Tranh thị phần, 'cướp' nhân sự thời bùng nổ hàng không
Sau phi công, tiếp viên hàng không... , giờ đến lượt nhân viên kỹ thuật bay đang bị lôi kéo, tranh giành. Xem ra, cuộc đua nhân sự hàng không lúc nào cũng nóng.
Chạy theo “tiếng gọi” tiền lương, đãi ngộ
Sự việc xôn xao bắt nguồn từ lá đơn kêu cứu của nhiều nhân viên Công ty Kỹ thuật máy bay (VAECO) thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), khi bị ép ký hợp đồng lao động ràng buộc 20 năm.
Thủ tục này nhằm hạn chế việc nhân viên VAECO bị các đối thủ khác lôi kéo bằng cách trả lương cao gấp 3 lần so với mức họ được trả hiện nay. Chẳng hạn, trong khi VAECO chỉ trả cho nhân viên 7,5-21 triệu đồng/tháng, thì làm ở hãng hàng không tư nhân con số này là 21 đến 58 triệu đồng, tùy trình độ. Không chỉ về lương, nhiều nguồn tin cho hay nơi làm việc mới còn có nhiều chế độ đãi ngộ khác tốt hơn.
Nhiều nhân viên kỹ thuật của công ty VAECO đang muốn nhảy việc vì chế độ đãi ngộ chưa tương xứng
|
Thực tế, một số vị trí chủ chốt và nhân viên kỹ thuật CRS (người có chứng chỉ xác nhận phục vụ) của VAECO (chủ yếu ở TP.HCM) đã nghỉ việc, chuyển sang làm cho hãng hàng không tư nhân VietJetAir.
Đến lúc này, lãnh đạo công ty VAECO mới vội vàng đưa ra quy định bắt nhân viên phải ký hợp đồng ràng buộc từ 10-20 năm, nếu không sẽ phải bồi thường - một số tiền lớn về chi phí đào tạo. Mà theo bảng tính chi phí đào tạo, thi cấp chứng chỉ CRS máy bay cho một nhân viên thì ít là hơn 700 triệu, cao lên tới hơn 1,4 tỷ đồng. Đây chính là điểm mà nhiều nhân viên kỹ thuật không đồng ý. Họ cho rằng, chất lượng đào tạo chưa tương xứng chi phí bỏ ra. Họ phải tự học, tự mày mò là chính rồi thi và đỗ để được cấp chứng chỉ.
Hơn nữa, diễn đàn của nhân viên công ty VAECO cũng đưa ra nhiều quan điểm bất đồng về thời gian và mức tiền phải đền bù; việc ký hợp đồng là không công bằng với những lao động cống hiến lâu năm; thời điểm ký thế nào là hợp lý; công ty trả mức lương hiện tại quá thấp so với công sức họ bỏ ra và so với lương của chuyên gia nước ngoài (nếu phải thuê)...
Được biết, chiều 20/11, lãnh đạo công ty VAECO đã có cuộc họp khẩn để bàn về vấn đề này, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Bị động trong cuộc đua ngày càng nóng?
Hàng không VietJetAir - bên được cho là “thủ phạm” lôi kéo nhân viên VAECO, lãnh đạo hãng cũng ngay lập tức có công văn trả lời báo Motthegioi, nêu rõ, họ “không có chính sách lôi kéo người”, mà tuyển dụng nhân viên dựa trên năng lực, không phân biệt người Việt Nam hay người nước ngoài và hoàn toàn tự nguyện. Thu nhập của phi công, tiếp viên, kỹ sư... là bình đẳng giữa người Việt và người nước ngoài.
Đang trên đà phát triển nên nhu cầu nhân sự của VietJetAir là rất lớn. Bỏ qua những vị trí tuyển dụng “hot” như tiếp viên hàng không, phi công... hãng này đang rất cần nhân viên kỹ thuật, nhất là thời gian tới, khi VietJetAir đón nhận lượng tàu bay lớn lên tới cả trăm chiếc - theo hợp đồng mới ký kết với hãng Airbus. Việc trả lương cao để “chiêu hiền đãi sĩ”, nhất là không mất công đào tạo, âu cũng là chuyện thường tình.
Như vậy, câu chuyện ở đây là việc giữ chân nhân sự, nhất là với nhân lực đặc thù khó đào tạo và chi phí cao như hàng không. Trên thực tế thì đây không phải là lần đầu Vietnam Airlines bị lôi kéo người. Trước đó, khi các hãng hàng không mới như Pacific Airlines (nay là Jetstar Pacific) hay Air Mekong, VietJetAir... gia nhập thị trường, không ít tiếp viên, phi công... của Vietnam Airlines đã nhảy việc. Hiện tượng này giờ lặp lại với VietJetAir trong bối cảnh hãng này đang rầm rộ mở rộng thị trường thì đương nhiên, nhu cầu nhân sự càng lớn, và không ít lao động - kể cả vị trí cấp cao - cũng từ chuyển Vietnam Airlines sang.
Rõ ràng, Hãng hàng không quốc gia đã từng vất vả để giữ người. Lẽ ra, từ kinh nghiệm thực tế đó, hãng cần “cảnh giác” và có biện pháp căn cơ hơn chứ không phải đến khi nhân viên kỹ thuật bị lôi kéo thì mới vội vàng bắt ký hợp đồng lao động ràng buộc. Đôi khi, việc làm đó còn gây “tác dụng phụ”, như khiến một số nhân viên còn do dự sẽ quyết định nhảy việc ngay lập tức, hay làm tổn thương những người ở lại - là tài sản lớn nhất của VAECO chứ không phải là các hangar rộng mênh mông ở Hà Nội, Sài Gòn, cũng không phải là những trang thiết bị đắt tiền vừa mới sắm, mà chính là nguồn nhân lực chất lượng cao” - ý kiến của một nhân viên VAECO trên diễn đàn.
Ở cuộc đua về giá vé máy bay, tuy ở hai phân khúc thị trường khác nhau, nhưng Vienam Airlines cũng buộc phải xuống nước để cạnh tranh với VietJetAir. Còn ở cuộc đua về nhân sự, đôi khi không chỉ giữ người bằng lương (vì thực tế, nhiều hãng hãng không trả lương cao đến khi khó khăn thua lỗ thì buộc phải cắt giảm, thậm chí ngừng bay) thì còn là chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc và sự tin tưởng, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau.
Ngọc Hà
diễn đàn doanh nghiệp
|