Hơn 50 nghìn tỷ đồng nằm khuất sau tăng trưởng tín dụng
Tại diễn đàn Quốc hội sáng nay (1/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10 đạt 7,89%, có cơ sở để cả năm đạt khoảng 11 - 12%.
Ước tính từ đầu năm đến nay có hơn 50 nghìn tỷ đồng đã không còn nằm trong mẫu số tổng dư nợ để tính tốc độ tăng trưởng so với cuối năm 2012.
|
Trước đó, theo thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua, tính đến ngày 23/10/2013, tăng trưởng tín dụng mới chỉ ước tăng 6,48% so với cuối năm 2012. Hay theo một con số khác được đại biểu Quốc hội đề cập đến sáng nay là khoảng 6,8% tính đến cuối tháng 10.
Tương tự như nợ xấu, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng có thể biến động hàng ngày, tùy thuộc vào thời điểm thống kê. Nếu theo những con số đơn thuần 6,48% và khoảng 6,8% nói trên, một khoảng cách rất xa với chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 12% đang đặt ra cho hai tháng còn lại.
Tuy nhiên, theo con số của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tăng trưởng tín dụng lại khả quan và có cơ sở để đạt được chỉ tiêu. Mức 7,89% tính đến cuối tháng 10 được tính bao gồm cả phần dư nợ tín dụng được xử lý qua trích lập dự phòng rủi ro và số nợ xấu đã bán lại cho VAMC.
Theo hướng đó, ước tính từ đầu năm đến nay có hơn 50 nghìn tỷ đồng đã không còn nằm trong mẫu số tổng dư nợ để tính tốc độ tăng trưởng so với cuối năm 2012.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã sử dụng nguồn trích lập dự phòng để xử lý khoảng 32 nghìn tỷ đồng; khoảng 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu cũng đã “đổi chủ” sang VAMC. Theo đó, khoảng hơn 40 nghìn tỷ đồng nợ đã được các tổ chức tín dụng đưa ra ngoại bảng.
Ở một kênh khác, với lộ trình từng bước đưa vốn vàng ra khỏi bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại, dư nợ cho vay bằng vàng cũng đã được tách khỏi mẫu số chung tổng dự nợ hiện nay. Dữ liệu tổng hợp của VnEconomy cho thấy, cuối năm 2012, trong tổng dư nợ toàn hệ thống vẫn còn khoảng 21 tấn vàng, quy đổi một cách tương đối là khoảng 21 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, nguồn dư nợ này ước tính đã được bóc dần và chỉ còn khoảng 7 tấn, tức khoảng 13 - 14 nghìn tỷ đồng dư nợ bằng vàng đã rút khỏi mẫu số chung.
Tổng thể một cách tương đối các nguồn trên, có hơn 50 nghìn tỷ đồng đã bị “bóc” khỏi tổng dư nợ hiện nay để tính tốc độ tăng trưởng tín dụng so với cuối năm 2012. Tính theo tổng dư nợ của toàn hệ thống 3.090.904 tỷ đồng cuối năm 2012, quy mô bị “bóc” đi đó tương đương với khoảng 1,6%. Nói cách khác, tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay cần tính thêm tỷ lệ này để có thể phản ánh đầy đủ hơn.
Tuy nhiên, dù là con số nào, hay mức 12% dường như trở thành một chỉ tiêu có tính chính trị đối với Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, thì chất lượng tăng trưởng tín dụng mới là yếu tố quan trọng.
Tại diễn đàn Quốc hội nói trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn mức bình quân. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp nông thôn tăng trưởng khá cao, hiện đã đạt khoảng 15% và ước tính cả năm có thể lên tới 18%. Đây cũng là lĩnh vực điển hình cho chất lượng tăng trưởng tín dụng, khi mà nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn mặt bằng chung, chỉ khoảng 3% so với 4,64%.
Ngoài ra, một điểm cũng cần được quan tâm hơn con số tăng trưởng là cách tạo ra tăng trưởng tín dụng. Từ trong năm 2012 đến nay, có thể thấy Ngân hàng Nhà nước đã làm nhiều cách để có thể kích thích dòng chảy tín dụng; điển hình như việc cho cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 (trên 300 nghìn tỷ đồng đã được cơ cấu, trong đó lẽ ra khoảng 60% đã trở thành nợ xấu), hay lùi thời điểm áp dụng Thông tư 02 để tạo điều kiện cho ngân hàng và doanh nghiệp dễ gặp nhau hơn, hay tạo cơ chế để tái tạo vốn kẹt từ nợ xấu qua sự tham gia của VAMC…
Phía sau những nỗ lực khơi dòng đó, một điểm đáng quan tâm nữa là an toàn hệ thống và chất lượng tín dụng trong tương lai sẽ tiếp tục như thế nào, nếu những chính sách trên vẫn nhượng bộ kéo dài.
Minh Đức
Vneconomy
|