Thứ Sáu, 22/11/2013 21:36

Hàng không giá rẻ: Kẻ khoe lời, người kêu lỗ

Tại Việt Nam, VietJetAir (VJA) báo lãi 120 tỷ đồng sau 2 năm hoạt động và đang có kế hoạch mua thêm 92 máy bay Airbus với tổng trị giá 9 tỷ USD. Jetstar có kế hoạch tăng gấp ba số máy bay, từ 5 chiếc Airbus A320 lên 16 chiếc trong vài năm tới. Những con số này cho thấy các hãng hàng không giá rẻ đang ăn nên làm ra, trong khi có dư luận cho rằng "các hãng hàng không giá rẻ Việt Nam chưa bao giờ biết đến lợi nhuận".

Trên mức hòa vốn

Theo ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không, năm qua, dù kinh tế có khó khăn, nhưng các hãng hàng không giá rẻ chẳng những tồn tại được mà còn phát triển tốt vì có một lượng lớn hành khách từ hàng không truyền thống chuyển sang.

Thông tin này được bà Jasmin Lee, Giám đốc Thương mại AirAsia (Malaysia), khẳng định qua kế hoạch tăng trưởng của AirAsia. Hiện hãng bay này có 60 chuyến bay/tuần từ Kuala Lumpur, Bangkok, Jakarta đến Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng từ 10 - 15%/năm, AirAsia đang chuẩn bị tăng tần suất bay, cũng như khai thác các điểm đến mới là Huế và Nha Trang.

Đặc biệt AirAsia đang có chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua liên doanh với một đối tác trong nước. Bà Jasmine cũng cho biết. "Công suất sử dụng ghế của AirAsia luôn đạt trên 80%, nghĩa là đã trên mức hòa vốn".

Theo các chuyên gia trong ngành, các hãng hàng không lớn như Emirates, Vector, AirAsia, Lion Air... đều có thế mạnh trên các đường bay châu Á, Đông Nam Á và quốc tế, nhưng vẫn đang ráo riết mở thêm đường bay đến Việt Nam.

Ngược lại, các hãng giá rẻ Việt Nam cũng đang có chiến lược phát triển đường bay quốc tế, cụ thể là châu Á và Đông Nam Á khiến thị phần này đang trở nên cạnh tranh gay gắt.

Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Điều hành VietJetAir, cũng cho biết, hiện tại VietJetAir sẽ vẫn tập trung kinh doanh ở thị trường nội địa vì vẫn còn nhiều cơ hội tốt để phát triển.

Tuy nhiên, Hãng sẽ tiếp tục mở rộng mạng bay quốc tế, trong đó có đường bay Hà Nội - Seoul trong quý IV/2013 và sẽ xem xét mở các tuyến đến Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan trong năm tới và cuối cùng sẽ là Nga, Úc, Mỹ... Với việc mở thêm các đường bay mới, VietJetAir hy vọng sẽ tăng thị phần lên 25%.

Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Jestar Pacific, ngay từ đầu năm, thị trường nội địa có khó khăn do nhu cầu đi lại của hành khách ít hơn, nên tuyến bay quốc tế đảm bảo cho sự phát triển của Jestar Pacific và đem lại hiệu quả khai thác đường bay của Hãng.

Vào tháng 3/2013, Jetstar Pacific khai thác đường bay từ TP.HCM đến Singapore, từ Singapore đến Indonesia với tần suất một chuyến/ngày.

Ngoài ra, hãng sẽ tiếp tục mở các đường bay trong khu vực Đông Nam Á. "Với chiến lược mở đường bay ngoại, năm 2013 Hãng sẽ giảm lỗ, tiến tới hòa vốn và có lãi", ông Hà cho biết.

Bay dài nuôi bay ngắn

VietJetAir ra đời sau Jetstar Pacific hơn 3 năm. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 9/2013, VietJetAir đang chiếm khoảng 22,9% thị phần hàng không Việt Nam, bỏ xa hãng hàng không giá rẻ đối thủ (13,5%).

Theo Trung tâm Hàng không CAPA, VietJetAir tăng nhanh thị phần nhờ nâng tần suất ở một số đường bay nội địa và mở thêm một số đường bay mới, trong đó có 2 đường bay đầu tiên từ Hà Nội và TP.HCM đến Bangkok trong nửa đầu năm nay.

Với kế hoạch này, VietJetAir có kế hoạch tăng gấp đôi số máy bay, tới 20 chiếc vào năm 2015 và đang tăng tốc liên doanh với 3 hãng hàng không khác trong khu vực bao gồm một hãng hàng không ở Myanmar, hãng KanAir của Thái Lan, một hãng hàng không Đông Bắc Á.

Cách liên doanh này của VietJetAir được nhiều người cho rằng, đang đi theo bài học thành công của AirAsia khi liên doanh với nhiều hãng hàng không Thái Lan, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Ấn độ.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Lương Hoài Nam, hiện là cổ đông của JPA, nguyên Giám đốc JPA, khẳng định: "Các hãng hàng không nhỏ như Jetstar Pacific Airline, Vasco (thuộc VNA) và VietJetAir chưa bao giờ biết lợi nhuận".

Ông Đỗ Xuân Quang, Tổng giám đốc Hãng hàng không Vector Aviations, cũng cho biết: "Các hãng hàng không giá rẻ đang bay nội địa để kết nối quốc tế, đó là chiến lược lấy ngắn nuôi dài, nghĩa là nhằm chấm dứt lỗ trong thời gian sớm nhất".

Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Jestar Pacific, cho biết thêm, sau 5 năm gia nhập thị trường hàng không, đến nay Jetstar vẫn chưa có lãi. Và đến năm 2013, vẫn là một năm khó khăn nên Hãng đang điều chỉnh lại chiến lược, cụ thể việc Jetstar chỉ còn 5 chiếc máy bay là bước lùi nhỏ nhằm để cân đối thị trường và tập trung cho các bước sau.

Cũng vì khó khăn mà trước đó, các hãng hàng không AirMekong, Indochina mặc dù sau vài năm hoạt động cũng khá nổi, nhưng cuối cùng đã phải từ bỏ đường bay. Chính vì vậy, việc VietJetAir thông báo có lãi và mua 92 máy bay đã gây hoài nghi trong dư luận.

Không ít thông tin cho rằng, đó là động thái để VietJetAir thực hiện kế hoạch huy động vốn để mở rộng quy mô hoạt động từ thị trường tài chính quốc tế, cụ thể là Hãng sẽ IPO (phát hành trái phiếu lần đầu ra công chúng) tại Hồng Kông hay Singapore vào năm 2015 - 2016, trong khi các nhà đầu tư trong nước đang tỏ ra e ngại và thận trọng đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Điều hành VietJetAir, vẫn khẳng định: "Chúng tôi phải rất chắc chắn với kế hoạch tài chính của mình thì mới đặt mua máy bay. Trong 100 máy bay này có 62 chiếc VJA đặt mua, 30 chiếc là VJA được quyền mua thêm khi đối tác có hàng và 8 chiếc thuê.

Để mua được máy bay, việc vay vốn từ ngân hàng chỉ là một trong nhiều nguồn tài trợ vốn. Nguồn vốn chủ yếu do các tổ chức lớn của nước ngoài thu xếp".

Được biết, ngày 31/10 vừa qua, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (ngân hàng lớn đứng thứ hai tại Trung Quốc), Công ty CCB Financial Leasing đã ký kết hợp tác toàn diện về việc cung cấp tài chính cho vay, thuê máy bay, động cơ và các vật tư hàng không có giá trị cao.

Có vẻ như đây là bước đi mở đầu cho việc thu xếp tài chính cho việc mua 100 máy bay của VJA. Riêng khoản lợi nhuận có lãi, khi bắt đầu lập kế hoạch kinh doanh, VietJetAir đã dự kiến sẽ chịu lỗ trong ba năm đầu, nhưng chưa đầy hai năm đã có lãi, vượt hơn kỳ vọng của Hãng.

Lữ Ý Nhi

doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Thêm 50 triệu USD phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (22/11/2013)

>   Chênh lệch như… cán cân thương mại Việt - Trung (22/11/2013)

>   Hơn 50 công ty Hàn Quốc đến Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh (22/11/2013)

>   Ủy ban Kinh tế: 73.000 tỷ đồng nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước (22/11/2013)

>   Tranh thị phần, 'cướp' nhân sự thời bùng nổ hàng không (22/11/2013)

>   ĐB Trần Du Lịch: EVN không minh bạch, bắt dân gánh lỗ là không được (22/11/2013)

>   Nhờ đâu Petrolimex lãi hơn 1.500 tỷ đồng? (22/11/2013)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản gặp khó (22/11/2013)

>   Vốn điều lệ của VinaLines là 10.693 tỷ đồng (21/11/2013)

>   Hơn 300 triệu USD vốn FDI vào VSIP Bình Dương (21/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật