Cổ phiếu đầu cơ: 3 điều e ngại
Những yếu tố ủng hộ có giúp giữ vững dòng tiền đầu cơ ở lại thị trường trong thời gian tới đây hay không, khi mà e ngại đang ngày một tăng cao.
Dòng cổ phiếu đầu cơ gia tăng trở lại mạnh mẽ kể từ cuối tháng 9 trở lại đây, với tâm điểm là các cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá như: KMR, VNH, VNC,PVT, VIP, VTO, ITD, ICF, DCS, LCM, DHM, KSS, KSA, KTB, TLH…
Mức tăng trưởng vượt trội của các cổ phiếu này đã và đang thu hút lượng lớn dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, việc mở rộng đầu tư vào nhóm cổ phiếu nóng trong thời điểm này có thể sẽ phải đối mặt với 3 điểm bất lợi sau:
(1) Khối ngoại đang liên tục bán ròng trở lại, liệu thị trường có trụ vững? Kể từ ngày 12/11 tới nay, khối ngoại đã bán ròng 7 phiên liên tiếp với hơn 5.3 triệu đơn vị, tương đương với 155.7 tỷ đồng. Như thường lệ, lực bán của khối ngoại vẫn tập trung vào các cổ phiếu bluechip.Do đó, mặc dù lực bán trong các phiên không quá mạnh nhưng đã có ảnh hưởng nhất định đến chỉ số lẫn tâm lý thị trường. Một khi các trụ đỡ của thị trường không còn vững chắc thì dòng tiền nói chung sẽ bị tác động, kể cả dòng tiền vào nhóm cổ phiếu đầu cơ.
Thực tế cho thấy việc khối ngoại bán ròng liên tục trong nhiều phiên (như trường hợp gần nhất là tháng 06/2013) không sớm thì muộn sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực lên giao dịch. Do đó, việc khối ngoại bắt đầu bán ròng liên tiếp trở lại trong những phiên gần đây có thể là một tín hiệu cảnh báo và khiến giới đầu tư e ngại hơn trong việc mở rộng giao dịch.
(2) Mức sinh lời đã quá hấp dẫn và có thể kích thích chốt lời đồng loạt. Nhóm cổ phiếu đầu cơ đã tăng điểm liên tục từ tháng 9 tới nay và có mức sinh lợi khá hấp dẫn. Điển hình như KMR đã tăng liên tục từ ngày 23/09 với mức tăng gần 3.2 lần, VNH tăng từ 21/10 với mức tăng hơn 3 lần, VIP tăng từ ngày 03/09 với mức tăng hơn 48%, VOS tăng từ 05/09 với mức tăng hơn 70%...
Dòng tiền đầu cơ trong giai đoạn hiện nay có sự khác biệt so với thời gian trước, khi đích nhắm đến thường là những cổ phiếu đã có tiến triển tích cực về KQKD 9 tháng đầu năm (như KMR, TLH, PVT, VIP, VTO…). Đồng thời, sự “thay máu” trong đợt tăng điểm vừa qua đã giúp hình thành một mặt bằng giá mới. Có lẽ những điều này đã giúp dòng tiền đầu cơ duy trì khá bền vững.
Tuy nhiên, cần chú ý rằng sự thay đổi trong kết quả kinh doanh ở một số cổ phiếu đầu cơ là chưa thực chất và căn bản, khi lợi nhuận có được liên quan đến việc hoàn nhập dự phòng, thay đổi cách hạch toán với công ty con…,nhưng lợi nhuận từ hoạt động chính chưa có nhiều cải thiện một cách bền vững. Bên cạnh đó,làn sóng cổ phiếu ăn theo (không có sự cải thiện trong hoạt động) cũng đang diễn ra khá phổ biến,và điều này có thể thúc đẩy hoạt động chốt lời mau chóng trở lại.
Một điểm nữa cũng cần chú ý là khi hoạt động chốt lời đồng loạt diễn ra, nhiều cổ phiếu mang tính đầu cơ cao có thể có hiện tượng mất thanh khoản bên mua khiến việc thoát hàng trở nên khó khăn hơn.
(3) Nỗi lo về tính chu kỳ khi cổ phiếu đầu cơ nổi sóng. Yếu tố ủng hộ cho xu hướng tích cực của thị trường trong giai đoạn hiện nay là: (1) Việc tăng room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài đang dần trở thành hiện thực khi dự thảo cuối cùng đã được trình lên Thủ tướng; (2) Quá trình xử lý nợ xấu vẫn đang diễn ra khá khẩn trương, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm nợ xấu, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay; (3) Yếu tố mùa vụ cuối năm có thể giúp các doanh nghiệp cải thiện hơn trong kết quả hoạt động.
Liệu những yếu tố này có thể giúp giữ vững dòng tiền đầu cơ ở lại thị trường trong thời gian tới đây hay không? Điểm đáng e ngại là thống kê của chúng tôi lại cho thấy, mỗi lần nhóm cổ phiếu đầu cơ nổi sóng thì xu hướng tăng điểm của thị trường sẽ chấm dứt (Xem thêm chi tiết tại đây).
Duy Nam
công lý
|