Nguội vàng, nóng chứng khoán
Giá vàng hôm qua (21.11) đã lùi về mức thấp nhất trong vòng gần ba năm qua, song mãi lực thị trường này vẫn èo uột, cho thấy, sức hấp dẫn của vàng đã giảm mạnh. Trong lúc thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu tan băng, dòng tiền ngắn hạn đang có xu hướng đổ mạnh hơn vào chứng khoán, trong khi dòng tiền dài hạn vẫn lựa chọn an toàn là kênh tiết kiệm ngân hàng.
Hôm qua (21.11), theo đà giảm của giá thế giới, vàng trong nước đã về mức thấp nhất kể từ đầu năm 2011 tới nay. Tuy nhiên, so với giá thế giới quy đổi (chưa tính thuế, phí), vàng trong nước vẫn đắt hơn giá thế giới 4,3 triệu đồng/lượng.
Vàng bớt lấp lánh
Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch buổi sáng, vàng SJC của công ty vàng bạc đá quý SJC đã lùi về mức giá 36,05 – 35,15 triệu đồng/lượng (giá mua vào – bán ra), giảm 330.000 đồng/lượng giá mua vào, giảm 280.000 đồng/lượng giá bán ra so với phiên giao dịch ngày 20.11. Trái với tình trạng đổ xô đi mua vàng mỗi lần giá biến động, giao dịch trên thị trường vàng hôm qua vẫn khá trầm lắng. Theo công ty vàng bạc đá quý PNJ, lượng vàng bán ra trong toàn hệ thống ngày 21.11 ước đạt 600 – 700 lượng, tăng nhẹ so với mức trung bình 400 – 500 lượng/ngày thời gian gần đây. Trong khi đó, thời điểm giao dịch sôi động trước đó, lượng vàng doanh nghiệp bán ra trong ngày có khi lên tới 3.000 lượng. Tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác, tình trạng diễn ra tương tự, lực mua vàng chỉ bằng 40 – 50% so với cùng thời điểm này năm ngoái, và chỉ bằng 30% so với thời điểm giao dịch sôi động. Lực mua yếu, đã kéo giá vàng lùi thêm 80.000 đồng/lượng trong phiên giao dịch cuối buổi chiều.
Theo nhận định của phó tổng giám đốc một doanh nghiệp vàng tại Hà Nội, cầu vàng giảm mạnh do hai nguyên nhân chính: một lực đầu tư lớn đã tham gia thị trường thời điểm ở vùng giá 48 – 49 triệu đồng/lượng, đến nay vẫn chưa chốt được lời; trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia tài chính thế giới, triển vọng thị trường vàng từ nay đến cuối năm 2013, đầu năm 2014 vẫn chưa khả quan.
Vụ trưởng vụ Quản lý ngoại hối, ngân hàng Nhà nước Nguyễn Quang Huy cũng cho rằng “vàng đã bớt lấp lánh”. Bên cạnh xu hướng giá quốc tế, nguyên nhân khiến vàng giảm sức hấp dẫn với nhà đầu tư trong nước, theo ông Huy là bởi triển vọng kinh tế trong nước dần phục hồi, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản đã trở nên hấp dẫn hơn vàng.
Đôla thặng dư, bất động sản chưa tan băng
Tăng từ cuối tuần trước, hôm qua, giá USD trên thị trường tự do tiếp tục tăng xấp xỉ 20 đồng/USD, lên mức thấp nhất 21.200 đồng/USD giá mua và cao nhất 21.240 đồng/USD giá bán ra, kéo theo một số nhận định nghi ngại hiện tượng đầu cơ đón “sóng” tăng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, đại diện lãnh đạo ngân hàng Nhà nước, cho biết, cơ quan này chưa có bất cứ động thái điều chỉnh tỷ giá nào. Trong ngắn hạn, tỷ giá cũng không phải gánh áp lực, do cán cân thanh toán quốc tế từ nay đến cuối năm 2013 được dự báo thặng dư. Giá USD trong hệ thống ngân hàng ngày 21.11 vẫn duy trì ổn định, quanh mức 21.070 – 21.080 đồng/USD giá mua vào; 21.120 – 21.130 đồng/USD giá bán ra.
Kênh đầu tư khác, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, bất kể hàng loạt đề xuất, giải pháp đã và đang được tung ra thị trường, trong đó điển hình là gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng. Nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, thị trường bất động sản vẫn chưa tan băng, bởi tồn tại sáu nghịch lý: 1/Giá nhà ở trung bình cao gấp 25 lần thu nhập trung bình của người lao động; 2/Cầu bất động sản thừa trong khi cung cũng thừa, song không gặp được nhau; 3/Tồn đọng nhiều nhưng giá bất động sản chỉ hạ tới mức nhất định, không có hiện tượng phá giá bởi vì vốn tồn đọng chủ yếu từ vốn góp của người tiêu dùng trong phương thức “mua nhà trên giấy” và vốn tín dụng; 4/Các nhà đầu tư than khó, song thực tế vẫn có tới 80% đang kinh doanh có lãi; 5/Giá nhà ở xã hội với nhiều ưu đãi song có giá cao hơn giá nhà ở thương mại cùng loại; 6/Gói tín dụng ưu đãi cho người có thu nhập thấp mua nhà đã sẵn sàng, song người có nhu cầu rất khó tiếp cận…
Tiền vào tiết kiệm và chứng khoán
Trong khi đó, thị trường chứng khoán đã xuất hiện những tín hiệu “nóng” lên: giá tăng, dòng tiền đổ mạnh vào thị trường. Cụ thể, phiên giao dịch 21.11, tổng khối lượng giao dịch trên sàn TP.HCM (HOSE) đã đạt gần 174 triệu đơn vị, trị giá giao dịch hơn 2.400 tỉ đồng. Mặc dù giá đóng cửa giảm nhẹ, song phiên giao dịch này đã đạt mức khối lượng cao nhất, trong vòng gần sáu tháng qua (từ ngày 31.5 đến nay); có giá trị khớp lệnh lớn nhất trong vòng gần ba năm qua (từ ngày 14.12.2010 đến nay). Sàn Hà Nội (HNX), khối lượng giao dịch cũng đạt hơn 100 triệu đơn vị. Đáng chú ý, dòng tiền đổ vào thị trường đã tăng dần lên từ những phiên giao dịch trước đó, kể từ ngày 15.11 đến nay, và không chỉ đổ vào những mã blue-chip, mà cả những mã penny.
Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường, Công ty chứng khoán VCBS, nhận định, thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc hơn trong quý 4 năm nay, nhờ nền kinh tế xuất hiện những dấu hiệu hồi phục, như: chỉ số lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, hàng tồn kho giảm dần, sức mua nhích lên, kết quả kinh doanh quý 3 của một số doanh nghiệp đã tăng trưởng so với quý trước đó. Thêm vào đó phải kể đến là quyết định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo báo cáo mới nhất của ngân hàng Nhà nước, tính đến 31.10, huy động vốn VNĐ tăng 14,06%. Mặc dù mặt bằng lãi suất đã liên tục giảm, trần lãi suất hiện về 7% – tương đương mức lạm phát dự kiến cả năm 2013, song mức tăng trưởng huy động vốn vẫn gấp gần hai lần mức tăng trưởng tín dụng (7,18%), cho thấy, mặc dù lãi suất tiết kiệm không mấy hấp dẫn, song đây vẫn là một kênh gửi vốn khá an toàn.
Thảo Nguyên
Sài Gòn Tiếp Thị
|