ECB bất ngờ giảm lãi suất
Kết thúc cuộc họp báo ngày 07/11/2013, NHTW châu Âu (ECB) đã tuyên bố giảm lãi suất chủ chốt xuống mức thấp kỷ lục 0,25%.
Động thái này được coi là phản ứng mau lẹ trước những dấu hiệu cảnh báo kinh tế, cụ thể là nguy cơ giảm phát, khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2013 chỉ tăng 0,7% so cùng kỳ năm trước, giảm mạnh từ tốc độ tăng 1,1% trong tháng trước, thấp hơn mục tiêu đề ra là tăng khoảng 2%/năm, sự suy giảm liên tục của giá cả nhiều mặt hàng có thể triệt tiêu lợi nhuận và nỗ lực tạo việc làm cho người lao động. Nguy cơ giảm phát và kinh tế phục hồi tại khu vực euro đã khiến nhiều quan chức và chuyên gia tài chính lo ngại, Bộ trưởng Tài chính Mỹ hối thúc ECB phải nhanh chóng hành động.
Quyết định giảm lãi suất xuống 0,25% từ mức lãi suất 0,5% dường như đã xua tan lo ngại của một số nhà kinh tế cho rằng giai đoạn trì trệ sẽ kéo dài như đã xảy ra tại Nhật Bản, đồng thời củng cố tuyên bố đưa ra hồi năm ngoái của Chủ tịch ECB, Mario Draghi là quyết tâm bảo vệ khu vực euro.
Quyết định giảm lãi suất được các nền kinh tế yếu trong khu vực euro hoan nghênh, nhưng có vẻ không được một số chuyên gia và dư luận CHLB Đức đồng tình với lập luận cho rằng, không có giảm phát tại khu vực euro, lạm phát tăng chậm tại khu vực euro này chỉ là dấu hiệu về sự suy giảm thu nhập tại các nước như Tây Ban Nha và Hy Lạp, nơi mà chi phí lao động quá cao đối với những doanh nghiệp hoạt động trên thị trường quốc tế.
Một số chuyên gia kinh tế nghi ngờ về tác dụng của quyết định giảm lãi suất trong bối cảnh thiếu vắng các biện pháp kích thích tài khóa từ các chính phủ khu vực euro. Những nước như Italia và Tây Ban Nha không thể có điều kiện tăng chi tiêu công, trong khi CHLB Đức lại không sẵn sàng đẩy mạnh chi tiêu công. Đây là một nguyên nhân khiến kinh tế khu vực euro trong tình trạng nửa vời, không còn suy thoái nhưng tăng trưởng ì ạch.
Mặc dù khu vực euro đã thoát khỏi suy thoái từ đầu năm 2013, song những chỉ số kinh tế gần đây phát đi những tín hiệu trái ngược về tốc độ phục hồi kinh tế. Một vài chuyên gia kinh tế kỳ vọng kinh tế phục hồi nhanh, số khác lại tỏ ra bi quan và cảnh báo, suy thoái sẽ kéo dài nếu ECB không có những hành nỗ lực lớn hơn để thúc đẩy tín dụng và tăng trưởng.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng giảm phát là do xu hướng chung trên toàn cầu, đặc biệt là kinh tế tăng chậm lại và nhu cầu yếu ớt tại các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, ECB cũng bị chỉ trích mạnh mẽ.
Sau khi hỗ trợ khu vực đồng tiền chung euro thông qua kế hoạch mua trái phiếu có điều kiện, ECB dường như chưa làm được nhiều để kích lạm phát lên 2% theo mục tiêu đề ra. Quyết định giảm thêm lãi suất từ tháng 5/2013 xuống 0,5% từ 0,75% trước đó và cam kết tiếp tục nới lỏng tiền tệ cho đến khi kinh tế phục hồi bền vững không chặn được đà giảm phát. Sản lượng, giá tiêu dùng và tiền lương đều giảm.
Chính sách thắt lưng buộc bụng đã buộc nhiều nước phải cắt giảm tiền lương, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tạo thêm việc làm. Trên toàn khu vực euro, bức tranh tiền lương và thu nhập đang xấu dần, thê thảm nhất là tại Hy Lạp, tiếp đến là Tây Ban Nha và Italia. Theo dữ liệu của Eurostat, tỉ lệ thất nghiệp tại khu vực euro đã tăng lên mức kỷ lục 12,2% trong tháng 9 vừa qua, với khoảng 19,5 triệu người bị thất nghiệp.
Nhà kinh tế học Dominique Barbet thuộc BNP Paribas cho rằng, chỉ có biện pháp kinh tế vĩ mô mới đủ sức giúp khu vực euro tránh khỏi vòng xoáy giảm phát như Nhật Bản đã phải hứng chịu trong suốt 15 năm qua. Trong bối cảnh thiếu vắng những chính sách tài khóa cụ thể và hợp lý cho khu vực euro, các chuyên gia phân tích và tạo lập chính sách đang rất kỳ vọng vào sự can thiệp của ECB. Trong đó, tỉ lệ thất nghiệp cao và lạm phát thấp là hai yếu tố buộc ECB phải cân nhắc tiếp tục nới lỏng tiền tệ và đẩy mạnh thanh toán bằng tiền mặt, làm cơ sở để thực thi những chính sách tích cực khác, đặc biệt là đảm bảo hiệu quả của các công cụ chính sách tiền tệ. Một số chuyên gia cho rằng, CHLB Đức sẽ không phản đối quyết liệt như trước đây, do khu vực euro mạnh cũng là mong muốn và lợi ích của CHLB Đức cũng như cộng đồng quốc tế.
sbv
|