Thứ Ba, 05/11/2013 06:43

Cổ phần hóa kiểu... đổi tên!

Năm 2013, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc các tập đoàn, tổng công ty đã được phê duyệt chủ trương cổ phần hóa. Song, đến nay vẫn chưa có số liệu chính thức về số DNNN đã hoàn thành việc cổ phần hóa.

Tính đến ngày 20/4/2012, cả nước đã hoàn thành cổ phần hóa 3.951 DN, chiếm 67,4% tổng số DNNN cần cổ phần hóa. Theo kế hoạch của Bộ Tài chính, năm 2012 sẽ cổ phần hóa 93 DNNN, trong đó có 18 DN thuộc 5 tập đoàn kinh tế và 15 DN thuộc 5 tổng công ty nhà nước đặc biệt. Năm 2013, nhiều DNNN thuộc các tập đoàn, tổng công ty đã được phê duyệt chủ trương cổ phần hóa. Song, đến nay vẫn chưa có số liệu chính thức về số DNNN đã hoàn thành việc cổ phần hóa.

Tuy nhiên, trong trường hợp nhà nước giữ cổ phần chi phối, còn không ít công ty cổ phần chỉ tồn tại một cách hình thức, thậm chí sự thay đổi lại tạo ra tác động ngược, làm suy giảm nghiêm trọng quyền chủ động kinh doanh của DN.

Chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty đã cổ phần hóa cho rằng, sau một thời gian khá dài với rất nhiều công việc phải làm, công ty đã chuyển đổi thành công ty cổ phần nhưng thật ra chỉ có tên gọi là thay đổi. Khi chưa cổ phần hóa, tên gọi là “công ty TNHH nhà nước một thành viên”, sau cổ phần hóa mang tên “công ty cổ phần”, hội đồng thành viên trước đây nay gọi là hội đồng quản trị... Ngoài những thay đổi về tên gọi, cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự và tác phong làm việc của công ty vẫn giữ nguyên như cũ. Nguyên nhân quan trọng nhất là ngay trong phương án cổ phần hóa, cơ quan chủ quản- UBND tỉnh- đã khẳng định, nhà nước phải nắm giữ ít nhất 75% vốn điều lệ. Song, năng lực tài chính của công ty trước khi cổ phần hóa không tốt, lĩnh vực kinh doanh không thật hấp dẫn nên không có nhà đầu tư bên ngoài nào mua cổ phần. Với sự động viên, thuyết phục của công đoàn, người lao động trong công ty đã mua 10% cổ phần. Vì thế, khi chuyển thành công ty cổ phần, nhà nước vẫn nắm tới 90% vốn điều lệ. UBND tỉnh có quyết định cử 5 cán bộ là đại diện phần vốn nhà nước tại công ty. Và, tại đại hội đồng cổ đông, 5 cán bộ này đã được bầu vào hội đồng quản trị với số phiếu đại diện cho 90% vốn điều lệ! Cũng vì vậy, mọi việc từ nhỏ đến lớn trong quản lý, điều hành công ty, hội đồng quản trị đều... xin ý kiến chỉ đạo (thực chất là quyết định) của chủ sở hữu. Luật Doanh nghiệp gần như không hề được biết đến tại công ty.

 Cần thay đổi tư duy về cổ phần hóa DNNN. Một số lĩnh vực đặc biệt quan trọng nhà nước cần nắm giữ nên duy trì là DN 100% vốn nhà nước. Khi đã cổ phần hóa, nhà nước không nên là cổ đông chi phối nữa.

Chúng ta có quyền đặt ra câu hỏi, việc cổ phần hóa DNNN như trên để làm gì? Có lẽ, ngoài việc có một báo cáo là “đã cổ phần hóa xong x DN” để ghi nhận thành tích của cơ quan quản lý, sẽ không còn ý nghĩa gì khác. Bởi, khi nhà nước nắm cổ phần chi phối sẽ tạo ra một cơ chế quản lý “nửa nạc, nửa mỡ”, khó có thể thu hút vốn của các nhà đầu tư tư nhân. Sẽ rất ít (nếu không muốn nói là không có) nhà đầu tư nào chấp nhận đầu tư vốn vào một DN mà ở đó, họ luôn luôn ở vị thế cổ đông thiểu số. Người lao động trong DN không phải là những nhà đầu tư tiềm năng vì năng lực tài chính hạn chế. Hơn nữa, thực tế đại bộ phận người lao động trở thành cổ đông của công ty khi cổ phần hóa là để giữ chỗ làm việc và hưởng phần ưu đãi theo quy định. Họ ít quan tâm (cũng không thể quan tâm vì là “thiểu số”) tới công tác quản trị DN sau cổ phần hóa. Nguy hiểm hơn, khi 75- 90% vốn nhà nước trong DN đã cổ phần hóa được giao cho một công chức, viên chức trong cơ quan quản lý nhà nước làm đại diện, sẽ tạo ra một cán bộ “siêu quyền lực”. Tham nhũng sẽ nảy sinh từ đó.

Luật gia Vũ Xuân Tiền

Công Thương

Các tin tức khác

>   Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Phú Yên chào bán 57,800 cp (05/11/2013)

>   Hết “cửa” né cổ phần hóa (30/10/2013)

>   Bộ trưởng Thăng: Thay sếp doanh nghiệp không hoàn thành cổ phần hóa (25/10/2013)

>   Tổng giám đốc Vinatex Trần Quang Nghị: Giá của Vinatex là ẩn số (24/10/2013)

>   Công ty Cấp thoát nước Khánh Hòa đã bán hơn 4 triệu cp cho 1 tổ chức (16/10/2013)

>   Cấp thoát nước Khánh Hòa đăng ký đấu giá 8.5 triệu cp (10/10/2013)

>   Đề xuất giải pháp "làm nóng" cổ phần hóa (10/10/2013)

>   Sau năm 2015: Cổ phần hóa Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (08/10/2013)

>   Đông Nam Á rộn ràng IPO (07/10/2013)

>   Tới đây sẽ xem xét nâng mức trần cổ phần hóa (30/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật