.

Đồng thời, trên địa bàn TPHCM, các ngân hàng cũng có thể cho những doanh nghiệp đến hạn trả nợ nhưng chưa trả được sẽ được miễn, giảm lãi tiền vay, đồng thời chưa thu thêm phần lãi quá hạn và ưu tiên chỉ thu nợ gốc trước, nợ lãi sau, nhằm giúp doanh nghiệp không quá căng kéo trong quá trình trả nợ.

Theo ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng này vẫn giải ngân đều cho doanh nghiệp từ đầu năm đến nay, mức tăng trưởng tín dụng của riêng khu vực doanh nghiệp khoảng 23% đến hết tháng 10 so với cuối năm ngoái. Và khả năng sẽ tăng đến khoảng 30% vào cuối năm nay. Tuy vậy, ông Linh cho rằng mức tăng đều qua hàng tháng, không tăng mạnh hơn dù đã vào mùa kinh doanh cuối năm.

Ông Linh cho rằng đã có nhiều doanh nghiệp vay tiền để nhập, mua hàng hóa bán tết trong 2 tháng qua. Hiện tại, do kinh doanh khó khăn hơn nên doanh nghiệp không dồn vào mua một lúc mà tranh thủ thời điểm có giá thấp để mua vào từ từ, đồng thời số lượng mua không quá lớn như trước nên không có hiện tượng nhu cầu vốn tăng đột biến vào các tháng cuối năm.

Theo ông Linh, lãi suất cho vay ngắn hạn với doanh nghiệp ở OCB đối với tiền đồng là 9,5 - 10%/năm, dài hạn là 12 - 12,5%, còn với ngoại tệ là 3,8%/năm với khoản vay ngắn hạn và 6 - 6,5%/năm với khoản vay dài hạn. Tuy vậy, ông Linh cho biết hiện tại doanh nghiệp chỉ vay ngắn hạn là chủ yếu, rất ít khoản vay dài hạn để đầu tư, mở rộng.

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cũng cho biết tín dụng của HDBank đã tăng khá mạnh trong 10 tháng đầu năm, đến nay đạt khoảng 26%. Nhưng ông Trung cho rằng từ nay đến cuối năm sẽ không tăng thêm được nhiều, và nhu cầu vốn từ doanh nghiệp không có dấu hiệu tăng thêm.

Còn theo giám đốc chi nhánh của Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) tại TPHCM, nợ xấu cao nên ngân hàng rất thận trọng trong chọn lựa khách hàng và cũng giảm hạn mức cho vay hơn trước đối với từng khách hàng. Vị giám đốc này cho biết việc cho vay cũng chủ yếu tiến hành với khách hàng cũ, còn khách hàng mới rất ít. Ông cũng cho rằng hợp đồng tín dụng ký mới và giải ngân vốn mới không tăng trong thời gian này.

Nhìn nhận về tăng trưởng tín dụng đến hết năm của TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TPHCM, cho biết chỉ kỳ vọng tăng được 10% so với cuối năm ngoái, không đạt chỉ tiêu 12%. Tuy vậy mức này có thể cao hơn so với mức tăng trưởng cả năm 2012 là 7,5%. Theo ông Minh, tăng trưởng tín dụng tiền đồng tốt hơn năm ngoái, chỉ riêng tín dụng ngoại tệ giảm rất mạnh. Đến hết 10 tháng, tín dụng ngoại tệ giảm trên 20%, trong khi tín dụng tiền đồng tăng khoảng 14%. Chính sự sụt giảm của tín dụng ngoại tệ đã tác động đến con số tín dụng chung của TPHCM.

Theo ông Minh, trên địa bàn có 5 ngân hàng có tín dụng tăng trên 10% là Sacombank, Nam Á, Bản Việt, An Bình và HDBank. Ngoài ra, tại một số ngân hàng, tín dụng vẫn trong trạng thái tăng trưởng âm. Ông Minh cho rằng với các ngân hàng quy mô nhỏ, mức tăng trưởng tính theo phần trăm sẽ lớn, nhưng về con số tuyệt đối, nhiều ngân hàng chỉ tăng vài ngàn tỉ đồng so với cuối năm ngoái.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 8, vốn ngân hàng bơm cho nền kinh tế đã tăng 6,45% so với cuối năm 2012.

Thanh Thương

tbktsg

Các tin tức khác

>   Ông Cao Sỹ Kiêm: "Ngân hàng quốc doanh, nước ngoài cũng phải tái cơ cấu" (31/10/2013)

>   Ngân hàng Đông Á giảm một nửa lãi (31/10/2013)

>   Đề nghị đóng cửa ngân hàng quá yếu (31/10/2013)

>   TGĐ ngân hàng HSBC và ANZ khen VNĐ rất ổn định (31/10/2013)

>   Chưa ngân hàng nào tìm đến 100.000 tỷ đồng “vốn tái sinh” (31/10/2013)

>   Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng vẫn phức tạp (31/10/2013)

>   Nên nới lỏng quản lý lãi suất (31/10/2013)

>   Sau hai năm, nhìn lại chính sách tiền tệ của Việt Nam (30/10/2013)

>   Chấp thuận việc HDBank mua lại Việt - Société Générale (30/10/2013)

>   Những thay đổi quan trọng trong điều hành tỉ giá và thị trường ngoại tệ (30/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật