Hàng không Việt Nam trước cơ hội bùng nổ
Việc VietJetAir sở hữu đội bay lên tới 10 chiếc đang dần tác động tới tiến trình IPO của Vietnam Airlines sau nhiều lần trì hoãn. Theo hãng thông tấn Reuters, ngành hàng không của Việt Nam đang chuẩn bị bước vào giai đoạn bứt phá.
“Với đội bay 10 chiếc A320, Hãng đang chuẩn bị cho kế hoạch phát triển tại châu Á ngay trong năm sau”, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành VietJetAir khẳng định trong sự kiện đón chiếc máy bay thứ 10 tại sân bay Tân Sơn Nhất vừa ra lò từ Toulouse (Pháp).
IPO là chiến lược cốt lõi để các hãng hàng không trong khu vực phát triển đội bay
|
Khởi đầu đột phá
Cách đây chỉ vài tuần, chiếc A320 thứ 9 đã được Airbus bàn giao cho VietJetAir tại sân bay Orly (Pháp) với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ Tướng Cộng Hòa Pháp Jean-Marc Ayrault. Việc hãng máy bay này đón tiếp chiếc máy bay thứ 10 cho thấy, VietJetAir đang chuẩn bị cho thế và lực mới cho kế hoạch quốc tế hóa ngay trong năm sau.
Có thể thấy, đường đi của VietJetAir cũng không khác mấy so với AirAsia hiện đang làm mưa làm gió trên thị trường hàng không châu Á với hàng loạt các liên doanh từ Thái Lan, Indonesia, Philippines, Nhật và mới nhất là Ấn Độ. Đối với VietJetAir, hãng cũng đã ký kết liên doanh với Kan Air của Thái Lan để chuẩn bị khai thác thương mại mạng bay nội địa và quốc tế tại đây trong quý 1 năm sau. Bước kế tiếp, hãng cũng đang xúc tiến kế hoạch lập liên doanh tại Myanmar ngay trong năm sau nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh từ thị trường đang mở cửa, đầy tiềm năng nhưng cũng lắm thách thức này.
Ông Timothy Ross, một phân tích gia về vận tải hàng không thuộc Ngân hàng Credit Suisse ở Singapore nhận xét: “Kế hoạch liên doanh với các hãng bay nước ngoài của VietJetAir là một bước đi khôn ngoan. Họ mới hoạt động nên sẽ tốt hơn nhiều nếu biết chia sẻ lực với các đối tác quốc tế”.
Chiêu đột phá tiếp theo mà VietJetAir sắp triển khai trong năm sau chính là kế hoạch huy động vốn để mở rộng quy mô hoạt động từ thị trường tài chính quốc tế. Dự kiến, Hãng sẽ IPO tại Hồng Kông hay Singapore vào năm 2015-2016 vì đây là 2 thị trường thích hợp nhất sau khi các nhà đầu tư trong nước đã tỏ ra khá thận trọng với trường hợp ngưng hoạt động của Indochina Airlines và Air Mekong. Chiến lược huy động vốn từ thị trường quốc tế nhằm giúp VietJetAir thực thi mục tiêu mở các đường bay mới tới Tokyo, Bắc Kinh, Singapore, Kuala Lumpur và Hàn Quốc, tiếp theo là Nga và Úc.
Báo cáo mới nhất của CAPA, một tổ chức chuyên phân tích về ngành hàng không tại châu Á – Thái Bình Dương, cho thấy IPO là chiến lược cốt lõi để các hãng giá rẻ trong khu vực phát triển đội bay lên tới 500 chiếc vào cuối năm nay, tương đương mức tăng trưởng 20%/năm. Cụ thể, tháng 5.2012, Thai AirAsia đã hoàn tất IPO và mang về cho Hãng gần 140 triệu USD. Còn AirAsia X cũng IPO thành công trong tháng 7 vừa qua và thu về 310 triệu USD trong kế hoạch nâng cấp đội bay từ 11 chiếc A330 trong năm qua lên 18 chiếc vào cuối năm nay. Cả hai hãng này đều có giá trị vốn hóa thị trường hàng tỉ đô la Mỹ.
Cơ hội lớn cho Việt Nam
Thông tin từ Reuters cho hay, Việt Nam được dự báo sẽ trở thành một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới trong vòng 3 năm tới.
Theo đó, cho dù nền kinh tế Việt Nam hiện chỉ tăng trưởng với tốc độ khoảng 5%/năm, chậm nhất trong 13 năm qua, nhưng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân vẫn đang tăng trưởng ở mức 2 con số. Điều này đồng nghĩa với những cơ hội mới mở ra cho các nhà sản xuất máy bay như Boeing, Airbus, Bombardier và Embraer.
Còn Hiệp hội Vận chuyển Hàng không Quốc tế (IATA) đã đưa ra dự báo, Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ ba trên thế giới xét về lượng hành khách quốc tế, hàng hóa vận chuyển và nhanh thứ nhì về số lượng hành khách nội địa. Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng nhận định, lượng hành khách hàng không nội địa sẽ tăng trưởng khoảng 15%-16% trong năm nay, cao gấp đôi so mức tăng 7% của năm ngoái.
Theo Reuters, các kế hoạch lớn của VietJetAir cũng đã góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa Vietnam Airlines vốn đã bị trì hoãn khá nhiều lần với nhiều lý do khác nhau. Hiện Vietnam Airlines vẫn chiếm thị phần lớn nhất tại thị trường nội địa và sự kiến sẽ tăng số lượng máy bay thêm 28% lên mức 101 chiếc vào năm 2015. Hãng này hiện đang chuẩn bị cho kế hoạch IPO vào quý 2.2014. “Kế hoạch IPO đang đi đúng tiến độ”, phát ngôn viên Lê Trường Giang của Vietnam Airlines cho biết.
Một trong những mục tiêu cốt lõi của Vietnam Airlines sau khi thực hiện IPO là nhằm hiện đại hóa đội máy bay gồm cả việc đặt mua Boeing 787 Dreamliner và Airbus 350. Hãng hiện có đơn đặt hàng gồm 8 chiếc Boeing 787 và 11 chiếc khác thông qua các công ty cho thuê máy bay. Cùng với Vietnam Airlines, hãng giá rẻ Jetstar Pacific cũng dự kiến sẽ tăng gấp 3 số máy bay hiện có từ mức 5 chiếc Airbus A320 lên 16 chiếc trong vài năm tới.
Bảo Vinh
nhịp cầu đầu tư
|