Thứ Hai, 25/11/2013 06:34

Hàng ngàn công ty du lịch “chui”

Nhiều khả năng, hàng ngàn công ty du lịch đang hoạt động “chui” trên địa bàn TP.HCM mà cơ quan chức năng chưa có cách nào kiểm soát.

Hết “chui”, tới “ma”

Hồi tháng 7 vừa qua, Công ty TNHH MTV dịch vụ cuộc sống du lịch (Travel Life) gây choáng váng khi bỏ 701 khách Việt Nam ở Thái Lan. Theo thanh tra Bộ VH-TT-DL và Sở VH-TT-DL TP.HCM, công ty này phạm 8 lỗi. Trong đó, lỗi nghiêm trọng nhất là hoạt động “chui” do không có giấy phép lữ hành quốc tế nhưng tổ chức cho khách trong nước đi du lịch nước ngoài. Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt 92 triệu đồng đối với Travel Life. Thế nhưng, công ty đột ngột trả mặt bằng được thuê làm trụ sở, giám đốc Nguyễn Thị Kim Khánh cũng đi đâu không rõ nên quyết định xử phạt chẳng đến tay bà Khánh.

Mới đây, một công ty du lịch có trụ sở ở Q.10 (TP.HCM) cũng biến mất, đem theo số tiền lên đến vài trăm triệu đồng của du khách mua tour đi Thái Lan, Phú Quốc. Công ty này chỉ kinh doanh lữ hành nội địa, nhưng lại làm cả tour nước ngoài. Khi Thanh tra Sở VH-TT-DL tiến hành kiểm tra cũng không thể tìm được người đứng đầu doanh nghiệp (DN).

Bên cạnh hoạt động chui, một số công ty có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng không tổ chức kinh doanh mà chủ yếu đặt phòng cho đối tác nước ngoài. Hiện tượng cho công ty nước ngoài “núp bóng” này cũng đang nổi lên trong hoạt động kinh doanh lữ hành. Ngày 18.8 vừa qua, đoàn thanh tra du lịch đã kiểm tra một khách sạn trên đường Kỳ Đồng (Q.3) và phát hiện đoàn khách 56 người Trung Quốc, do ông Nong Wei (quốc tịch Trung Quốc) làm hướng dẫn viên. Đây là đoàn khách của một công ty Trung Quốc ký hợp đồng với Công ty TNHH xây dựng thương mại du lịch Thảo Nguyên tại Q.5 và Q.Gò Vấp thực hiện tour du lịch.

Tương tự, Công ty TNHH du lịch xây dựng quốc tế Sao Bắc có trụ sở ở Q.3 hồi cuối tháng 10 cũng bị phạt 12,5 triệu đồng và tước giấy phép lữ hành quốc tế 3 tháng. Hoạt động chủ yếu của công ty này là đặt phòng cho đối tác Hàn Quốc; còn các dịch vụ khác như thuê xe, vận chuyển, thuê hướng dẫn viên đều do đối tác Hàn Quốc đảm nhiệm.

17.000 công ty “trôi nổi” ?

Tăng tiền ký quỹ lên 500 triệu

Từ ngày 1.1.2014, mức ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế sẽ tăng lên 500 triệu đồng, thay vì 250 triệu như hiện nay, áp dụng đối với DN đưa khách Việt Nam ra nước ngoài hoặc đưa khách nước ngoài vào Việt Nam. Đó là một phần nội dung Nghị định số 180/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2007/NĐ-CP.

Hiện có khoảng 818 DN đủ điều kiện hoạt động nằm trong danh sách quản lý của Sở VH-TT-DL. Tuy nhiên, số lượng DN được Sở KH-ĐT cấp phép có chức năng kinh doanh lữ hành lại lên đến 18.500. Theo quy định, các công ty này khi kinh doanh lữ hành phải thông báo với Sở VH-TT-DL nhưng đa số đều "lờ" đi. Tại buổi đối thoại với DN mới đây, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM Nguyễn Thành Rum thừa nhận số lượng DN hoạt động lữ hành không phép, chưa đăng ký điều kiện kinh doanh hay nói cách khác là làm “chui” rất nhiều.

Thanh tra Sở cũng cho biết nếu trừ đi hơn 800 DN đủ điều kiện, thì còn khoảng 17.000 DN có đăng ký chức năng kinh doanh lữ hành nằm trong 2 diện: đã hoạt động lữ hành nhưng không thông báo cho Sở VH-TT-DL và không đủ điều kiện kinh doanh lữ hành (thuộc diện hoạt động sai phép, không phép); hoặc chưa triển khai hoạt động lữ hành.

Thanh tra sở cũng thừa nhận số lượng cán bộ thanh tra hiện tại phải đảm trách công tác thanh kiểm tra đa ngành, đa lĩnh vực nên việc quản lý, kiểm soát, phát hiện hoạt động lữ hành không phép, trái phép trên địa bàn là rất khó khăn. Vì thế, Phó chánh thanh tra Sở VH-TT-DL Nguyễn Văn Khâm đề nghị các DN lữ hành làm ăn chân chính cần cung cấp thông tin của các DN làm chui cho thanh tra, để cùng phối hợp chấn chỉnh tình hình. “Sắp tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với công an, an ninh sân bay tăng cường kiểm tra hoạt động lữ hành, đặc biệt là làm chui tour nước ngoài, bên trong sân bay, vào tận khu vực cách ly để kiểm tra các công ty du lịch đưa khách ra nước ngoài”, ông Khâm nói.

N.Trần Tâm

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Khoản vay bất thường của EVN (25/11/2013)

>   Logistics đối đầu doanh nghiệp ngoại (24/11/2013)

>   Bốn yếu tố tạo một McDonald's ở Việt Nam (24/11/2013)

>   Lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng lớn nhất miền Bắc (24/11/2013)

>   Thủy sản Sông Hậu hoạt động lại sau nhiều tháng chia phe (24/11/2013)

>   Chính phủ và 5 bộ cùng trực tiếp giám sát Vinalines (24/11/2013)

>   Đầu tư công đừng mãi “ưu ái” DNNN (24/11/2013)

>   Bộ Tài chính sắp có Thông tư hướng dẫn về bình ổn giá (23/11/2013)

>   Chống chuyển giá, vẫn lắm chông gai! (23/11/2013)

>   Nguy cơ đầu tư dàn trải trở lại (23/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật