Giật mình với cầm cố chứng khoán
Đến hết quý III/2013, vay nợ trong lĩnh vực chứng khoán thông qua cầm cố lên tới hàng nghìn tỷ đồng ở không ít CTCK.
Vay giao dịch ký quỹ cũng nhiều
Tại CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC, mã HCM), đơn vị có thị phần môi giới lớn nhất hiện nay, số dư phải thu khách hàng về giao dịch ký quỹ đến 30/9/2013 là 911,869 tỷ đồng. Con số này tăng mạnh so với đầu năm là 510,853 tỷ đồng, nhưng vẫn là nhỏ so với năng lực mà HSC có thể cung cấp cho khách hàng.
Theo quy định, CTCK được phép cho vay ký quỹ tối đa 200% vốn chủ sở hữu. Cuối quý III/2013, vốn chủ sở hữu của HSC là hơn 2.133 tỷ đồng (với số dư tiền gửi ngân hàng hơn 941 tỷ đồng), tức Công ty có thể cho vay ký quỹ tới 4.266 tỷ đồng.
Tại CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), dù thị phần môi giới lớn, nhưng số dư phải thu khách hàng nghiệp vụ ký quỹ tính đến hết quý III/2013 chỉ là 337,374 tỷ đồng. Con số này tăng mạnh so với đầu năm là 185,273 tỷ đồng, nhưng vẫn quá nhỏ so với quy mô vốn của Công ty.
Tại nhiều CTCK khác, số dư cho vay giao dịch ký quỹ thời điểm cuối quý III/2013 cũng thấp hơn nhiều so với năng lực cho vay. Ví dụ: CTCK VNDirect 322,176 tỷ đồng; CTCK VPSC 438,256 tỷ đồng; CTCK Bảo Việt (BVSC) 161,218 tỷ đồng; CTCK Ngân hàng Công thương (Vietinbanksc) 51,462 tỷ đồng, CTCK FPT (FPTS) 393,539 tỷ đồng (tổng các khoản phải thu khách hàng từ giao dịch chứng khoán, ký quỹ, phí môi giới đến thuế chuyển nhượng chứng khoán)…
Những con số thống kê tại hàng loạt CTCK cho thấy, số dư vay giao dịch chứng khoán thông qua công cụ giao dịch ký quỹ của NĐT không nhiều. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do TTCK chưa khởi sắc khiến NĐT ngại sử dụng đòn bẩy, một phần do bản thân CTCK cũng như cơ quan quản lý thận trọng trong việc quy định danh mục và tỷ lệ ký quỹ.
… nhưng vay cầm cố mới thực sự “khủng”
Thống kê cho thấy, số dư cầm cố chứng khoán (gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) mới “khủng”. Tuy nhiên, do đây là các khoản CTCK ủy quyền trung gian quản lý tài sản cầm cố là chứng khoán, nên số dư thực tế không phải CTCK nào cũng thể hiện.
Tại CTCK Agriseco, tính đến cuối quý III/2013, giá trị chứng khoán cầm cố của khách hàng trong nước đã tăng lên mức 3.311,815 tỷ đồng, tức tăng hơn 50% so với đầu năm là 2.073,151 tỷ đồng.
Với ACBS, số dư chứng khoán cầm cố của khách hàng trong nước cuối quý III/2013 là 4.190,676 tỷ đồng (số dư đầu năm là 3.770,541 tỷ đồng). Cùng thời điểm, CTCK Rồng Việt (VDSC) có số dư chứng khoán cầm cố của khách hàng trong nước là 3.958,329 tỷ đồng. Tại CTCP Chứng khoán Phương Nam, số dư khoản mục này là 2.480,487 tỷ đồng.
Tính riêng giá trị chứng khoán cầm cố của các CTCK có số dư lớn nêu trên, con số đã lên tới 14.000 tỷ đồng. Con số này không bao gồm số liệu không được thống kê tại những CTCK không có báo cáo tài sản hạch toán ngoại bảng và những CTCK có số dư lưu ký chứng khoán cầm cố của khách hàng trong nước ở mức vài trăm tỷ đồng.
Một số CTCK có số dư chứng khoán cầm cố thấp là: CTCK Dầu khí (84,8 tỷ đồng), BVSC (217,847 tỷ đồng), Vietinbanksc (115,519 tỷ đồng), HSC (239 tỷ đồng), SSI (750,953 tỷ đồng)…
Theo tìm hiểu của ĐTCK, số dư chứng khoán cầm cố trong nhiều trường hợp là khoản bảo lãnh vay tín dụng của tổ chức, cá nhân với ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp, đây là cách để CTCK lách cho vay khách hàng, trong trường hợp chứng khoán khách hàng đang sở hữu không đủ điều kiện để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay ký quỹ.
Chưa rõ với số dư chứng khoán cầm cố lớn như vậy, giá trị thực sự mà khách hàng vay thông qua công cụ này là bao nhiêu. Nhưng không quá khó khăn để NĐT có thể tìm thấy trong báo cáo tài chính của một vài DN lớn xuất hiện những khoản vay cả nghìn tỷ đồng được bảo lãnh bởi cổ phiếu do cổ đông lớn hoặc ban lãnh đạo DN sở hữu.
Bí ẩn về dòng tiền trên TTCK xét từ nguồn chứng khoán cầm cố có thể không lớn. Tuy nhiên, nếu TTCK sụt giảm mạnh, DN hoạt động khó khăn, thì những khoản vay cầm cố chứng khoán hàng nghìn tỷ đồng này có thể sẽ tạo áp lực lớn về nguồn cung cổ phiếu.
Bùi Sưởng
đầu tư chứng khoán
|